Với sự phát triển của ngành thẩm mỹ, phẫu thuật tạo má lúm đồng tiền dần trở nên phương pháp phổ biến giúp cải thiện ngoại hình. Tuy nhiên, trong bất kỳ phẫu thuật tạo hình nào, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ về tay nghề bác sĩ, trang thiết bị của cơ sở, tính an toàn của phương pháp để có được hiệu quả như mong muốn.
Phẫu thuật tạo má lúm đồng tiền là kỹ thuật khâu đính da vào cơ má bên trong khoang miệng. Bác sĩ sẽ thực hiện một đường rạch bên trong niêm mạc má, sau đó khâu thẩm mỹ đính da và cơ má để tránh sẹo, tạo thành lúm đồng tiền đẹp tự nhiên. Thông thường, khách hàng có thể yêu cầu hoặc được bác sĩ tư vấn thực hiện làm má lúm đồng tiền ở khu vực giữa má hay ở khóe miệng (còn gọi là đồng điếu).
Phẫu thuật tạo má lúm đồng tiền là một quy trình phẫu thuật thẩm mỹ đơn giản. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao và bảo đảm an toàn, trước khi thực hiện phẫu thuật tạo má lúm đồng tiền, bạn cần tư vấn với bác sĩ để thảo luận về mục tiêu thẩm mỹ và thông tin y tế cá nhân.
Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định khách hàng thực hiện các xét nghiệm tiền phẫu như tổng phân tích tế bào máu, thời gian máu chảy, máu đông, điện tâm đồ... nhằm tránh các biến chứng có thể xảy ra khi phẫu thuật.
Thời gian thực hiện phẫu thuật tạo má lúm đồng tiền thường 10 - 15 phút, là hình thức tiểu phẫu và sẽ gây tê tại chỗ.
Bác sĩ sẽ thực hiện theo trình tự: khám và tư vấn để xác định vị trí làm má lúm đồng tiền hài hòa, phù hợp với khách hàng; vô khuẩn và gây tê vùng má; tiến hành khâu đính cơ vào mặt dưới da, tạo má lúm tại vị trí xác định ban đầu.
Mục tiêu của phẫu thuật là giúp khách hàng khi nói hoặc cười thì các cơ co rút và kéo da vào bên trong, tạo thành má lúm đồng tiền hay đồng điếu.
Điều cần lưu ý là kết quả của phẫu thuật này không phải lúc nào cũng vĩnh viễn, tùy thuộc vào cơ địa, chăm sóc hậu phẫu, tác động vào vùng phẫu thuật…, má lúm đồng tiền có thể mất đi và bạn có thể thực hiện lại. Bên cạnh đó, tiểu phẫu này cũng có thể xảy ra một số biến chứng như chảy máu, tổn thương thần kinh mặt, nhiễm trùng, để lại sẹo...
Do đây là một tiểu phẫu đơn giản nên bạn có thể sinh hoạt bình thường ngay sau khi thực hiện xong. Tuy nhiên, bạn cũng cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc hậu phẫu, hạn chế các tác động mạnh vùng phẫu thuật, bảo đảm sử dụng thuốc được chỉ định để giảm đau và tránh viêm nhiễm. Bên cạnh đó, cũng cần tự theo dõi 1 - 3 tháng sau phẫu thuật, để vết thương tạo mô sẹo, khi đó cười mới lõm vào và tạo ra má lúm đồng tiền tự nhiên hơn.
Ngoài ra, có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc sau phẫu thuật để đẩy nhanh quá trình lành thương, như: chườm đá sau mổ trong 2 ngày; ăn thức ăn nhẹ, lỏng như cháo, xúp; súc miệng trong 5 - 7 ngày bằng nước súc miệng sát khuẩn; không sử dụng rượu, bia, các chất kích thích trong thời gian đầu sau phẫu thuật.
Phẫu thuật tạo má lúm đồng tiền là một phương pháp thẩm mỹ phổ biến để cải thiện ngoại hình khuôn mặt.
Dù vậy, việc hiểu rõ quy trình, tính an toàn và quản lý sau phẫu thuật là quan trọng. Bệnh nhân nên thảo luận kỹ với bác sĩ và lựa chọn dịch vụ thẩm mỹ uy tín, với quy trình phẫu thuật bảo đảm an toàn, bảo đảm chống nhiễm khuẩn, để có được kết quả phẫu thuật tốt và vẻ đẹp như mong muốn.
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Anh Tân