Kiệt quệ vì bệnh tật
Sau hơn 3 tháng sống chung với căn bệnh viêm não, viêm tủy sống, chị Vũ Thị Giang (35 tuổi, ngụ xóm 9, xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) từ một phụ nữ khỏe mạnh thành một người bị liệt hoàn toàn, sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Cơ thể của chị trở nên béo phì, nặng đến 80kg vì tích nước do không vận động, dùng quá nhiều thuốc.
Bé Phúc khóc nghẹn khi hàng ngày phải chứng kiến mẹ đau đớn vì bệnh tật hành hạ.
Sau hơn 3 tháng điều trị, dù sức khỏe có tiến triển tốt, đôi tay đã cử động được, nhưng vì không còn khả năng vay mượn, người thân đành đưa chị về nhà chấp nhận số phận.
Gặp lại mẹ sau thời gian dài xa cách, chưa kịp vui mừng thì bé Hồ Ngọc Phúc (4 tuổi, con trai chị Giang) đã khóc thét vì không còn nhận ra mẹ.
Phúc không dám đi học vì sợ khi trở về không còn cơ hội gặp lại mẹ.
Chị Giang kể, đang làm cỏ ngoài đồng thì chị thấy đau đầu, buồn nôn. Những ngày sau, bệnh tình ngày càng nặng nhưng chị vẫn ráng đi làm. Chỉ đến khi đôi chân của chị tê cứng, không còn cảm giác, được người nhà đưa đi khám thì mới phát hiện căn bệnh quái ác trên. Một tuần sau đó, cơ thể chị bị liệt hoàn toàn.
Chị Giang bị liệt toàn thân do biến chứng căn bệnh viêm não, viêm tủy sống.
'Sinh xong đứa đầu lòng thì tôi chẳng sinh tiếp được nữa. Kinh tế phụ thuộc vào 2 sào ruộng và nghề phụ hồ của chồng. Dù khó khăn nhưng tích góp được đồng nào vợ chồng tôi vay mượn thêm để chạy chữa, mong kiếm thêm một đứa con. Mãi 11 năm sau tôi mới sinh tiếp thằng Phúc. Dù nợ nần chồng chất, con nhỏ nhưng chúng tôi mãn nguyện, cùng nhau cố gắng làm ăn, kiếm tiền trả nợ.
Vậy mà giờ tôi lại nằm một chỗ, thành gánh nặng cho chồng con như thế này đây', chị Giang mệt mỏi chia sẻ.
'Cháu sợ đi học về không được nhìn thấy mẹ nữa'
Từ ngày mẹ xuất viện trở về, Phúc không chịu đi học, không dám đi chơi, đòi ở nhà với mẹ. Hàng ngày, đứa trẻ cứ loay hoay trên chiếc giường mẹ nằm. Thấy mẹ khóc vì những cơn đau liên tiếp hành hạ, khuôn mặt Phúc tỏ ra lo lắng. Đứa trẻ nắm lấy tay mẹ động viên một lúc rồi bỏ chạy ra trước hiên nhà, ngồi khóc một mình.
Dù bệnh tình tiến triển nhưng vì thể vay mượn thêm, chị Giang đành xuất viện trở về nhà.
'Bố cháu dặn không được khóc trước mặt mẹ vì như thế mẹ sẽ buồn. Mẹ đang mắc bệnh nặng lắm, không thể ngồi dậy cũng chẳng thể ôm cháu được như trước nữa rồi.
Cháu không dám đi học, không dám đi chơi vì sợ khi về không còn nhìn thấy mẹ nữa. Cháu rất sợ mất mẹ', Phúc khóc nức nở.
Phúc không dám khóc trước mặt mẹ vì sợ mẹ buồn, chỉ biết nắm lấy tay động viên, an ủi.
Hàng ngày chị Giang được người thân hai bên nội ngoại thay nhau chăm sóc. Anh Lam tiếp tục đi phụ hồ trong các công trình xây dựng gần nhà để kiếm tiền trang trải cuộc sống cho cả gia đình, thuốc thang cho vợ, học hành của hai đứa con, tiền nặng lãi hàng tháng. Cứ tối đến, anh lại chạy khắp làng trên xóm dưới để vay mượn tiền với hi vọng có cơ hội tiếp tục đưa vợ đi bệnh viện điều trị.
Thương mẹ, Phúc chỉ biết ngồi lặng trước hiên nhà khóc thầm.
'Tài sản duy nhất chỉ còn căn nhà thôi, tôi muốn bán để cứu vợ. Thế nhưng, căn nhà này đã thế chấp ngân hàng rồi, tôi chẳng dựa vào đâu được nữa.
Bác sĩ nói bệnh của vợ tôi có khả năng cứu chữa nhưng phải mất một thời gian khá dài. Cầu xin mọi người thương tình giúp đỡ, cho vợ tôi một cơ hội sống. Nếu buông tay lúc này tôi sợ con tôi sẽ chẳng còn mẹ', anh Lam cầu xin trong nước mắt.
Phúc ước mẹ được trở lại bệnh viện chữa trị để không phải gánh chịu đau đớn.
Hỏi bé Phúc về ước mơ, đứa trẻ lại khóc: 'Cháu ước trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mẹ. Cháu ước mẹ được đi bệnh viện chữa bệnh để không còn phải thấy mẹ đau, mẹ khóc nữa. Cháu rất thương mẹ'.
Bệnh tật hành hạ khiến gia đình chị Giang đang lâm vào bước đường cùng, không tiền cứu chữa, nợ nần chồng chất. Rất mong sự chung tay giúp đỡ của độc giả xa gần để người phụ nữ này có thêm cơ hội sống, cùng chồng gồng gánh cuộc sống, chăm sóc con thơ.
Mọi giúp đỡ xin vui lòng gửi về địa chỉ: anh Hồ Ngọc Lam (chồng chị Giang), xóm 9, xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Hoặc STK anh Hồ Ngọc Lam: 107869759057, ngân hàng Vietinbank, chi nhánh Bắc Nghệ An. ĐT: 0379.668.215. Chân thành cảm ơn! |