Tiến hành khử trùng trụ sở của trường Samba Portela ở Brazil. Ảnh: Reuters.
Ngày 24/1, Hãng Interfax đưa tin, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) đã ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc sản xuất vaccine Sputnik- V ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. RDIF - đơn vị chịu trách nhiệm tiếp thị vaccine Sputnik-V ra nước ngoài đã bắt đầu chuyển giao công nghệ sản xuất loại vaccine này cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, RDIF cũng đã ký hợp đồng sản xuất vaccine Sputnik-V với các nhà sản xuất ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Belarus và Kazakhstan. Và hiện RDIF đã nộp đơn đăng ký xin lưu hành vaccine Sputnik-V tại Liên minh châu Âu (EU) và dự kiến sẽ được xem xét vào tháng 2 tới. Trong khi đó, nhiều nước như Hungary, Argentina, UAE đã cấp phép sử dụng loại vaccine này.
Các quốc gia châu Âu gia tăng biện pháp kiểm soát
Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại dịch Covid-19 không 'hạ nhiệt' trên phạm vi toàn cầu. Dấu mốc' 100 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 dường như chắc chắn sẽ đến tngay trong tuần này, vì cho đến cuối tuần nó đã tới con số 99 triệu người. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha và Brazil với số ca mắc mới mỗi ngày ở mức hàng chục nghìn người, đồng thời lây lan diện rộng.
Riêng tại châu Âu, sự lây lan của biến thể mới của SARS-CoV-2 đang trầm trọng thêm. Tính từ ngày 14/12/2020, khi nước Anh chính thức công bố chùm ca lây nhiễm Covid-19 từ biến thể mới của chủng virus cũ, cho đến nay hầu hết các quốc gia châu Âu đã phát hiện chủng mới này, với tốc độ lây lan nhanh. Tại Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Bulgaria… cơ quan y tế quốc gia đều đã phải phát đi những cảnh báo nguy hiểm, yêu cầu người dân phải tự bảo vệ mình một cách chặt chẽ hơn.
Để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-Cov-2 và các biến thể mới của virus này, nhiều nước châu Âu đã phải đưa ra những biện pháp cứng rắn. Chính phủ Bỉ đã cấm người dân ra nước ngoài nếu không có lý do cần thiết cho đến ngày 1/3.
Còn tại Đức, ngày 24/1, truyền thông nước này đưa tin, cảnh sát liên bang đã bắt đầu tiến hành siết chặt kiểm soát biên giới trong bối cảnh Chính phủ liên bang vừa đưa 32 quốc gia vào danh sách có nguy cơ lây nhiễm cao đối với đại dịch Covid-19. Cụ thể với các nước có nguy cơ lây nhiễm cao khi có chỉ số lây nhiễm mới trong 7 ngày vượt quá 200 ca. Theo đó, tất cả trường hợp từ những nước như vậy muốn vào Đức cần phải làm xét nghiệm sớm nhất 48 giờ trước khi nhập cảnh và chỉ các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính mới được nhập cảnh. Sau khi nhập cảnh cũng cần thực hiện quy định cách ly đủ 10 ngày.
Châu Á và mối lo đến từ những chuyến 'Xuân vận' khổng lồ
Tới thời điểm này, một số quốc gia châu Á đang đứng trước mối lo 'vỡ trận' vì dịp Tết truyền thống đang gần trong vòng 2 tuần lễ nữa. 'Đây là khoảng thời gian nghỉ kéo dài, người dân di chuyển nhiều và tụ họp rất đông, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch nếu như các biện pháp kiểm soát SARS-CoV-2 không được tiến hành hiệu quả' - đại diện WHO đưa ra cảnh báo.
Tại Trung Quốc, các cảnh báo đã được đưa ra khi Tết Nguyên đán sắp tới. Đây chính là thời điểm nước này chứng kiến làn sóng di chuyển 'Xuân vận' khổng lồ. Trong khi đó, việc tái bùng phát một số điểm dịch cũng là dấu hiệu đáng lo ngại. Ngày 21/1, giới chức địa phương cho biết tổng cộng 458 trung tâm giám sát ở thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, phía Bắc Trung Quốc, đang được sử dụng cho việc cách ly tập trung; với tổng số hơn 34 ngàn người. Thạch Gia Trang đang là một trong những tâm dịch cấp Covid-19. Tuy nhiên, theo bà Mạnh Tường Hồng - Phó Thị trưởng Thạch Gia Trang, thì các trường hợp mắc Covid-19 lẻ tẻ trên địa bàn thành phố đã giảm dần và hầu hết các ca mắc mới được phát hiện ở các trung tâm giám sát.
Còn tại Philippines, Bộ Y tế nước này cho biết đã có thêm 16 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Nhật Bản cũng xác nhận một bé gái 10 tuổi sống tại thủ đô Tokyo dương tính với biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Bé gái đã tiếp xúc gần với một người 40 tuổi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tuy nhiên cả hai chưa từng đi nước ngoài. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, có khả năng đã có sự lây lan biến thể của virus trong thành phố Tokyo đông đúc.
Hiện Ấn Độ và Indonesia vẫn là 2 quốc gia châu Á đang phải chịu đựng 'những trận bão quét mang tên Covid-19' dữ dội nhất.
Ông Biden không rút nước Mỹ khỏi WHO
Ngày 20/1, ông Joe Biden chính thức nhậm chức Tổng thống nước Mỹ. Ngay sau lễ nhậm chức, ông Biden đã đưa ra chính sách mới để đối phó với đại dịch Covid-19, trong tình thế Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu toàn thế giới về số ca lây nhiễm cũng như số người tử vong.
Cùng với việc thúc đẩy tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho khoảng 100 triệu người Mỹ trong tháng này, thì ông Biden tuyên bố không để Mỹ 'chia tay' WHO, điều đó được xem là cam kết quan trọng của nước Mỹ trong cuộc chiến chống Covid-19 mang tính toàn cầu.
Tiến sĩ Fauci.
Theo Hãng thông tấn AP (Mỹ), chỉ vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Biden đã thu hồi lệnh từ chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump rút Mỹ ra khỏi WHO (vào mùa hè năm nay). AP cũng dẫn lời Tiến sĩ Anthony Fauci - người được bổ nhiệm là Cố vấn Y tế trưởng của tân Tổng thống Biden- đã trực tiếp lên tiếng cảm ơn WHO trong cuộc chiến với dịch Covid-19 toàn cầu.
TS Fauci khẳng định Mỹ sẽ nối lại đóng góp về kinh phí và duy trì nhân sự hoạt động cho WHO. Ông Fauci cũng cho biết, Mỹ sẽ tham gia các sứ mệnh của WHO về vaccine, chẩn đoán và điều trị cho những trường hợp có nhu cầu trên toàn thế giới.
Ngay lập tức, WHO đã hoan nghênh quyết định của Mỹ. Tổng Thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá: 'Đây là một điều đẹp cho WHO và y tế toàn cầu'.