Muốn màu nhuộm sáng lên ‘chuẩn’ và đẹp, chúng ta sẽ phải tẩy tóc. Tuy nhiên, vì bước xử lý này gây ảnh hưởng đến chất lượng của mái tóc nên bạn nhớ chuẩn bị kỹ càng trước khi thực hiện.
1. Kiểm tra tình trạng tóc trước khi tẩy
Kiểm tra tình trạng tóc là việc đầu tiên mà chúng ta cần làm khi có ý định nhuộm các tông màu sáng. Bởi quá trình tẩy sẽ khiến cho tóc trở nên xơ yếu một cách nhanh chóng. Nếu mái tóc của bạn không đủ khỏe thì vừa dễ bị hư tổn nặng vừa lộ nhược điểm lại gây ảnh hưởng đến màu nhuộm.
Tóc chưa từng uốn, nhuộm, tẩy sẽ khác với tóc đã từng uốn, nhuộm, tẩy. Do đó, kiểm tra chất tóc không chỉ giúp chúng ta xác định xem bản thân có nên hay có thể tẩy tóc hay không mà còn góp phần định hướng việc lựa chọn màu nhuộm, quy trình nhuộm. Bởi cùng là màu tóc sáng và cần tẩy nhưng có những màu nhuộm phải tẩy nhiều, màu nhuộm tẩy ít, loại tóc cũng có loại dễ tẩy, khó tẩy, dễ lên màu, khó lên màu... Bước đánh giá toàn diện này sẽ giúp chúng ta có được kế hoạch cụ thể, tăng tỷ lệ thành công là giảm tỷ lệ làm hỏng tóc
2. Tẩy tóc tại salon
Quy trình tẩy tóc khá phức tạp và chỉ cần mắc phải một sai lầm nhỏ thì bạn cũng có nguy cơ phải đối mặt với những vấn đề lớn như kích ứng, dị ứng da đầu, hỏng tóc, rụng tóc, bỏng hóa chất…
Vì vậy, chị em nhất định đừng liều lĩnh tự tẩy tại nhà mà hãy gửi gắm mái tóc của mình cho những địa chỉ uy tín. Khi có sự can thiệp của người có chuyên môn, có kinh nghiệm và biết cách xây dựng công thức phù hợp thì chúng ta có thể thoải mái hiện thực hóa mong muốn của mình, tẩy nhuộm màu nào cũng không thành vấn đề.
3. Đắp mặt nạ tóc thường xuyên trước khi tẩy tóc
Để chuẩn bị cho quá trình tẩy tóc, chúng ta nên thường xuyên đắp mặt nạ dưỡng ẩm sâu trong vòng hai tuần trước đó. Mỗi tuần thực hiện 1 – 3 lần tùy vào loại tóc và mỗi lần ủ ít nhất 20 phút. Bước chăm sóc bổ sung này sẽ vừa sửa chữa những sợi tóc hư tổn vừa góp phần giảm thiểu tình trạng khô rối, chẻ ngọn, xơ xác thường gặp sau khi tẩy nhuộm.
4. Không gội đầu trong vòng 2 ngày trước khi tẩy tóc
Muốn giảm thiểu tổn thương hay cảm giác ngứa rát khó chịu trong quá trình tẩy tóc cũng như nhuộm tóc thì bạn không nên gội đầu trong vòng 2 ngày trước khi thực hiện. Lớp dầu được tiết ra sẽ trở thành tấm khiên tự nhiên giúp chúng ta bảo vệ tóc và da đầu.
Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng sản phẩm tạo kiểu trước khi tẩy nhuộm thì nên gội đầu nhẹ nhàng (không massage nhiều, đặc biệt là phần da đầu). Với trường hợp chưa từng tẩy nhuộm thì chị em nên hỏi ý kiến của thợ làm tóc. Nguyên nhân là vì sợi tóc được phủ bởi lớp dầu tự nhiên cũng như silicone trong sản phẩm chăm sóc có thể ảnh hưởng đến hiệu quả tẩy nhuộm.
5. Hạn chế tẩy tóc và uốn tóc cùng lúc
Mọi người đều biết thuốc tẩy, thuốc nhuộm và thuốc uốn có hại cho tóc nhưng ít ai để ý rằng thuốc uốn sẽ gây hại nhiều hơn trên mái tóc tẩy, tóc nhuộm. Việc thực hiện đồng thời cả hai dịch vụ tạo kiểu này sẽ gây ra tổn thương lớn cho cả mái tóc lẫn da đầu, đặc biệt là dễ dẫn đến tình trạng nhạy cảm, rụng tóc.
Đó là còn chưa kể đến việc, uốn, tẩy, nhuộm cùng lúc hoàn toàn có thể làm phai màu tóc mới. Vì những lý do trên mà các nhà tạo mẫu thường khuyên chúng ta uốn tóc và nhuộm tóc cách nhau khoảng 1 tuần hay uốn trước nhuộm sau để duy trì độ mềm mượt, khỏe mạnh cho mái tóc.
6. Không tẩy tóc quá 4 lần/ năm
Tóc sẽ không có thời gian để hồi phục và ngày càng hư hỏng nặng nếu bạn tẩy nhuộm với tần suất dày đặc. Để đảm bảo sức khỏe cho mái tóc và da đầu, tốt nhất chúng ta chỉ nên tẩy, nhuộm khoảng 3 tháng 1 lần và không quá 4 lần một năm.
Việc sử dụng sản phẩm chất lượng và hạn chế để thuốc tẩy, nhuộm chạm vào da đầu hay các vùng da xung quanh cũng rất quan trọng nên chị em nhớ để ý.
Nếu quyết định tẩy tóc, chúng ta sẽ phải chuẩn bị tâm lý để đối mặt với tình trạng tóc khô xơ, hư tổn cũng như lên kế hoạch phục hồi, giữ màu sau nhuộm. Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện tốt những lời khuyên ở trên vấn đề sẽ được khắc phục đáng kể nên đừng bỏ qua.