Nhóm “Glamma Beijing” quay hình tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Li Yaozhu, chủ một tiệm thời trang, cho biết cô bắt đầu quay video cách người mẹ 83 tuổi của mình phối đồ, rồi đăng lên tài khoản Xiaohongshu kể từ năm 2020. Cô Yaozhu chia sẻ rằng, ban đầu đây chỉ là một cách để “giết” thời gian trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhưng dần nó đã trở thành sở thích của cả hai mẹ con. Đến nay, tài khoản Xiaohongshu của cô hiện có gần 70.000 người theo dõi.
“Mẹ tôi không biết nhiều về các thương hiệu thời trang hay giá thành của những món đồ đó, nhưng bà ấy có con mắt thẩm mỹ tuyệt vời. Hàng ngày, những người theo dõi tài khoản Xiaohongshu của mẹ con tôi luôn chờ đợi cách bà ấy phối đồ, chọn trang phục cho ngày mới”, cô Yaozhu cho biết.
Những người lớn tuổi như mẹ của cô Li Yaozhu đã tạo được sức hút vô cùng lớn, làm “dậy sóng” Xiaohongshu – một trong những nền tảng mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc với hơn 200 triệu người dùng. Trước đó, ứng dụng này chủ yếu được xem là sân chơi của giới trẻ, đặc biệt là nữ giới hiện đại, họ có thể đăng ảnh cá nhân, và chia sẻ những nội dunng sáng tạo về lối sống và thời trang, qua đó xây dựng được sức ảnh hưởng đến cộng đồng.
Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi. Người cao tuổi tại Trung Quốc đã trở nên quen thuộc và hiểu biết hơn về không gian mạng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Họ phải học cách thao tác trên các ứng dụng giao hàng, thanh toán và kiểm soát tình trạng sức khỏe trong suốt khoảng thời gian lệnh phong toả được thực thi.
Chính vì vậy, những người lớn tuổi tại Trung Quốc hoàn toàn không xa lạ với mạng xã hội, họ dễ tiếp cận và luôn sẵn sàng tham gia các ứng dụng như Xiaohongshu. Theo số liệu thống kê từ mạng xã hội Xiaohongshu, lượng người sáng tạo nội dung, trong độ tuổi trên 50, tham gia nền tảng này đã tăng hơn 100% chỉ trong 12 tháng qua.
Đối với những người lớn tuổi, mạng xã hội Xiaohongshu mang đến cho họ cơ hội được kết nối và xây dựng các mối quan hệ trong xã hội. “Xiaohongshu được xem như sợi dây giúp những người lớn tuổi tương tác được với thế trẻ. Theo cách này, họ sẽ có thể quên đi cái cô đơn, sự lạc lõng của tuổi già”, Zhu Qin, giáo sư tại Trường Chính sách Công và Phát triển Xã hội của Đại học Phúc Đán, chỉ rõ.
Những người lớn tuổi tham gia mạng xã hội tại Trung Quốc không chỉ tăng nhanh chóng mắt, họ còn tạo được sức ảnh hưởng vô cùng lớn. Nhóm bộ tứ “Glamma Beijing” (tạm dịch: Cụ bà quyến rũ ở Bắc Kinh) đã gây sốt cộng đồng mạng với những video quay cảnh họ sải bước dạo quanh thành phố trong những bộ đồ thanh lịch với nhiều phong cách khác nhau. Các thành viên nhóm “Glamma Beijing” chia sẻ rằng họ thích trò chuyện với những người theo dõi mình trên mạng xã hội. Nhóm này hiện đã thu hút được hơn 2,3 triệu người theo dõi trên nền tảng Douyin, phiên TikTok tại Trung Quốc.
Phần lớn những người theo dõi nhóm “Glamma Beijing” trên nền tảng Douyin đều nằm trong độ tuổi từ 18 đến 24. Giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Z, bị thu hút bởi phong thái, sự tự nhiên, và phong cách thời trang nhã nhặn nhưng cũng không kém phần thu hút của những “cụ bà quyến rũ ở Bắc Kinh”. Zhang Yuru, một thanh niên 24 tuổi, thường xuyên theo dõi những nội dung sáng tạo của người lớn tuổi nổi tiếng trên Douyin và Xiaohongshu trong hai năm qua. Cô ấy chia sẻ rằng bản thân được truyền cảm hứng rất lớn từ thái độ tích cực, phong cách sống của những người cao niên.
“Mọi người hay có suy nghĩ người già thường sẽ khó tính, hay cằn nhằn, lạc hậu và chậm chạp. Nhưng những người cao tuổi này tham gia mạng xã hội lại thể hiện một tinh thần vô cùng năng động và tràn đầy sức sống. Điều này khiến tôi bớt sợ hãi về tuổi già khi hình dung mình của sau này ở độ tuổi đó”, cô Zhang chia sẻ.
Trong khi đó, khi số lượng người cao niên sử dụng Xiaohongshu tăng lên, người dùng cao tuổi bắt đầu hình thành cộng đồng của riêng họ trên nền tảng này. Li Liping, một người đã nghỉ hưu đến từ Thượng Hải, đã đăng bài trên Xiaohongshu từ năm 2018. Người phụ nữ 67 tuổi này hiện có hơn 15.000 người theo dõi trên nền tảng này và bà thích chia sẻ “những hiểu biết triết học” về cuộc sống với họ.
“Trước đây, tôi chủ yếu ghi lại cuộc sống của chính mình, nhưng bây giờ tôi có nhiều người hâm mộ hơn, tôi nghĩ mình có thể giúp họ, và vì vậy tôi chú ý nhiều hơn đến những điều sâu sắc hơn,” Li, người không có quan hệ họ hàng với Li Yaozhu, nói. Li cũng theo dõi nhiều người trung niên và cao tuổi khác trên Xiaohongshu, và tất cả họ đều thường xuyên thích và bình luận về các bài đăng của nhau. Cô ấy nói rằng cô ấy không lo lắng về việc già đi hay những người theo dõi cô ấy bao nhiêu tuổi.
“Cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống và chia sẻ nó theo cách riêng của mình là điều quan trọng nhất đối với tôi khi tham gia mạng xã hội”, bà Li Liping, 67 tuổi, hiện có hơn 15.000 người theo dõi trên Xiaohongshu, nhấn mạnh. Bà Liping hiểu rằng với tư cách là một người lớn tuổi, có lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội, bà cần truyền tải đi những thông điệp sống tích cực, đặc biệt là đến những bạn trẻ yêu thích mình.
Đối với các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, nhóm người cao tuổi hiện là một thị trường mới đầy tiềm năng. Dân số trên 60 tuổi tại Trung Quốc được dự báo sẽ tăng mạnh trong khoảng 20 năm tới, từ 280 triệu vào năm 2022 lên 402 triệu vào năm 2040.