Hiện trường vụ án chồng sát hại vợ rồi tự tử ở phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Q.H
Ghen tuông, sát hại vợ rồi tự tử
Khoảng 21h15 ngày 2/11, anh L.V.T (SN 1994, Bắc Giang) cùng vợ là chị Q.T.H, (SN 2000), đến thuê nhà nghỉ ở thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam. Đến gần 3h, vợ chồng xảy ra mâu thuẫn.
Theo cơ quan điều tra, khi bị vợ dùng dao cầm theo sẵn đâm vào bụng, anh T. bật dậy giằng co, cướp lại hung khí, sau đó đâm liên tiếp 7 nhát vào bụng, ngực vợ rồi tự đâm vào ngực mình tự sát.
Khi quản lý nhà nghỉ nghe tiếng kêu cứu chạy lên thì thấy chị H đang bò ra ngoài cửa phòng, anh T nằm trên giường. 2 người được đưa đi cấp cứu song chị H đã tử vong.
Theo Công an huyện Lục Nam, T và chị H là cặp vợ chồng trẻ, do mâu thuẫn trong gia đình, chị H bỏ nhà đi. Khi bà nội anh T đang hấp hối, anh T gọi vợ về để chịu tang thì cả 2 tiếp tục xảy ra cãi vã dẫn đến bi kịch.
Trước đó, ngày 2/11, Công an TP Chí Linh (Hải Dương) tiếp nhận tin báo một vụ việc có dấu hiệu nghi giết người.
Tại hiện trường, phát hiện 1 phụ nữ và 1 người đàn ông đã tử vong. 2 nạn nhân được xác định là chị P.T.T.L và anh B.H.T (cùng SN 1997). Chị P.T.T.L và anh B.H.T kết hôn năm 2022 và đang sinh sống tại phường Sao Đỏ, TP Chí Linh. Chị L và anh T có 1 con gái, SN 2023.
Nghiêm trọng hơn, đầu tháng 9/2023, Công an quận Long Biên và các cơ quan nghiệp vụ nhận được tin báo có 4 người trong 1 gia đình tử vong bất thường.
Theo đó, vụ việc được xác định xảy ra vào sáng 1/9, tại phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội. Cơ quan điều tra xác định, người chồng đã giết cả nhà sau đó treo cổ tự tử. Nguyên nhân vụ việc được xác định do N.V.H ghen tuông với vợ nên đã ra tay sát hại vợ cùng con trai.
Hiện trường ghi nhận, 3 người trong gia đình tử vong do lực ngoài tác động. Còn chủ nhà là N.V.H (SN 1978) tử vong trong tư thế treo cổ. Thời điểm này, con gái của H ở cùng mẹ, về chơi với bố cũng bị hung thủ ra tay sát hại.
Thiếu trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề
Theo báo cáo của Bộ Công an, tình hình tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm giết người. Trong đó, án mạng do văn hóa ứng xử chiếm 40%, lứa tuổi phạm tội dưới 30 tuổi chiếm khoảng 75% các vụ án; có tới hơn 90% các vụ giết người là do các nguyên nhân xã hội, trong đó có 18 - 20% số vụ là người thân trong gia đình giết nhau.
Nhận định về tình trạng gia tăng các trường hợp giết người thân rồi tự tử, các chuyên gia tâm lý cho rằng, điều đó phản ánh những vấn đề xã hội.
Xã hội hiện đại với nhiều vấn đề phải giải quyết như việc làm, thu nhập cho đến sinh hoạt, con cái... khiến nhiều ông bố bà mẹ stress. Phải đối mặt với những mâu thuẫn gay gắt, có những người không thể tìm ra cách giải quyết mà nghiêng về những suy nghĩ tiêu cực. Các vụ án đau lòng xảy ra chính là hệ quả của những suy nghĩ đó.
Bên cạnh đó, sợi dây kết nối bằng hôn nhân trong mỗi gia đình đang ngày càng lỏng lẻo. Không ít các gia đình hiện đại sau cả ngày dài đi làm về nhà thì chồng biết đằng chồng, vợ biết đằng vợ, không có sự tương tác lẫn nhau. Sự thiếu quan tâm, săn sóc về mặt tình cảm đã dẫn đến những lỗ hổng trong hôn nhân, mâu thuẫn cứ dần dà được tích tụ theo thời gian, đến khi bùng phát thì rất khó kiểm soát.
Mặt khác, sự tự trang bị những kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề của mỗi cá nhân trong cuộc sống còn nhiều hạn chế. Vì vậy, khi đối diện với những trở ngại, họ thường phải cậy nhờ đến người khác. Khi không nhận được sự trợ giúp nào, họ cảm thấy tuyệt vọng hoàn toàn và nhanh chóng buông tay.
Con người không sống đơn độc, mỗi gia đình cũng không đơn độc tồn tại mà hiện diện trong mối tương tác với những người xung quanh và cộng đồng xã hội. Các thiết chế xã hội căn bản như luật pháp, đạo đức, hệ thống phúc lợi, các cơ chế trợ giúp, các dịch vụ hỗ trợ về tâm lý… của nước ta vừa yếu và vừa thiếu, đã không thể bảo vệ, giúp đỡ những con người đó vượt qua cơn khủng hoảng tâm lý đến mức họ phải chọn giải pháp tiêu cực nhất.
Nếu tự tử không thành công sẽ khiến người trong cuộc bị tổn thương nặng nề về tâm lý, thậm chí họ còn phải đối mặt với những hình phạt nghiêm khắc. Bên cạnh đó, nó còn là nỗi xót xa của người thân, nỗi ám ảnh, day dứt dằn vặt của chính người xuống tay…
Để tránh xảy ra những hậu quả đau lòng, theo các chuyên gia, mỗi người cần thấu hiểu, nhường nhịn, tôn trọng nhau để bảo vệ hạnh phúc gia đình; tránh vì ích kỷ, nóng giận dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, gây ra những hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội…
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, để mỗi người hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội, luôn tuân thủ pháp luật, không vì ích kỷ, nóng giận mà sử dụng vũ lực, gây thương tích, giết hại người khác để giải quyết các mâu thuẫn.
Cơ quan Công an, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội cơ sở tích cực hơn nữa trong công tác nắm bắt kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ quần chúng nhân dân, để phối hợp, can thiệp, giải quyết, không để hình thành mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài làm phát sinh tội phạm…