Sau khi đội tuyển Anh vượt qua Iran với tỷ số 6 - 2 tại vòng bảng World Cup 2022, sự chú ý của khán giả đã đổ dồn vào các cầu thủ Jude Bellingham và Bukayo Saka, khi họ ra sân thi đấu với những đôi tất rách.
Trên thực tế, Jude Bellingham hay Bukayo Saka không phải là những cầu thủ đầu tiên ra sân với đôi tất rách. Trong trận đối đầu với West Ham tại Premier League, hậu vệ Mason Holgate cũng đi một đôi tất 'thủng lỗ chỗ như miếng pho mát', tờ Goal nhận xét.
Cầu thủ người Anh Jude Bellingham mang vớ rách trong trận gặp Iran tại World Cup 2022 - Nguồn ảnh: Internet
Hay hậu vệ cánh phải của Manchester City là Kyle Walker đã đi đôi tất thủng lỗ trong trận đối đầu với Liverpool ở Champions League 2018. “Những đôi tất hiện tại của tôi đều quá chật và tạo cảm giác rất vướng víu, khó chịu trong khi thi đấu, đặc biệt là trong những pha bứt tốc để đua tốc độ với cầu thủ đối phương… Bởi thế tôi đã quyết định cắt những đôi tất dùng cho cả luyện tập cũng như thi đấu nhằm đem lại cảm giác thoải mái hơn”, Kyle Walker trả lời phỏng vấn với tờ Daily Mail.
Kyle Walker ra sân với đôi tất rách - Nguồn ảnh: Báo Công An Nhân Dân
Dưới góc nhìn của các chuyên gia y tế, việc này có lợi hơn là có hại đối với cầu thủ.
Theo đó, hầu hết các cầu thủ có bắp chân phình to do quá trình tập luyện trong thời gian dài. Thông thường, trước mỗi trận đấu, họ sẽ được phát những đôi tất mới đến từ nhà tài trợ. Tất bóng đá được làm bằng nilon - chất liệu siêu bó và cần có thời gian để giãn ra.
Đối với những người có cơ bắp chân phình to, việc mang một đôi tất mới, bó sát sẽ gây khó chịu, giảm lưu thông máu và khả năng hô hấp của các cơ. Do đó, một số cầu thủ đã cắt lỗ trên tất để tạo sự thoải mái và tăng lưu thông máu.
Không những vậy, lỗ thủng trên đôi tất giúp giải phóng lực căng ở chân, hạn chế vấn đề về cơ hoặc chuột rút, thường xảy ra khi thiếu oxy cung cấp cho cơ; từ đó giảm thiểu nguy cơ chấn thương, cải thiện hiệu suất trên sân.
Vào mùa nóng, các lỗ thủng trên tất đóng vai trò lưu thông không khí, giảm nhiệt ở chân. Nếu cầu thủ không đi tất vì quá nóng, da của họ sẽ phồng rộp và nhiễm trùng khi tiếp xúc với các cầu thủ khác.
Eric Dier vi phạm trang phục thi đấu khi đi tất không phải của nhà tài trợ World Cup 2018 - Nguồn ảnh: Internet
Một lý do khác cho việc cắt lỗ trên tất là vấn đề quảng cáo. World Cup là một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, được hàng nghìn người quan tâm. Các nhà sản xuất trang phục thi đấu cũng nắm bắt cơ hội này để quảng bá sản phẩm bằng cách tặng trang phục cho các cầu thủ nổi tiếng.
Tuy nhiên, cầu thủ bóng đá không được quảng cáo sản phẩm công khai trên sân bóng (ngoài các nhà tài trợ chính thức). Vì vậy, họ sẽ mang đôi tất được tài trợ bên trong, khéo léo cắt lỗ trên những chiếc tất bên ngoài để lộ một phần tên nhãn hiệu.
Việc này không hẳn được cho phép nhưng với số tiền phù hợp, một số cầu thủ vẫn chấp nhận rủi ro.
Trước đó, đội tuyển Anh đã bị FIFA phạt 53.000 bảng sau khi Dele Alli, Raheem Sterling và Eric Dier đeo vớ có hình ảnh thương hiệu TruSox (không nằm trong các nhà tài trợ của giải) trong trận Tứ kết World Cup 2018.
Thói quen này bắt đầu từ khoảng 10 năm trước, khi các cầu thủ chuyên nghiệp và cả nghiệp dư mang hai đôi tất trong suốt trận đấu. Đôi thứ nhất cao trên mắt cá hoặc giữa ống chân, có đáy chắc chắn. Đôi thứ hai lồng ra bên ngoài, dài hơn, có thể cao đến đầu gối. Điều này giúp giảm ma sát giữa tất và giày, tăng sự thoải mái.
Sau đó, các cầu thủ khoét lỗ ở một đôi tất (thường là bên ngoài) để giảm áp lực lên chân, giảm phồng rộp và các vết kích ứng da. Việc mang hai đôi tất và khoét lỗ ở một đôi cũng cải thiện độ bám bên trong giày.
Chiếc tất thủng phần bắp chân của một cầu thủ đội tuyển Anh năm 2018 - Nguồn ảnh: VnExpress
FIFA không hài lòng với việc các cầu thủ cắt lỗ trên tất. Chẳng hạn như trung vệ Ezequiel Garay (Valencia) đã bị trọng tài điều khiển trận đấu cảnh cáo, yêu cầu phải ra khỏi sân để thay đôi tất lành lặn hơn, vì cho rằng chúng không phù hợp với quy định về trang phục thể thao. Ngoài ra, FIFA đã phạt và cảnh cáo một số cầu thủ vì hành vi tương tự.