Tại Mỹ, một trong những chi phí tác động lớn đến CPI đó chính là chi phí nhà ở, chiếm 1/3 tỷ trọng trong CPI. Hiện chi phí nhà ở tại Mỹ đã tăng 0,6% so với tháng trước. Mặc dù đây là mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Tuy vậy, nếu so với cùng kỳ, chi phí này tăng 8,2%.
Bankrate khảo sát với các nhà kinh tế cho hay, người tiêu dùng đặc biệt là thế hệ trẻ đang cảm nhất rõ áp lực về chi phí này hơn bao giờ hết. Uớc mơ sở hữu một ngôi nhà đối với nhiều người trẻ, giờ đã trở nên xa vời. Nhiều người sau bao năm xa nhà nay lại phải quay về sống chung với bố mẹ.
Sau 10 năm sống xa nhà kể từ thời sinh viên, chị Chelsea đã phải quay trở về ngôi nhà của bố mẹ.
"Nó là một cảm xúc rất lạ khi ở độ tuổi 30, cứ như bạn đang làm những việc đáng nhẽ không nên làm ở tuổi này vậy", chị Chelsea - người dân Mỹ chia sẻ.
Chi phí sinh hoạt tăng cao khiến chị không đủ khả năng chi trả hàng tháng cho tiền thuê nhà.
Chị Chelsea nói: "Tôi đành phải lựa chọn sống với bố mẹ, tiết kiệm từng chút một để trả nợ sinh viên".
Mẹ chị Chelsea cũng rất thông cảm cho hoàn cảnh của con gái. "Vài người hàng xóm trong khu cũng có con cái ở tuổi trưởng thành sống với họ bởi mọi thứ giờ đây trở nên quá đắt đỏ", mẹ chị Chelsea cho biết.
Nhiều ngôi nhà, căn hộ cho thuê ở Mỹ tăng giá sau dịch. Ảnh: Laura Buckman.
Chỉ số CPI đã chỉ ra rằng chi phí nhà tăng cao đã trở thành một trong những yếu tố khiến lạm phát vẫn ở mức cao. Điều này khiến nhiều người trẻ quyết định chuyển về nhà. Cứ 4 người trong độ tuổi 25 - 34, có 1 người cho biết, họ sống trong một hộ gia đình đa thế hệ trong năm 2020, tăng 9% so với 50 năm trước.
"Tôi lo ngại rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục. Việc con cái sống xa cha mẹ được cho là một biểu tượng ngầm của sự thành công của con cái, ngay khi tốt nghiệp ra trường đi làm, nhưng có lẽ định nghĩa này cần phải thay đổi", bà Erica Komisar - nhân viên xã hội cho biết.
Theo khảo sát của Bankrate, giới trẻ Mỹ cảm nhận được sức nặng của lạm phát rõ rệt hơn so với các thế hệ trước. Cứ 10 người trẻ thế hệ gen Z và millennial (tức trong độ tuổi từ 18 - 40) có hơn 7 người tiết kiệm được ít hơn trước do áp lực giá cả.
Phần lớn thế hệ trẻ lo lắng rằng họ không có đủ khả năng chi trả chi phí một tháng, nếu họ bất ngờ mất đi nguồn thu nhập chính.
Sinh viên tốt nghiệp đại học đang gặp khó khăn
Không chỉ Mỹ, nhiều khu vực tại châu Âu cũng đang chứng kiến mức lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ. Cuộc sống của người dân, bao gồm cả thế hệ Z, những người trong độ tuổi từ 18 - 25 cũng khó khăn không kém. Họ là những người trẻ chưa từng trải qua thời kỳ kinh tế khó khăn trong quá khứ bao giờ, nên sự thay đổi đột ngột về giá cả, chi phí sinh hoạt và cả những rủi ro trong nền kinh tế đã trở thành một cú sốc.
Lạm phát tác động nặng nề tới các sinh viên, đặc biệt là những người vừa tốt nghiệp đại học, đang tìm kiếm những công việc đầu tiên. Một cuộc khảo sát do tạp chí Nature thực hiện cho thấy gần 9/10 sinh viên tốt nghiệp đại học trên toàn thế giới đang gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa chi phí sinh hoạt tăng cao và việc học tập. 45% trong số đó cho biết, chi phí sinh hoạt leo thang cao có thể buộc họ phải từ bỏ kế hoạch học lên các cấp học cao hơn.
Các sinh viên cho biết, họ đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt, không đủ tiền trợ cấp, các khoản nợ sinh viên và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Nhiều người phải làm thêm nhiều giờ hoặc nhiều công việc khác nhau để trang trải cuộc sống.
Không chỉ Mỹ, nhiều khu vực tại châu Âu cũng đang chứng kiến mức lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ. Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Sự hỗ trợ từ gia đình
Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều bạn trẻ đã tìm đến giải pháp nói vui là "ngân hàng bố mẹ" và cũng nhận được sự hỗ trợ lớn.
Theo khảo sát của Bankrate tại Mỹ, hơn 2/3 cha mẹ được khảo sát đã hoặc hiện đang đứng ra giúp đỡ các bạn trẻ về mặt tài chính. Gần một nửa cha mẹ sẵn sàng hy sinh khoản tiền tiết kiệm hưu trí, số tiền tiết kiệm khẩn cấp, hay hoãn những khoản nợ cá nhân để lo cho con.
Bên cạnh đó, một số sáng kiến khác cũng được đưa ra nhằm hỗ trợ các bạn trẻ vượt qua lạm phát thực phẩm. Chẳng hạn như tại Hàn Quốc, sinh viên sẽ nhận được trợ cấp bữa ăn 1.000 Won, tương đương khoảng 20.000 đồng.
Chính phủ trợ cấp tiền nguyên liệu thực phẩm, trong khi các trường đại học thanh toán chi phí còn lại. Hiện có khoảng 690.000 sinh viên của 41 trường đại học ở Hàn Quốc đang hưởng lợi từ chính sách bữa ăn 1.000 Won.
Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Phát triển Nông thôn nước này có kế hoạch tăng gấp đôi quy mô chương trình, đưa số sinh viên được hưởng lợi lên 1,5 triệu người.