Cuối tuần, hàng dài những người trẻ Trung Quốc xếp hàng để chờ vào các ngôi chùa để cầu có công việc ưng ý và tìm đến sự bình yên.
Wang Xiaoning, 22 tuổi, một trong những thanh niên Trung Quốc chịu áp lực tìm việc làm và giá nhà thuê vượt quá khả năng chi trả, chia sẻ: “Tôi hy vọng tìm thấy chút bình yên khi đi đến các ngôi chùa”.
Wang chỉ là một trong số kỷ lục 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học tại Bắc Kinh đang phải đối mặt với thị trường việc làm ảm đạm.
Họ cầu mong có công việc thuận lợi, như ý nguyện. Ảnh: Reuters.
Theo nền tảng du lịch Trip.com, các lượt người trẻ đến đền thờ đã tăng 310% trong năm nay so với năm 2022. Mặc dù không đưa ra con số tổng thể hoặc so sánh trước đại dịch, Trip.com cho biết khoảng một nửa số người này sinh sau năm 1990.
Chen, 19 tuổi, đang cầu nguyện cho triển vọng nghề nghiệp của mình tại ngôi đền Lama mang tính biểu tượng ở thủ đô Bắc Kinh, cho biết: Càng nhiều sinh viên tốt nghiệp đều khó tìm việc làm, bản thân tôi cảm thấy khá áp lực, dù còn nhiều năm nữa mới tốt nghiệp.
Khoảng 1/5 thanh niên Trung Quốc có trình độ học vấn cao không có việc làm. Để cải thiện tình hình này là một vấn đề đau đầu đối với các nhà chức trách, những người muốn nền kinh tế tạo ra 12 triệu việc làm mới vào năm 2023, tăng so với 11 triệu của năm ngoái.
Hàng dài thanh niên Trung Quốc xếp hàng đợi đến lượt vào chùa. Ảnh: Reuters.
Zhang Qidi, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Quốc tế, cho biết: “Có một tình trạng thừa cung nghiêm trọng đối với sinh viên tốt nghiệp đại học và ưu tiên của họ là sự sống còn”.
Nền kinh tế đang phục hồi kể từ khi các biện pháp hạn chế COVID-19 được dỡ bỏ vào tháng 12, nhưng phần lớn các ngành tuyển dụng nhân lực chủ yếu là ngành dịch vụ ăn uống và du lịch - đang bị đại dịch tàn phá. Hiện, những ngành đưa ra mức lương thấp cho những vị trí có tay nghề thấp.
Bộ Giáo dục và Nguồn nhân lực của Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.
Các cơ quan giáo dục cho biết lần đầu tiên số lượng sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ ở Bắc Kinh vượt quá sinh viên đại học.
Tờ Nhật báo Bắc Kinh trích dẫn trong một bài xã luận hồi tháng Ba rằng những lo lắng về công việc và học tập là “có thể hiểu được”.
Người trẻ thắp hương cầu may tại chùa Lama, ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 22 tháng 4 năm 2023. Ảnh: Reuters.
Ở tỉnh ven biển Chiết Giang, một thanh niên 25 tuổi có bằng thạc sĩ đã nộp đơn xin việc trung bình 10 công việc mỗi ngày kể từ tháng 2/2023. Cô giãi bày: “Nhiều lúc tôi như bị “giới hạn” bởi trình độ học vấn của mình”.
Thậm chí cô đã phải gặp bác sĩ tâm lý vì cảm thấy rất lo lắng và chán nản vì không tin rằng mình sẽ tìm được công việc lý tưởng.
Thạc sĩ 25 tuổi chia sẻ: “Lời đề nghị làm việc duy nhất mà cô nhận được có mức lương từ 2.000 Nhân dân tệ đến 3.000 Nhân dân tệ (290-435 USD) một tháng hoặc có những yêu cầu làm thêm giờ “vô lý”.
Nghe xong, cô đã từ chối. “Nếu tôi không có những bằng cấp này, tôi hoàn toàn có thể đi bán hàng trong một trung tâm thương mại và hạnh phúc hơn nhiều”.
Áp lực có công việc ổn định, có nhà, có xe khiến nhiều thanh niên bị ngộp thở. Ảnh: Reuters.
Yang Xiaoshan, một cử nhân kinh tế 24 tuổi ở Bắc Kinh, đã ổn định với công việc giao dịch viên ngân hàng sau 30 cuộc phỏng vấn xin việc. Cô cảm thấy nhẹ nhõm khi không bị thất nghiệp, nhưng vẫn cảm thấy không hài lòng.
“Không phải tôi coi thường dịch vụ khách hàng, nhưng tôi nghĩ rằng đó là một sự lãng phí kiến thức của mình,” Yang nói.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, tỉ lệ thất nghiệp đối với người ở độ tuổi từ 16 - 24 tuổi trong tháng 2 vừa qua là 13,1%, vượt xa tỉ lệ thất nghiệp ở đô thị trên toàn quốc là 5,5%. Tỉ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên nêu trên không thay đổi so với quý 1 năm 2020, thời điểm COVID-19 đạt đỉnh tại Trung Quốc.
Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc tăng dần theo từng năm trong thời gian gần đây. Theo thống kê, khoảng 8,74 triệu sinh viên đã tốt nghiệp vào năm 2020; 9,09 triệu vào năm 2021; 10,76 triệu vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 11,58 triệu vào năm nay.
Thêm vào đó, số lượng du học sinh trở về nước ngày càng tăng hàng năm cùng những tác động nghiêm trọng của đại dịch đã khiến thị trường lao động tại Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Báo cáo từ Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc cũng chỉ ra tỷ lệ giữa nhu cầu thị trường và số người xin việc là 0,57 đối với sinh viên tốt nghiệp đại học trong quý III/2022, thấp hơn so với con số 1,24 năm 2021 và 1,38 năm 2020.