Đến khám tư vấn dinh dưỡng vì thân hình quá khổ, chị Lê Ngọc (Hà Nội) than thở với bác sĩ chị đã ăn kiêng đủ chế độ nhưng cân không giảm.
Chị Ngọc cho biết sau sinh lần hai chị tăng cân nhanh chóng. Chiều cao khiêm tốn 1,54 mét nhưng chị nặng tới 59kg. Thân hình quá tròn trịa khiến chị tự ti, mặc quần áo xấu, người như bao tải di động.
Trước đó, chị Ngọc đã giảm cân bằng cách nhịn ăn, ăn uống giãn cách theo hình thức 16/8, keto, thậm chí có tháng chỉ ăn toàn rau, củ quả cũng không giảm được là bao. Một năm chị Ngọc ăn theo chế độ keto giữ được cân ở mức 55 kg nhưng chị rơi vào tình trạng nhớ nhớ, quên quên do bỏ chất bột đường.
Hiện bà mẹ này vẫn ở mức 57 kg. Cân tăng, chị Ngọc còn bị nhiều bệnh đi kèm. Tháng trước chị đi kiểm tra sức khoẻ, bác sĩ cho biết chị bị tăng mỡ máu và có dấu hiệu tiền đái tháo đường.
Ảnh minh hoạ.
Tư vấn cho chị Ngọc, TS Nguyễn Trọng Hưng, trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho rằng chị Ngọc hiểu sai về việc giảm cân. Không có thực phẩm nào phải kiêng hoàn toàn.
BS Hưng cho biết nếu chỉ ăn toàn rau thì cũng không thể giảm cân. Con người ăn tạp chứ không phải là động vật ăn cỏ. BS Hưng cho rằng ăn bất cứ chế độ gì, giảm cân hay tăng cân bạn đều phải đảm bảo đủ 3 chất sinh nhiệt đó là protein (đạm), lipid (chất béo), carbohydrate (bột đường). Carbohydrate bao gồm đường, tinh bột và chất xơ có trong trái cây, ngũ cốc, rau quả và các sản phẩm từ sữa.
Vì vậy, bạn giảm cân tức giảm calo đầu vào và tăng đầu ra. Ví dụ một người bình thường cần khoảng 2000 calo/ngày, bạn muốn giảm cân thì bạn giảm calo xuống còn 1500 – 1600 calo/ngày. Nếu bạn không ăn thâm hụt thì phải tăng năng lượng đầu ra bằng tập thể dục, tập gym.
BS Hưng cho biết sai lầm mà nhiều chị em ăn đủ các chế độ ăn kiêng vẫn khó giảm cân đó là ăn vặt nhiều. Ăn vặt khó tính calo, ăn nhiều hoa quả cũng làm năng lượng dư thừa lên và việc giảm cân càng khó hơn.
Có chị em tới than phiền bác sĩ “em chẳng ăn gì nhưng vẫn béo”. Khi bác sĩ hỏi ra thì không ăn gì là ở bữa ăn chính thì kiêng đủ thứ, ngoài bữa chính thì ăn vặt, chè, trà sữa, cafe, nước hoa quả, hoa quả ăn cả đĩa thì rất khó giảm được cân.
Nhiều người giảm cân, cắt giảm tinh bột hoàn toàn rơi vào trạng thái “lơ ngơ”, đầu óc nhớ nhớ, quên quên. Bác sĩ Hưng cho biết nếu chất bột đường là năng lượng để cho não hoạt động và khi bạn giảm cân bỏ hẳn chất bột đường thì não sẽ không có năng lượng để hoạt động. Việc teo não hay không chưa có nghiên cứu rõ ràng nhưng nó gây ra chứng nhớ nhớ quên quên, sa sút trí nhớ tạm thời.
Những người giảm ăn carbohydrate, ăn thay thế bằng nhiều thực phẩm chứa chất béo, chất đạm có nguồn gốc động vật, từ đó dẫn đến nguy cơ sức khoẻ. Khi giảm được cân nặng thì bạn đối diện với nhiều bệnh tật khác như bệnh tim mạch, ung thư...
Bác sĩ Hưng cho biết một người trưởng thành trong 1 ngày cần ăn 130 - 150 gam carbohydrate để nuôi dưỡng cơ thể. Với những người có hoạt động trí óc, thể lực nhiều cần bổ sung thêm carbohydrate. Một bữa ăn lành mạnh cần phải cung cấp tối thiểu 50 gam carbohydrate để nuôi dưỡng cơ thể.
Khi áp dụng bất kỳ chế độ ăn kiêng gì cũng cần phải đảm bảo đủ nhu cầu carbohydrate cho cơ thể. Trong khẩu phần ăn hằng ngày, tinh bột cung cấp 2/3 tổng năng lượng. Các chất đạm, chất béo, cộng lại chỉ cung cấp 1/3 năng lượng cho cơ thể.
BS Hưng cho rằng béo phì không xảy ra trong một sớm một chiều. Béo phì được hình thành, phát triển dần dần theo thời gian, là kết quả của việc lựa chọn chế độ ăn không lành mạnh và lối sống tĩnh tại, ít hoạt động, như
1. Hay ăn một lượng lớn thức ăn nhanh hoặc chế biến sẵn, vì thức ăn này chứa nhiều chất béo và đường
2. Ăn nhiều năng lượng hơn nhu cầu cơ thể, có thể do tự bản thân hoặc được khuyến khích bởi người khác
3. Ăn ngoài quá nhiều
4. Uống quá nhiều đồ uống có đường: nước ép hoa quả, nước ngọt đóng chai, trà sữa…
5. Uống quá nhiều rượu bia, đồ uống có cồn
6. Thói quen ăn uống không lành mạnh của gia đình và cha mẹ
7. Ít có thói quen đọc nhãn thực phẩm
>> Xem thêm: 9 phương pháp giảm cân tưởng 'lành mạnh' nhưng lại 'hại người'