Bà Kăn Ling - con tim nhân hậu của núi rừng Trường Sơn - sinh năm 1964, dân tộc Pa Kô ở bản Tăng Cô Hang, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Suốt mấy chục năm qua, bà đã cưu mang 11 đứa trẻ và nuôi chúng trưởng thành giữa vô vàn khó khăn.
Đội mưa cứu 3 đứa trẻ ở vùng biên
Vào một chiều đông năm 1986, bà Kăn Ling cùng chồng lội dòng sông Sê Pôn đón 3 đứa trẻ mồ côi từ đất nước bạn Lào về Việt Nam. Bà Kăn Ling nhớ lại: 'Trời mưa tầm tã, nước sông lớn, tôi cùng chồng lội sông đón những đứa trẻ. Nếu không đón, một trong 3 đứa trẻ sẽ bị chôn sống cùng với mẹ chúng vì đứa út chỉ mới được hơn chục ngày tuổi…'.
Đứa trẻ may mắn đó hiện là cô giáo Hồ Thị Pừng, Trường Mầm non xã Xy (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Nhắc lại chuyện xưa, cô giáo Pừng nức nở: 'Nếu không có mẹ Kăn Ling, em đã chết, đâu được như ngày hôm nay'. Đó là một phép mầu từ con tim của bà Kăn Ling, nếu không có bà, Hồ Thị Pừng sẽ không được sống, nói gì tới việc trở thành giáo viên cắm bản.
Chồng bà Kăn Ling, ông Hồ Văn Tang, dân tộc Pa Kô, gốc Lào. Ông trở thành công dân Việt Nam theo Hiệp ước phân định biên giới Việt - Lào năm 1977, là cậu của 3 đứa trẻ mồ côi. Ông Tang cho hay 3 đứa trẻ là con của em gái ông.
Khi vợ chồng em gái của ông chết, người trong dòng họ cử người báo tin cho ông rồi nói nếu không ai nuôi chúng, ngày mai chôn mẹ, chôn theo đứa nhỏ nhất vì không nuôi được, 2 đứa còn lại để sống sao thì sống. 'Vợ tôi giục tôi đi đón chúng về. Đoạn đường đến nhà em gái tôi mưa như trút nước, lầy lội. Chúng tôi lội sông, tôi bế 2 đứa lớn, vợ bế đứa nhỏ, vừa đi vừa chảy nước mắt, mừng nhưng cũng lo, bản làng đói quá không biết lấy gì nuôi bọn nhỏ' - ông Tang kể.
Bà Kăn Ling quây quần bên bọn trẻ bản làng Pa Kô
Chuyện gần 40 năm mà nghe như mới ngày hôm trước, con sông Sê Pôn ranh giới giữa hai nước Việt - Lào vẫn còn nhiều nước, bờ bãi vẫn còn đất, còn cát. Tuy nhiên, 3 đứa trẻ chỉ còn cô giáo Pừng. Bà Kăn Ling ngậm ngùi: 'Hai thằng anh của Pừng không còn. Thằng anh lớn Hồ Văn Dưa chết vì đột quỵ bỏ lại 3 đứa con mồ côi. Đứa thứ 2 Hồ Văn Dần mới học lớp 2 thì chết vì bị chảy máu chân răng'.
Bà Kăn Ling khóc trong tiếng nấc: 'Khát vọng lớn nhất của con người là được sống. Tôi đem con về nhà, muốn con được sống, được ăn cơm, có áo mặc, được học hành. Tất cả mọi thứ khó khăn vợ chồng tôi đều làm được, riêng sự sống không ngờ lại khó khăn thế…'.
Nói tới đây bà Kăn Ling ôm chúng tôi khóc, chúng tôi cũng không ngăn được nước mắt trước người đàn bà dân tộc Pa Kô đầy yêu thương và cao cả này.
Vì tương lai con người
Tính đến tháng 10-2024, bà Kăn Ling đã nuôi nấng 11 đứa trẻ - có đứa mồ côi cha, đứa mồ côi mẹ, đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ cùng 4 đứa con đẻ. Cái đáng quý là trong ngôi nhà nhỏ bé của hơn chục con người sinh sống đó, những đứa trẻ luôn hòa thuận, yêu thương nhau, con đẻ luôn nhường nhịn cho các con nuôi từ đôi dép, cặp sách…
Tròn 40 năm tuổi Đảng, kinh qua nhiều chức vụ tại địa phương như Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND xã, tham gia công tác thanh niên, phụ nữ…, phương tiện đi lại của bà Kăn Ling vẫn là đôi chân của chính mình.
Hành trình 60 năm, từ ngày nghiền lúa nếp chắt nước gạo cho trẻ sơ sinh uống để cầm hơi đến khi vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị từ 100% hộ nghèo còn dưới 20% thì cuộc sống bà Kăn Ling vẫn trong cảnh khó khăn. 40 năm qua, bà vẫn lủng lẳng trên tay nào thức ăn, thực phẩm, bánh kẹo… mỗi khi đi đây đi đó mang về cho các con và những đứa trẻ trong làng.
Bà Kăn Ling vui cùng trẻ và giáo dục giới tính cho trẻ em thôn bản
Chúng tôi hỏi nếu bây giờ có trẻ mồ côi, bà có đi nhặt không? Bà Kăn Ling cười đôn hậu: 'Có chứ, phải nhặt lấy con người, đó là những đứa trẻ'. Trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, bà Kăn Ling vẫn sẵn sàng nhặt thêm những 'miệng ăn' bởi theo bà, bà làm vì tương lai con người. Bà Kăn Ling bảo: 'Trước sự sống và cái chết, tôi không suy nghĩ được nhiều, cứ đem trẻ về, mình sống một ngày, con sống một ngày'.
Bà thổ lộ rằng mình trưởng thành bởi những yêu thương, thành công bởi tình người. 'Tôi muốn các con được sống, được hạnh phúc, được trưởng thành…' - bà Kăn Ling bộc bạch.
Dưới cái nôi tình người
Ông Hồ Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa, nhận xét: 'Bà Kăn Ling có tình cảm đặc biệt với trẻ con, nhất là đối với trẻ có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa. Tấm lòng của bà được cộng đồng ghi nhận, nhà nước tôn vinh, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho bà với thành tích trong 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015' cùng với nhiều khen thưởng của chính quyền địa phương'.
Dưới cái nôi tình người của bà Kăn Ling, những đứa trẻ mồ côi đã trưởng thành, yên bề gia thất, có công việc ổn định, trở thành người có ích cho cộng đồng. Hầu hết các con của bà Kăn Ling đều tốt nghiệp từ trung cấp trở lên, 4 trong số đó tốt nghiệp đại học và hiện công tác tại địa phương.
Cô giáo Hồ Thị Pừng, đứa trẻ 'suýt bị chôn sống' năm nào, chia sẻ: 'Mẹ Kăn Ling căn dặn phải sống tốt, phải biết yêu thương và chia sẻ với mọi người, nhất là người nghèo khó, những ai có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội thì giúp đỡ họ. Mình còn giúp đỡ được họ là mình còn có điều kiện hơn rồi'.
Cô giáo Hồ Thị Pừng (áo đen) - đứa trẻ “suýt bị chôn sống” mấy chục năm trước - hạnh phúc bên mẹ Kăn Ling
Với Pừng, nhân cách của mẹ Kăn Ling như những trang giáo án về tình người, chị Pừng xem đó để rèn luyện, để giáo dục con cái, dạy bảo học trò. Chị nói việc làm tốt của mẹ là trang sách đạo đức quý giá của con người mà tôi học được. Đó là việc làm cụ thể mà ai cũng thấy, cũng thương.
Yêu thương hết thảy những con người, bản làng thân thuộc, người ở gần xa đều biết đến bà Kăn Ling. Bởi vậy khi chúng tôi tìm bản Tăng Cô Hang, hỏi tên bà Kăn Ling ai cũng biết mặc dù bản nằm trong con đường nhỏ, dọc mé đồi. Đây là nơi ở bà Kăn Ling dọn về từ năm 1998, trước đó gia đình bà sống ở mảnh đất lớn dọc đường liên xã.
Ngót nghét gần 40 năm từ ngày bà Kăn Ling nhận những đứa trẻ đầu tiên, tên và nghĩa cử của bà Kăn Ling được bản làng nhắc, truyền tai nhau. Hằng ngày, người đàn bà dân tộc Pa Kô vẫn mang thức ăn cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, sống bình thản, dung dị trong sự nể phục của người dân trong bản. Trước khi rời bản Tăng Cô Hang, chúng tôi hỏi lại: Nếu bây giờ có trẻ mồ côi thì bà còn nhận không? 'Có chứ, chắc chắn phải nhận, với con người thì không suy nghĩ được nhiều' - bà Kăn Ling nhắc lại.
Ông Hồ Văn Thứ cho hay năm 1998, gia đình bà Kăn Ling hiến 1,5 ha đất mặt tiền để xây dựng trường học, trụ sở UBND xã và Bệnh viện Khu vực Lìa. Từ đó, gia đình bà vào sống trong thôn. Ở đâu cũng thế, bà và gia đình là tấm gương sáng cho mọi người học tập.