Dù là nam hay nữ, theo thời gian, cơ thể bắt đầu xuất hiện lão hóa ở hầu hết các cơ quan. Trong đó rõ nhất là da, lông, móng, tóc... Bởi đây là hệ cơ quan có thể thấy được.
Đủ cách chống lão hóa
Theo diễn tiến, quá trình đồng hóa từ lúc sinh ra đến trưởng thành sẽ chiếm ưu thế. Từ quá trình trưởng thành về sau dị hóa sẽ chiếm ưu thế. Đồng hóa là quá trình tăng trưởng tế bào, qua tuổi 30 việc kiểm soát tế bào hoạt động kém sẽ xuất hiện các vấn đề lão hóa, trừ trường hợp lão hóa do bệnh tật, ví dụ 20 tuổi nhưng xuất hiện triệu chứng giống như phụ nữ 50 tuổi thì cần đi khám.
Khi tuổi trung niên bắt đầu, con người sẽ xuất hiện những vấn đề về lão hóa, đặc biệt đối với da sẽ có nhiều biểu hiện, trong đó có thể thấy da không còn căng, mịn như trước; các rối loạn sắc tố da sẽ xuất hiện nếp nhăn, đốm nâu, tàn nhang, đồi mồi... - nhất là những vùng tiếp xúc nhiều với ánh sáng, ánh nắng mặt trời như mặt, tay, chân. Trong đó, những người lao động thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời sẽ thấy rõ các biểu hiện này.
Cân bằng, tránh tiêu cực từ cuộc sống bên ngoài giúp quá trình lão hóa chậm hơn. Ảnh: BẢO LÂM
Bên cạnh đó, tóc cũng không còn khỏe, dày như trước mà sẽ khô, giòn, dễ gãy rụng. Móng sẽ mất độ bóng, khô dần, dễ gãy.
Với những biểu hiện dễ thấy khi bắt đầu xuất hiện nếp nhăn, nhiều người tìm đến các cách để chống lại sự lão hóa như tiêm filler, botox, căng da mặt, uống thuốc… thậm chí, nghiện sử dụng các phương pháp làm đẹp có thể dẫn đến hậu quả.
Thực tế, bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám vì lạm dụng dẫn đến tai biến. Như mới đây, bệnh viện tiếp nhận một phụ nữ 35 tuổi, ngụ TP HCM đến khám bị hoại tử vùng mũi do tiêm filler. Bệnh nhân đã được xử lý chống viêm, chống dị ứng, nhiễm trùng tại chỗ. Đây cũng phải là trường hợp đầu tiên, nhiều chị em chia sẻ rằng cảm thấy stress, căng thẳng khi nếp nhăn xuất hiện. Do đó, cách họ níu kéo là tìm đến các phương pháp làm đẹp hoặc trang điểm để che đi.
Cân bằng cuộc sống
Lão hóa là quá trình tất yếu của cơ thể sống, là một tiến trình tự nhiên và xảy ra liên tục. Hiện tượng này tăng dần theo thời gian. Cơ thể chúng ta đạt đỉnh cao về thể chất và chức năng các cơ quan ở tuổi 35, sau đó suy giảm dần. Những thay đổi về cấu trúc và chức năng của các cơ quan trong cơ thể sẽ dẫn đến sự thay đổi hình dạng bên ngoài. Lão hóa có thể đến sớm hay muộn tùy thuộc cơ thể từng người.
Tuy nhiên, lão hóa không có gì đáng sợ. Để duy trì và cân bằng cuộc sống giúp quá trình lão hóa diễn ra theo hướng chậm nhất ngay từ tuổi 30 trở đi, mỗi người cần phải có ý thức chống lão hóa.
Đơn giản nhất là cân bằng cuộc sống - tránh tác động tiêu cực từ môi trường sống bên ngoài cho đến yếu tố nội tại như chế độ ăn uống, tập luyện cần khoa học và hợp lý, tránh kích thích căng thẳng, hoạt động công việc đúng mức.
Việc ăn uống và làn da có mối quan hệ mật thiết. Do đó, chúng ta có thể làm chậm lão hóa bằng chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn cân bằng chất bột, đạm, béo, đủ vitamin và khoáng chất theo nhu cầu khuyến nghị, giàu chất chống ôxy hóa giảm bớt sự lão hóa của tế bào. Chế độ ăn nhiều rau xanh giúp ích sức khỏe, chống lão hóa tốt.
Tập luyện thể dục thể thao cũng là chìa khóa giúp tăng cường miễn dịch; ngủ đủ giấc, cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc giúp chúng ta làm chậm quá trình lão hóa...
Cẩn thận khi dùng thủ thuật xâm lấn
Khi xuất hiện những vấn đề lão hóa, phụ nữ thường tìm đến các dịch vụ chăm sóc da, thẩm mỹ da. Đây là nhu cầu chính đáng giúp họ cảm thấy tự tin hơn, trẻ hơn so với tuổi.
Tuy nhiên, những phương pháp như tiêm filler, botox là các thủ thuật xâm lấn, tác động vào cấu trúc làn da. Các thủ thuật này bên cạnh những mặt tích cực vẫn có mặt tiêu cực. Nếu chỉ định không đúng kỹ thuật, sản phẩm sử dụng không chất lượng hoặc người thực hiện không bảo đảm kỹ thuật sẽ gây ra biến chứng...
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Tính, Trưởng Khoa Da liễu - Dị ứng, Bệnh viện Quân y 175