Đó là việc làm thiện nguyện lặng lẽ mà hơn 10 năm qua, vợ chồng ông Huỳnh Thích và bà Phan Thị Thương (57 tuổi, trú xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) âm thầm thực hiện.
10 năm lặng lẽ gom xác hài nhi
Nằm nép mình một góc tại nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), có một khu vực nhỏ là nơi an nghỉ của hàng nghìn sinh linh bé bỏng bị cha mẹ khước từ. Nơi đây, gần chục năm qua, vợ chồng ông Thích đã thầm lặng thu nhận những xác hài nhi chưa kịp thành hình đã phải lìa trần, đem về khâm liệm, chôn cất.
Nói về cơ duyên đến với công việc khác người này, ông Thích cho biết mình gắn bó với công việc xây dựng, khâm liệm ở nghĩa trang từ năm 2001. Đến năm 2013, tình cờ nghe tin có một hài nhi bị bỏ rơi ở cạnh nghĩa trang. Không kiềm lòng được, ông vội vàng bỏ dở bữa cơm, tất tả chạy đến nhận hài nhi xấu số mang đi an táng.
Nghĩa trang thai nhi này là nơi an nghỉ của hơn 1.600 'thiên thần' vắn số.
“Nghĩ về những đứa trẻ bị chính cha mẹ ruột của mình bỏ rơi khiến tôi không khỏi day dứt. Sự thương xót đã thôi thúc tôi đi đến quyết định làm một việc gì đó cho những đứa trẻ chưa kịp sinh ra này bớt lạnh lẽo và cô đơn”, ông Thích tâm sự.
Cũng từ cái ngày định mệnh ấy, cứ thế, một, hai, ba, bốn, thành hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn… Đến nay, khu nghĩa trang này đã có hơn 1.600 sinh linh bé bỏng.
Ông Thích trải lòng, những ngày đầu làm công việc chôn cất hài nhi thật không hề dễ dàng, bởi những lời bàn tán, xì xào của mọi người xung quanh khiến ông nhiều lúc cảm thấy nao lòng. Ông đã từng run bần bật vì quá xót xa khi chứng kiến hình hài của một đứa trẻ đã rõ bị vứt bỏ trong bao nylon màu đen. Có những bào thai chỉ mới là giọt máu, có cháu đã đứt lìa tay chân trong lúc bị cắt ra khỏi dạ con. Khi đem về nghĩa trang, ông vừa khóc, vừa cẩn thận sắp xếp rồi mới nhẹ nhàng đặt vào tiểu để chôn cất.
Rồi tiếng lành đồn xa, mọi người cũng biết đến ông Thích nhiều hơn. Hễ hay tin ở đâu có hài nhi bị bỏ rơi thì người ta lại điện cho ông. Suốt 10 năm nay, chiếc điện thoại di động luôn được ông Thích mang theo trên người. Dù làm bất cứ việc gì hay ở đâu, ông luôn để ý mỗi lần chuông reo. Có cuộc gọi ban ngày và cả lúc nửa đêm, hễ cứ có người báo tin là ông lại bỏ hết công việc, tất tả chạy đến đưa các con về.
Ngôi nhà nhỏ của những sinh linh chưa bao giờ được khóc
Mỗi hài nhi mang về, ông lại cùng vợ tổ chức tẩm liệm tử tế, cẩn thận sắp xếp vào tiểu sành rồi mang đi chôn cất. Nghĩa cử, việc làm của ông bà chỉ với một mục đích duy nhất là giúp cho các linh hồn nhỏ bé được siêu thoát, không phải chịu cảnh bị hắt hủi, quăng quật nơi lề đường, thùng rác.
Ông Huỳnh Thích cho hay việc chôn cất các con 'phải xuất phát từ cái tâm'.
'Mỗi thai nhi là một sinh linh vô tội, rất cần được đối xử tử tế, nên mỗi khi nhận được điện thoại là tôi lập tức lên đường. Vì tôi sợ không kịp thì các cháu sẽ bị vứt bừa bãi và trở thành những linh hồn không nhà. Tội nghiệp lắm! Có hôm tôi chạy sang tận Bệnh viện 600 giường để nhận các cháu về chôn cất. Ban đầu, chỉ chôn cất được các cháu bằng nấm mồ đất nhỏ. Cứ mỗi mùa mưa nắng đi qua là trôi sạt, thấy xót không chịu được nên tôi chạy vạy đến tận các xưởng đá để mua, để xin. Với nghề xây mộ có sẵn tôi tự tay làm mộ men đá cho các cháu. Giờ cả ngàn ngôi đẹp, khang trang”, ông Thích bộc bạch.
Theo ông Thích, mọi việc ông làm nơi đây đều từ tâm, thiện nguyện. Ban đầu, kinh phí chăm sóc, làm mộ cho các hài nhi đều đến từ đồng bạc ít ỏi của ông bà gom góp. Về sau, biết được tấm lòng của ông, nhiều người và các hội nhóm từ thiện đã cùng chung tay. Thỉnh thoảng, một khoản tiền nho nhỏ, một vài tấm khăn liệm hay những chiếc áo quan, bông hoa, hộp sữa… được gửi về từ nhiều nơi. Tất cả đều mong muốn các sinh linh xấu số được chôn cất tươm tất như bao người đã khuất, thêm chút ấm lòng nơi cõi hư vô.
Ông Huỳnh Thích gắn bó với công việc thiện nguyện hơn 10 năm qua.
May mắn việc làm có phần “điên rồ” của ông Thích cũng được vợ nhiệt tình ủng hộ. Suốt mấy năm nay, bà Thương cũng thường ra đây tự tay lau dọn, chăm sóc cả nghìn nấm mộ nhỏ được xây ngay ngắn thẳng hàng, lát gạch bông sạch đẹp... Công việc mà theo bà chỉ góp phần bù đắp lại phần nào cho những thiệt thòi mà các “con” phải gánh chịu. “Hồi đầu mình mở kinh Phật cho các cháu nghe. Về sau mở thêm nhạc thiếu nhi cho bớt cảnh u buồn, chứ cuộc đời các cháu đã là buồn lắm rồi”, bà Thương trầm lắng chia sẻ.
Hai vợ chồng ông bà có 5 người con, đứa nào cũng được ăn học tử tế, khôn lớn thành người. Đó là niềm tự hào khôn xiết của họ. Nói như lời ông Thích, công việc ông đang làm cũng để phước đức cho con cái nên dù nắng hay mưa, ngày hay đêm hễ có hài nhi cần an táng là ông lên đường.
Chập choạng tối, bà Thương cùng chồng lặng lẽ đi thắp từng nén hương để tạm biệt các con trước khi trở về nhà. Ngày mai, tờ mờ sáng, họ lại có mặt nơi đây, nhổ cỏ, thắp hương, chăm sóc cho các thiên thần vắn số. Số phận những đứa trẻ không có cơ hội làm người ấy giờ đây được trái tim nhân hậu của đôi vợ chồng hiền lương và nhiều người nhân đức bao bọc, chở che.