Suốt 33 năm qua, trong căn nhà nhỏ ấy tiếng cười nói, hát hò xen lẫn tiếng la khóc, hò hét inh tai đã trở nên quá đỗi quen thuộc đối với bà Hồng. Căn nhà chừng 50m2 (thuộc phường Ia Kring, TP.Pleiku, Gia Lai) là mái ấm đầy tình yêu thương của bà dành cho 42 đứa trẻ. Trong đó có 16 em chậm phát triển, 10 em mắc hội chứng đao, 8 em câm điếc bẩm sinh và 8 em tự kỷ.
Trước đó, bà Hồng đã có khoảng thời gian dài nuôi dạy, gắn bó với trẻ em khuyết tật, chậm phát triển. Đến năm 1990 để hoàn thiện thêm kiến thức và có thể tự tin đứng lớp, bà Hồng đã tham gia các khoá học do những chuyên gia nước ngoài đào tạo. Sau khi tốt nghiệp, bà giảng dạy cho trẻ em khiếm thị ở các trung tâm, trường khuyết tật tại TP.HCM.
Chân dung bà Phạm Thị Hồng - người mẹ đặc biệt của hàng chục đứa trẻ khuyết tật
Năm 1999, khi biết thông tin Tây Nguyên chưa có ngôi trường nào dành riêng cho trẻ khuyết tật, bà Hồng đã quyết định lên Gia Lai cưu mang, chăm sóc và dạy dỗ những đứa trẻ kém may mắn vì có một cuộc đời bất hạnh.
Chia sẻ với PV, bà Hồng bộc bạch: 'Khi còn giảng dạy trẻ câm điếc bẩm sinh, mắc hội chứng đao ở TP.HCM, gia đình tôi không ít lần cấm cản. Đặc biệt là mẹ, ngay khi biết tôi có ý định chuyển lên Tây Nguyên, bà đã khóc liền mấy đêm vì không chịu nổi cú sốc này. Bởi điều mẹ muốn là tôi có tổ ấm riêng, chứ không phải cả đời chỉ chăm sóc những đứa trẻ không máu mủ, ruột thịt'.
Bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyên của mẹ, sự cấm cản từ gia đình, bà Hồng một thân một mình khăn gói lên Tây Nguyên. Ước mơ của bà chính là xây dựng một mái ấm giành cho trẻ em khuyết tật ở Tây Nguyên.
Thời gian thấm thoát trôi, nhiều người biết tới mái ấm hơn nên lui tới ủng hộ, người cho gạo, người cho rau để duy trì mái ấm. Tuy nhiên, hơn 20 năm nay bà quyết không nhận sự ủng hộ bằng tiền mặt, chỉ nhận các nhu yếu phẩm.
'Ngày xưa khó khăn lắm, mấy mẹ con rau cháo nuôi nhau qua ngày. Thời gian đầu chứng kiến cảnh các con bị cơn đau hành hạ, khóc thét vì căn bệnh bại não. Rồi những đứa trẻ khuyết tật trườn dài trên nền nhà, ú ớ vì bị câm lòng tôi như quặn thắt. Thấy các con bị hành hạ về thể xác, tôi tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa, giúp các con vượt qua nỗi đau này', bà Hồng trải lòng.
Mặc dù khó khăn, vất vả là vậy song hàng chục năm qua, người mẹ này chưa một lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Với bà, những đứa trẻ ấy không chỉ là các cô cậu học trò đặc biệt mà còn là những người con, người cháu bà hết mực yêu thương. Theo bà Hồng, vốn dĩ việc dạy dỗ một đứa trẻ bình thường đã chẳng hề dễ dàng thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ mang trên mình đủ mọi khiếm khuyết lại càng khó khăn gấp bội.
Bằng nhiều cách khác nhau, những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, hội chứng đao, trẻ câm điếc thậm chí cả trẻ mồ côi đều được bà Hồng đưa về nuôi nấng, dạy dỗ
'Mỗi con một tính cách nên chúng ta phải hiểu được tâm lý của các con để kịp thời ngăn cản các em khi căn bệnh hành hạ. Để có thể dễ dàng chơi đùa, tâm sự cùng con cách nhanh nhất là làm bạn với các con. Nhiều lúc bản thân mình cũng y hệt một đứa trẻ', bà Hồng chia sẻ.
Bằng tình yêu thương của mình, hơn 33 năm nay bà đã dành trọn thời gian cưu mang những đứa trẻ kém may mắn. Bằng nhiều cách khác nhau, những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, hội chứng đao, trẻ câm điếc thậm chí cả trẻ mồ côi đều được bà Hồng đưa về nuôi nấng, dạy dỗ. Dù đã bước sang tuổi 63, thế nhưng chưa một ngày nào bà nghỉ ngơi thư thả.
'Hàng ngày được ngắm nhìn các con vui đùa tôi như được tiếp thêm động lực. Dù có vất vả mệt nhọc nhưng khi được nhìn thấy những nụ cười hiện trên môi lũ trẻ là mọi sự nhọc nhằn, mệt mỏi tự tan biến. Hy vọng rằng tôi sẽ có sức khỏe để có thể mang lại cho các con một tương lai tươi sáng hơn', bà Hồng kỳ vọng.
Chia tay người mẹ đặc biệt của những đứa trẻ kém may mắn, chúng tôi tin rằng cuộc sống của các con sẽ thay đổi dưới bàn tay đầy tình thương của mẹ Hồng. Những đứa trẻ khiếm khuyết ấy, các con sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ và đầy đủ tình yêu thương như bao đứa trẻ khác.