Hơn 96,4 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 24,7 triệu ca mắc và hơn 410.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 119.400 người nhiễm virus SARS-Cov-2.
Các quan chức y tế ở California, Mỹ đang yêu cầu tạm dừng tiêm một lô vaccine COVID-19 của Moderna. Nguyên nhân là vì giới chức y tế bang đang tiến hành điều tra về các phản ứng dị ứng. Tuần trước, đã có 10 trường hợp gặp phải phản ứng dị ứng nghiêm trọng trong vòng 24 giờ sau khi tiêm vaccine của Moderna. Những người này đều tới tiêm ở cùng một địa điểm tại San Diego. Lô vaccine bị tạm dừng này có mã số 041L20A của hãng Moderna với hơn 330.000 liều đã được phân phối đến 287 nhà cung cấp trên toàn tiểu bang. Giới chức địa phương cho biết, hơn 10.000 liều đã được sử dụng và chưa ghi nhận thêm trường hợp dị ứng nghiêm trọng nào.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng số người nhiễm bệnh dịch là trên 10,59 triệu, bao gồm hơn 152.700 trường hợp thiệt mạng. Ngày 19/1, Ấn Độ báo cáo thêm trên 13.500 người nhiễm bệnh.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận gần 11.400 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia này lên trên 8,5 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 210.400 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi tại quốc gia này.
EU muốn chia sẻ vaccine COVID-19 cho các nước khó khăn hơn. (Ảnh: AP)
Liên minh châu Âu (EU) muốn thiết lập một cơ chế cho phép chia sẻ lượng vaccine chưa dùng đến với các quốc gia láng giềng khó khăn hơn và các quốc gia ở châu Phi. Đây là phát biểu của Ủy viên phụ trách Y tế của Liên minh châu Âu. Nếu được như vậy, cơ chế này sẽ có hiệu lực trước cơ chế COVAX, chương trình chia sẻ vaccine trên toàn thế giới do WHO khởi xướng. Theo kế hoạch, EU sẽ ưu tiên chia sẻ vaccine cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất tại các nước ở khu vực Tây Balkan, Bắc Phi và Tây sa mạc Sahara. Hiện EU, khu vực chỉ có 450 triệu dân, đã đặt mua gần 2,3 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19.
Nga và Italy đã mở cửa lại trường học sau nhiều tháng đóng cửa. Tại thủ đô Moscow, Nga, các học sinh đã bắt đầu trở lại lớp học sau khi các trường học đóng cửa từ tháng 10. Học sinh được đo nhiệt độ, hạn chế tiếp xúc, tương tác trong thời gian giải lao. Các trường đại học, cao đẳng và một số cơ sở giáo dục khác tại Nga vẫn sẽ tiếp tục học từ xa cho tới ngày 21/1 tới. Hiện Nga ghi nhận trên 3,6 triệu ca nhiễm bệnh, hơn 66.600 trường hợp tử vong do COVID-19.
Tại Italy, các học sinh cũng đã quay lại lớp sau gần 10 tháng đóng cửa. Chỉ có một nửa số học sinh đến lớp để đảm bảo giãn cách xã hội. Học sinh vào trường ở các cổng khác nhau, thời gian khác nhau nhằm hạn chế tiếp xúc. Tổng cộng hơn 2,4 triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Italy, trong đó trên 83.100 trường hợp đã thiệt mạng.
Các cơ quan y tế đang phải chạy đua với thời gian để ngăn chặn các loại virus biến thể mới trước khi chúng lây truyền trên toàn cầu và gây thêm gánh nặng cho hệ thống y tế của các nước. Nhân viên y tế Nam Phi đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng. Bệnh viện kín chỗ, còn bác sĩ, y tá làm việc suốt ngày đêm. Virus biến thể xuất hiện tại Nam Phi đã làm gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm mới trong thời gian gần đây, đỉnh điểm là hơn 21.000 ca nhiễm mới vào ngày đầu tháng này. Các bác sĩ hy vọng, những loại vaccine hiện hành vẫn còn hiệu quả đối với virus biến thể, lây lan nhanh hơn khoảng 50% so với chủng virus ban đầu. Hiện virus biến thể mới tại Nam Phi đã xuất hiện tại một số nước khác tại châu Âu, châu Á và châu Phi, khiến các nước này áp đặt các hạn chế đi và đến Nam Phi.
Virus biến thể lây lan nhanh hơn khoảng 50% so với chủng virus ban đầu. (Ảnh: AP)
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 118 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 106 ca là lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, trong suốt 1 tuần, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày của Trung Quốc đều hơn 100 ca. Số liệu này làm dấy lên lo ngại về đợt bùng phát dịch ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở quốc gia này.
Ít nhất 11 khu vực thuộccác tỉnh Hà Bắc, Hắc Long Giang và Cát Lâm đã ban hành lệnh phong tỏa, đồng thời triển khai xét nghiệm trên quy mô lớn. Hàng triệu người dân Trung Quốc đã quay lại cuộc sống trong thời gian phong tỏa. Mặc dù tình hình hiện tại không nghiêm trọng bằng thời điểm đầu năm 2020, giới chức các địa phương vẫn lo ngại, virus SARS-CoV-2 sẽ lây lan nhanh trên toàn quốc trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới.
Nhật Bản đã có cảnh báo khẩn về biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Chính quyền tỉnh Shizuoka, miền Trung nước này, đã thông báo phát hiện 3 ca đầu tiên nhiễm biến thể mới giống như ở Anh nhưng chưa rõ con đường lây nhiễm. Cả 3 ca nhiễm biến thể mới này đều không có lịch sử đi đến Anh hoặc có tiếp xúc với những người ở Anh. Thống đốc tỉnh Shizuoka nhấn mạnh tăng cường các biện pháp phòng chống lây nhiễm và đảm bảo nguồn dự trữ y tế. Chính phủ Nhật Bản sẽ thu thập mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân ở Shizuoka để xác định con đường lây sang nước này của biến thể mới. Đến nay, Nhật Bản ghi nhận trên 334.300 người mắc COVID-19, trên 6.000 trường hợp tử vong.