Có duyên với 'cô-vy'
Nguyễn Thị Thúy Nhi, 24 tuổi, là sinh viên năm cuối trường Đại học Y dược TP HCM cho biết công việc truy tìm các F0 với cô hết sức tình cờ.
'Hồi tháng 5, khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện trở lại ở thành phố, trường mình thông báo cho sinh viên nghỉ và học trực tuyến. Mẹ dưới quê ở Càng Long (Trà Vinh) gọi điện nói về nhà nghỉ ngơi, học online cũng được. Bữa đó sắp xếp đồ hết rồi, hẹn nhỏ bạn bên Gò Vấp qua rồi chạy xe gắn máy về luôn. Nhưng sáng đó nhỏ đi đường bị té trật chân, phải vào viện bó khớp. Thay vì chạy về quê thì mình phải chạy qua chăm nhỏ. Rồi khu phố đó bị phong tỏa vì có người nhiễm Covid-19, thế là hai đứa đành ở lại đó luôn. Chừng hai tuần sau được tháo phong tỏa thì dịch bệnh đã bùng phát ở nhiều nơi mà trong nhóm đoàn trường, bạn bè trong khóa kêu ai muốn đi làm tình nguyện chống dịch thì đăng ký. Thế là mình với nhỏ bạn cùng đăng ký tham gia luôn. Riết từ bữa đó tới nay mấy tháng rồi. Ngày nào ba mẹ ở quê cũng gọi điện mấy bận vì bảo ai người ta cũng sợ 'cô-vy' mà lại tình nguyện xin đi làm gì. Nói mãi rồi giờ ba mẹ cũng bớt la, không trách nữa' - Thúy Nhi kể.
Kể về công việc đi 'bắt' Covid-19, Thúy Nhi bảo nó nằm ngoài sức tưởng tượng của cô. Thời gian qua, cô theo học khoa y học cổ truyền nhưng không bao giờ nghĩ công việc này lại vất vả như vậy dù cô đã đi tình nguyện vài lần. Tuy nhiên, sau chừng 2 tuần cô quen với áp lực và thấy mình như trưởng thành, có trách nhiệm với cộng đồng hơn. Thậm chí cô còn thấy mình may mắn vì 'bắt' được nhiều Covid-19 nhưng bản thân vẫn an toàn, tiếp tục công việc.
'Có ngày nhóm tụi mình phải lấy mẫu tới 500-600 người. Thành phố thời gian này trời nắng nóng, mặc áo bảo hộ rất cực. Nhưng cực nhất là có nhiều người nhiễm Covid-19 khiến không khí ở các điểm lấy mẫu ngày nào cũng căng thẳng, ngột ngạt. Đặc biệt khi lấy mẫu cho các em nhỏ, người già... Những người chờ đợi thì khó chịu, người lấy mẫu mà có kết quả dương tính thường quay lại chất vấn, lo lắng, dò hỏi rất nhiều mà tụi mình đôi khi không có thời gian. Mấy bữa làm bên Bình Tân, hầu hết là công nhân, tụi mình phải lấy bông nhét vô tai để hạn chế tiếng ồn tập trung lấy mẫu. Việc lấy mẫu tới 5-6 công đoạn, nếu để sai sót, không khớp thì hậu quả sẽ rất nguy hiểm' - cô cho biết thêm.
Cũng theo Thúy Nhi, những bữa căng thẳng nhiều bạn bè trong nhóm không dám ăn cơm trưa vì ngày tiếp xúc với nguồn bệnh nhiều, nguy cơ lây nhiễm cao khi tháo bảo hộ để ăn. Mọi người thường hút sữa tươi để có chất duy trì sức khỏe. Đợi chiều tối xong về tháo bảo hộ, xịt khuẩn cồn toàn thân và tắm rửa mới dám ăn.
Trong khoảng 4 tháng dịch Covid-19 bùng phát ở TP HCM, hệ thống y tế thành phố đã hơn 2 lần tiến hành lấy mẫu xét nghiệm toàn dân, bên cạnh các khu vực có ca nhiễm thì được sàng lọc lấy mẫu xét nghiệm nhiều lần. Chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng chắc chắn có tới vài chục triệu lượt mẫu xét nghiệm đã được lấy, trong đó có người được lấy mẫu tới 5-6 lần, hay thậm chí tới 10 lần. Để thực hiện từng đó mẫu xét nghiệm, khối lượng công việc của những người tham gia lấy mẫu là khổng lồ. Hiện nay, ngoài việc lấy mẫu đơn cho từng người thì nhiều khu vực có nguy cơ không cao, lực lương y tế sẽ tiến hành lấy mẫu gộp, mẫu chọn trong hộ gia đình. Quy tắc mẫu gộp thường từ 3-5 hay thậm chí 10 người lấy 1 mẫu. Việc xét mẫu gộp nhằm tiết kiệm thời gian, vật tư y tế cũng như giảm các công đoạn lấy mẫu. Nếu mẫu âm thì toàn bộ người gộp âm tính, ngược lại mẫu dương thì ít nhất có 1 người dương tính và sẽ được tiến hành xét nghiệm lại.
Thúy Nhi (người dưới) cùng bạn.
Phối hợp cùng người dân tự xét nghiệm
Là tình huống chưa từng xuất hiện ở TP HCM cũng như trên thế giới nên không có gì ngạc nhiên khi chiến lược phòng, chống dịch bệnh nói chung và xét nghiệm nhanh nói riêng có sự thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Đó là lý do Sở Y tế TP HCM đã lần đầu tiên quyết định cho người dân được tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Hàng triệu người sẽ tự tay lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho bản thân và gia đình. Về tổng quan, chiến lược này sẽ giảm áp lực cho hệ thống y tế khi tiến hành xét nghiệm với số lượng lớn. Tuy nhiên, với các cá nhân làm công việc này, việc người dân tự xét nghiệm cũng khiến khối lượng công việc của họ thêm phần vất vả, vì nhân lực đã bị thu gọn lại.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dương, 34 tuổi, một cán bộ y tế dự phòng ở quận Tân Phú cho biết anh tham gia công tác xét nghiệm nhanh từ những ngày đầu dịch Covid-19 lan ra. 'Từ cuối tháng 5 ở Tân Phú đã có xuất hiện F0, F1 nên hồi đó anh em phải truy vết, tìm kiếm rất vất vả. Hầu hết đều làm việc suốt đêm, từng nhóm thay phiên nhau. Hồi đó F1 cũng phải truy vết để xét nghiệm và cách ly. Việc tìm địa chỉ trong hẻm, khu công nhân lúc đó cực lắm' - anh Dương nhớ lại.
Cũng theo anh Dương, mặc dù có phụ cấp và tiền hỗ trợ của thành phố nhưng do đặc thù công việc nên nhiều người, nhất là tình nguyện viên trẻ là sinh viên, chưa tham gia cấp cứu nhiều thường không đủ sức lực để chịu áp lực công việc.
'Nói không phải kể công chứ công việc vất vả và áp lực vì lực lượng lấy mẫu hồi tháng 7 rất thiếu, nhiều điểm phải làm việc tới 9-10h tối hay xuyên đêm là chuyện bình thường. Như đợt lấy mẫu mấy tòa chung cư bên quận 8, ban đầu tính từ sáng tới tầm 7, 8h tối là xong nhưng lại phát sinh rất nhiều tình huống. Trong đó có một số người bị phát hiện dương tính thì hoảng sợ bỏ chạy khiến lực lượng y tế mất thời gian động viện đưa đi cách ly. Rồi nhiều trường hợp tỏ ra sợ hãi, đóng cửa nhà không chịu lấy mẫu khiến anh em phải thuyết phục mất thời gian. Tôi nhớ bữa đó quá 12 giờ đêm mới xong' - anh cho biết thêm.
Kể về những kỷ niệm khó quên khi lấy mẫu, anh Dương cho biết mới đầu tháng 8 thôi, anh cùng nhóm xuống khu nhà trọ ở huyện Bình Chánh. Không thể tưởng tượng nổi vì gần như toàn bộ nhà trọ hơn 80 người đều dương tính. Có thể do không gian sống chật hẹp, nhiều người ở chung trong thời gian lâu nên khi có một người nhiễm thì dễ dàng lây lan sang các người khác. Nói về việc thành phố quyết định cho người dân tự xét nghiệm xét nghiệm nhanh, anh Dương bảo về cơ bản xét nghiệm nhanh có 6 bước và khá dễ để thực hiện. Tuy nhiên cái khó là các anh phải hướng dẫn người dân một cách chi tiết và trả lời rất nhiều câu hỏi vì năng lực nhận thức nhiều người khác nhau. Trong đó, việc phối hợp ăn ý giữa người dân và đội xét nghiệm là vô cùng quan trọng để không bị bỏ sót, bỏ lọt các F0.
TP HCM vẫn đang trong cuộc chiến cam go với đại dịch và đằng sau những bộ đồ bảo hộ kia, lực lượng y tế tình nguyện viên vẫn đang miệt mài với công việc của mình. Bởi nhiệm vụ đầu tiên, và cũng là khó khăn, nguy hiểm nhất chính là tìm kiếm, bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng để quản lý, điều trị.