Cơ duyên và định mệnh
Ông Lê Trung Thực (SN 1963) quê tại TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Năm 1993, ông Thực tốt nghiệp trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật, rồi học thêm nghề may để kiếm sống nhưng không ngờ cơ duyên đưa đẩy khiến ông đi vào TP.Vinh, tỉnh Nghệ An để làm giáo viên dạy nghề. Ông bắt đầu tiếp xúc, gần gũi nhiều hơn với những đứa trẻ tật nguyền, mồ côi khi được UBND huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An mời về dạy nghề cho những hoàn cảnh này.
Dạy hết một khoá, lẽ ra thầy giáo Thực trở lại TP.Vinh, nhưng lúc ấy học sinh trong lớp đã nói một câu làm thay đổi toàn bộ tương lai của ông. 'Khi chuẩn bị chia tay, một học sinh đã chạy đến níu tôi lại rồi nói 'thầy đã thương thì thương cho trọn, giờ thầy về thì ai là người dìu dắt chúng con dùng nghề để mưu sinh'. Sau đó, một số phụ huynh khác cũng đến tha thiết mời tôi ở lại khiến tôi rơi nước mắt', ông Thực kể lại.
Ông Lê Trung Thực, Giám đốc của trung tâm công tác xã hội Nghệ An.
Cuối cùng, vì thấy các cháu tàn tật, mồ côi tha thiết với nghề may để kiếm sống nên thầy Thực không nỡ chia tay các cháu và quyết định ở lại dìu dắt những đứa trẻ không may mắn này. Năm 1997, lớp học 20 em, cộng với thầy Thực và 3 giáo viên do ông đào tạo, tất cả 24 người đi thuê phòng trọ vừa làm chỗ trú thân, vừa làm lớp học nghề.
Ngoài hướng dẫn thêm tay nghề cho các cháu, ông Thực còn đi giao dịch, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm may sẵn lúc bấy giờ. Có thời điểm không đủ tiền để trang trải cho lớp học, ông Thực phải dậy thật sớm để làm bánh bao, đậu phụ đưa đi bán khắp xóm. Nhiều hôm trời mưa, ế ẩm, nên ông cùng với các học trò phải ăn đậu phụ, bánh bao trừ bữa.
Ông còn chăn nuôi thêm lợn, gà vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán lấy tiền. Chiều muộn, ông lại đạp xe đi thu mua phế liệu, giấy loại... để nhập cho cơ sở ngay bên cạnh. Có thời điểm túng thiếu, ông phải bán chiếc xe máy để có tiền mua thức ăn và đầu tư thêm mấy chiếc máy khâu cho các em học sinh vừa học nghề, vừa may quần áo bán kiếm tiền.
'Đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn không hiểu mình đã trải qua giai đoạn khốn khó ấy như thế nào nữa. Tôi cảm thấy mình quá liều lĩnh. Có lẽ lúc đó sự thương xót đã lấn át lý trí. Toàn là con em gia đình chính sách, thương bệnh binh nặng xin vào để vừa học, vừa kiếm sống. Tôi không thể cưu mang thì các cháu biết sống như thế nào', ông Thực nhớ lại.
Năm 2000, UBND huyện Đô Lương cấp cho thầy trò Lê Trung Thực mảnh đất tại xã Lưu Sơn để xây dựng trung tâm nhân đạo. Đây vốn là đất của một xí nghiệp gốm đã giải thể, vì thế khi ông và mọi người xuống đây chỉ là một nơi đổ hoang, nhiều phế liệu vương vãi. Không nản lòng, ông và các thầy cô đã tu sửa, trồng thêm cây xanh, biến nơi đây thành một mái nhà dành cho các em cơ nhỡ, không nơi nương tựa.
Ông Thực cho biết thêm, phần lớn ở trung tâm đều là những trẻ có tuổi thơ vô cùng bất hạnh. Trong đó, không ít em bị bệnh down, bị liệt, thậm chí viêm gan B, nhiễm HIV... Các trẻ bị bệnh đều được trung tâm đưa đến các bệnh viện điều trị. Đỡ bệnh, các cháu lại về để trung tâm tiếp tục chăm sóc. Riêng trẻ bị nhiễm HIV, trung tâm làm thủ tục chuyển ra Trung tâm Xã hội 2 Ba Vì (Hà Nội) nhờ chăm sóc.
Niềm vui và nỗi lo
Ông Thực kể: 'Có hôm anh em dậy tập thể dục bỗng nghe tiếng trẻ con sơ sinh khóc ngay trước cổng trung tâm. Mọi người chạy ra thấy một trẻ sơ sinh nằm trong cái làn nhựa. Nhìn gương mặt trẻ bình thường nhưng khi bế vào thay quần áo, thì không thấy chân do chân và đùi dính vào nhau'.
Tất cả các em ở trung tâm đều là con 'bố Thực'.
Chỉ vào một cô bé 13 - 14 tuổi vô cùng nhanh nhẹn đang dọn dẹp bàn ăn, ông cho biết đây là người con gái được ông nhận nuôi. Thế nhưng, mấy năm nay dường như cô bé lờ mờ nhận ra có điều bất thường nên liên tục hỏi mẹ ở đâu. Để cháu có được tình cảm như những gia đình khác, ông đưa con về tỉnh Phú Thọ để thăm quê nội.
Khi được hỏi vì sao không lập gia đình, ông Thực cười hóm hỉnh: 'Nghèo như tôi thì có ai dám yêu mà nghĩ đến chuyện lấy'. Thế nhưng, thực chất hồi trẻ tập trung làm việc, bươn chải để nuôi hàng chục em trong trung tâm. Giờ đây mái tóc đã điểm bạc, lại mong muốn mở rộng trung tâm hơn nữa, nhận nuôi nhiều trẻ cơ nhỡ hơn nữa, nên ông không thể lấy vợ như những người khác.
'Tôi sắp sửa đến tuổi 60 rồi, sức khỏe cũng đã yếu, không còn nhanh nhẹn như trước nữa. Điều tôi lo lắng là chẳng may có ngày nào đó được tổ tiên gọi về thì các con ở đây biết nương tựa vào ai. Vì thế, nhân lúc tôi còn hoạt động được thì phải cố gắng bồi dưỡng người kế cận, chăm sóc các trẻ ở đây khôn lớn, biết làm việc để tự nuôi sống mình', ông Thực nói.
Ông cho biết, một điều may mắn là có những cộng sự hết lòng. Ngày mới nhen nhóm mái ấm tình thương, chẳng có lương lậu, chế độ trợ cấp gì, công việc lại hết sức nặng nhọc, nhưng vẫn có hàng chục người tình nguyện theo ông. May mắn đến năm 2007, nhờ quan tâm của UBND tỉnh và sở LĐ-TB&XH Nghệ An, trung tâm đã có 15 biên chế đầu tiên, cùng với 17 người hợp đồng.
Nói về việc này, ông Thực đăm chiêu: 'Đến nay, trung tâm đã có tất cả 39 giáo viên, nhưng không phải ai cũng biên chế. Mọi người đến đây vì tâm, chăm lo cho các cháu vì thương, nhưng cũng phải có cơm ăn hàng ngày chứ. Đã hợp đồng thì làm gì đủ sống được. Còn về chế độ cho các cháu, trước kia vô cùng khó khăn do ở đây có nhiều cháu không biết nguồn gốc, xuất xứ, cha mẹ là ai. Nhưng mấy năm nay nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh nên hầu hết các cháu đã được hưởng trợ cấp'.
Trước khi tiễn chúng tôi trở về, ông Thực vui mừng cho biết, hiện nay trung tâm đang xây dựng một cơ sở tại TP.Vinh. Đây là nơi tiếp nhận các đối tượng xã hội bị bỏ rơi, chăm sóc người gia neo đơn, không nơi nương tựa. 'Hoàn thành cơ sở này chắc cũng phải 1-2 năm nữa. Thế nhưng khi cơ sở đi vào hoạt động chắc chắn sẽ là mái nhà tình thương dành cho tất cả những người khó khăn trên địa bàn Nghệ An', ông Thực hớn hở nói.
Nói về vị Giám đốc trung tâm, bà Nguyễn Thị Anh Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: 'Tôi không biết sử dụng ngôn từ nào để có thể nói về con người của thầy Thực. Đó là một tấm gương mà ai cũng phải nể phục. Thầy đã làm những việc mà không phải ai cũng có thể làm được, đó là sống trọn đời để chăm lo cho ' các cháu bé cơ nhỡ'