Bệnh nhân áp xe vùng mặt do biến chứng sau khi tiêm filler tại cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo.
Bệnh viện trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ áp xe má sau tiêm filler (chất làm đầy) thường xuyên để trẻ hóa khuôn mặt. Bệnh nhân được chẩn đoán biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler do kỹ thuật không bảo đảm vô trùng và sử dụng các sản phẩm filler không an toàn của những người không có chuyên môn. Đây là biến chứng hay gặp gần đây với những người tiêm filler ở cơ sở không uy tín.
BS Lưu Phương Lan - Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình (Bệnh viện TWQĐ 108) thông tin: Biến chứng nhiễm trùng filler biểu hiện trong vòng 2 tuần sau tiêm, vi khuẩn nuôi cấy được thường là tụ cầu vàng, E Coli... Nữ bệnh nhân trên được xác định nhiễm vi khuẩn Klebsiella, để điều trị, các bác sĩ đã phẫu thuật chích rạch áp xe, khâu đóng cùng hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.
Một trường hợp khác, nữ sinh viên 20 tuổi, sau khi tiêm filler rãnh môi đã bị tím toàn bộ mũi, sưng nề, nhiều mụn nước. Bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu trung ương và được chẩn đoán bị tắc mạch biến chứng do tiêm filler.
BS Nguyễn Đình Quân - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu trung ương) thông tin: Đây là trường hợp khá may mắn vì đến viện cấp cứu kịp thời và chỉ tắc động mạch bên mũi và môi trên. Nếu bệnh nhân đến viện muộn sẽ có nguy cơ hoại tử toàn bộ da ở môi, mũi.
Được biết, sau 1 ngày điều trị kháng sinh và tiêm thuốc giải, bệnh nhân đã dần phục hồi da. Tuy nhiên, BS Quân cũng bày tỏ quan ngại: “Cứ vài tuần, lại gặp một vài ca biến chứng từ nhẹ đến nặng do làm đẹp ở các spa không bảo đảm uy tín. Có nhiều ca biến chứng nặng nề, thậm chí bị mù mắt vì tiêm filler. Thực tế, hiện nay vấn nạn spa làm các thủ thuật chui ngày càng phổ biến do thị trường làm đẹp dễ kiếm tiền. Các spa hay tung ra những gói dịch vụ giá rẻ để hấp dẫn chị em dù họ không được cấp phép thực hiện các thủ thuật xâm lấn. Nhưng sự thật là giá rẻ không bao giờ đi kèm chất lượng. Một số spa quảng cáo cả công tiêm có giá từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/thủ thuật thì không thể bảo đảm sản phẩm filler chất lượng bởi vì thực tế, tại bệnh viện, giá 1ml filler và công bác sĩ thực hiện thủ thuật có giá cao hơn khoảng 5 lần”.
BS Phương Quỳnh Hoa - Trưởng khoa Laser và săn sóc da (Bệnh viện Da liễu trung ương) nêu thực trạng: Thời gian gần đây gặp khá nhiều trường hợp tiêm những loại sản phẩm không rõ nguồn gốc lên mặt để chữa sẹo, trong đó có những trường hợp bị loét, nhiễm trùng, hoại tử tại vị trí tiêm. Do tổn thương nông trên bề mặt, những trường hợp này xử lý bằng chăm sóc tại chỗ và dùng kháng sinh toàn thân. Nhưng kể cả khi hết loét, nhiễm trùng, vùng da của bệnh nhân vẫn để lại sẹo lồi, lõm, tăng giảm sắc tố lẫn lộn gây mất thẩm mỹ rất nhiều.
TS.BS Tống Thanh Hải - Chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo (Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác) cho rằng: Nhu cầu làm đẹp càng trở nên thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày đã thúc đẩy làn sóng các cơ sở làm đẹp mở ồ ạt thiếu định hướng đúng, thiếu khoa học vững chắc và an toàn cho người dùng. Nhiều cơ sở làm đẹp hình thành không theo tiêu chuẩn nào, thậm chí hoạt động không có giấy phép. Bên cạnh đó, sản xuất mỹ phẩm trong nước phần lớn là theo công thức truyền miệng và làm thủ công, dùng các hoạt chất làm đẹp nhanh nhưng gây hại lâu dài. Những mỹ phẩm này không qua kiểm định chất lượng, không có công thức được nghiên cứu chính thống, là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng da cho người dùng.
Khẳng định rằng bất kỳ can thiệp nào cũng đều chứa rủi ro, TS.BS Uông Thanh Tùng - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn) khuyến cáo: Trong phẫu thuật thẩm mỹ, biến chứng thường gặp là nhiễm trùng, dị dạng, biến dạng ở vị trí thẩm mỹ, chảy máu và nguy hiểm nhất là tử vong. Do vậy, khi thực hiện tại những cơ sở được cấp phép, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cán bộ làm công tác thẩm mỹ có trình độ thì tỷ lệ rủi ro sẽ thấp hơn, việc khắc phục cũng sẽ tốt hơn. Bởi vậy, trước khi làm đẹp, người dân cần tìm hiểu kỹ cơ sở đó được cấp phép chưa; người làm trực tiếp có trình độ đào tạo và kinh nghiệm bao nhiêu. Khi gặp trực tiếp, trao đổi với bác sĩ, có thể xem được bằng cấp của bác sĩ, trình độ chuyên môn, thời gian công tác của bác sĩ đó. Hiện nay, có nhiều bác sĩ từ các chuyên ngành khác chuyển sang là phẫu thuật thẩm mỹ, đôi khi cả bác sĩ đông y cũng đi làm bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.
Cần cẩn trọng trước những chiêu trò quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ như “tiêm một lần đẹp vĩnh viễn” hay “chỉ một lần điều trị, từ làn da nhăn nheo sẽ trở nên căng mướt, bóng mọng như trẻ hơn 20 tuổi”. Thực chất, đây chỉ là những lời quảng cáo hoa mỹ từ các cơ sở thẩm mỹ. Trên thực tế, làm đẹp cần phải có một liệu trình điều trị nhất định chứ không thể làm đẹp ngay và luôn được.