Thu phí vỉa hè cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng
TP Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất là đông dân nhất cả nước. Áp lực về giao thông, hạ tầng và dân số cũng luôn là vấn đề khó khăn.
Hiện, TP Hồ Chí Minh có 4.869 đường rộng từ 5 mét trở lên, trong đó gần 2.600 tuyến không có vỉa hè. Tình trạng mua bán, lấn chiếm trên vỉa hè, dưới lòng đường diễn ra phổ biến và kéo dài, ảnh hưởng lớn tới giao thông và mỹ quan đô thị.
Tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa 10 đã thống nhất thông qua Nghị quyết về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, chính thức có hiệu lực từ đầu năm sau. Việc này được cho là đáp ứng được nhu cầu của người dân, đồng thời tăng cường quản lý trật tự đô thị và đem lại nguồn thu cho ngân sách thành phố.
Mức phí được đề xuất áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực của TP Hồ Chí Minh. Các tuyến ở trung tâm cao hơn ngoại thành. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2 mỗi tháng. Các hoạt động khác áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2.
Bảng giá thu phí lòng đường, vỉa hè
Những trường hợp được dùng lòng đường, hè phố và đóng phí gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm giữ ô tô phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; điểm giữ xe có thu tiền dịch vụ.
Các hoạt động khác là điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua - bán hàng hóa; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền người sử dụng và lắp đặt công trình tạm trên hè phố, dải phân cách; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng phục vụ thi công.
Việc sử dụng tạm vỉa hè cần bảo đảm nguyên tắc chừa lại tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ và hai làn ô tô cho một chiều đi đối với lòng đường. Sở Giao thông Vận tải TP sẽ thu phí những tuyến cơ quan này quản lý. Các đường thuộc quản lý của quận, huyện sẽ do địa phương thực hiện.
Dự kiến số tiền thu phí tạm thời sử dụng lòng đường, vỉa hẻ là hơn 1.500 tỷ đồng/năm. Toàn bộ sẽ được nộp vào ngân sách và sử dụng cho quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.
Phân tích trong chương trình Sự kiện và Bình luận, Tiến sỹ Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá đây là một chủ trương phù hợp: 'Hiện nay vấn đề khó với chúng ta là làm sao hài hòa được làm sao người dân mưu sinh, làm sao để giữ được mỹ quan, trật tự đô thị. Công cụ thu phí sẽ là công cụ để quản lý, kiểm soát việc lấn chiếm. Nếu chúng ta không thu phí, người dân sẽ tự do lấn chiếm. Thu phí sẽ phân biệt người đóng phí và người không đăng ký, đóng phí. Trên cơ sở đó chúng ta có thể kiểm tra, giám sát và có chế tài tốt hơn'.
Tiến sỹ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thì đánh giá việc áp dụng việc thu phí sẽ gặp khó khăn: 'Chữ lòng đường, vỉa hè chúng ta phải xem xét, định nghĩa. Ở các không gian khác phải ứng xử khác nhau. Giá thu phí ở trung tâm đông người thì sẽ cao hơn. Nhưng ở trung tâm có những vị trí chắc gì đã đông người. Vấn đề tiếp theo là để minh bạch, chúng ta phải đấu giá. Nhưng như thế người nghèo sẽ không mua được. Thành phố sẽ cần cách ứng xử khác nhau với các đối tượng khác nhau, đáp ứng mong mỏi của nhân dân'.
Tiến sĩ Khương Kim Tạo cũng cho rằng cần phải tránh hiện tượng một người mua nhiều vỉa hè rồi lại cho thuê lại những khu vực ấy, làm mất ý nghĩa của chủ trương.
Cần công khai minh bạch, tránh tình trạng 'tham nhũng vỉa hè'
Theo các chuyên gia, muốn chủ trương thu phí vỉa hè được hiệu quả, phải tính toán sao cho khoản thu này được sử dụng một cách tốt nhất và đặc biệt cần minh bạch nhấ trong quá trình thu phí.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, dự kiến khoản phí thu từ việc sử dụng một phần lòng đường vỉa hè sẽ được nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố. Theo các chuyên gia, điều nay sẽ tạo nên những vỉa hè có chất lượng, thúc đẩy người dân đi bộ nhiều hơn.
Ở một góc độ khác, nếu khoản thu phí này nộp toàn bộ vào ngân sách sẽ không khuyến khích các địa phương, nơi thực hiện chủ yếu chủ trương này.
Sau 15 năm, TP Hồ Chí Minh mới tái khởi động việc thu phí sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè. Sự chuẩn bị kỹ càng, lấy ý kiến của các nơi cũng đã phần nào cho thấy quyết tâm của Thành phố.
Nhiều xe ô tô đậu ngay ở lòng đường tại khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Theo các chuyên gia, Thành phố không cần e ngại những bất cập có thể xảy ra khi thực hiện. Bởi vướng ở đâu, gỡ ở đó. Chỉ cần đặt mục tiêu công khai minh bạch khi thực hiện. Khi có sự thay đổi ở vỉa hè, lòng đường, lại mang lại lợi ích cho ngân sách, khi đó, người dân sẽ ủng hội chủ trương này ngày càng nhiều.
Nhằm tránh tình trạng 'tham nhũng vỉa hè', Tiến sĩ Khương Kim Tạo đề xuất: 'Chúng ta chỉ cho thuê chính chủ. Người nào không thuê nữa thì trả lại cho thành phố. Điều này sẽ hạn chế tham nhũng vỉa hè. Nhưng việc này sẽ khó nâng giá. Đây là việc chúng ta cân nhắc. Về giá, chúng ta chỉ nên cho giá nền và có thể đấu giá như biển số xe. Tuy nhiên cũng phải cân nhắc việc mưu sinh của người dân. Chúng ta cũng cần ứng dụng công nghệ trong quản lý vỉa hè, hướng tới thay da đổi thịt thành phố văn minh hơn, sầm uất hơn'.
Mục tiêu chính không phải nhằm tăng thu ngân sách
Một khảo sát vừa được thực hiện tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 6 vừa qua cho thấy, có 48% chủ các cửa hàng, 61% hàng rong cố định và 36% hàng rong di động, đồng thuận với chủ trương thu phí. Sự đồng tình và ủng hộ của người dân như vậy là điều kiện rất thuận lợi. Sinh kế cho người dân sống phụ thuộc vào vỉa hè cũng rất quan trọng.
Một quán cà phê vỉa hè góc đường Hàn Thuyên - Pasteur, Quận 1. Ảnh: TTXVN
Vỉa hè, lòng đường không chỉ có chức năng là giao thông mà còn thực hiện các chức năng khác của đô thị. Vậy nếu muốn tận dụng, khai thác những không gian này cho hiệu quả kinh tế thì bắt buộc phải có quy hoạch.
Cho thuê có thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tuy còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng có tính khả thi. Tại Hà Nội và Đà Nẵng việc thí điểm trên quy mô một vài tuyến phố đã được tổ chức thực hiện và mang lại kết quả. Những không gian này còn là điểm nhấn về du lịch và văn hóa. Còn trên thế giới, nhiều quốc gia từ lâu đã triển khai quản lý và khai thác lòng đường, vỉa hè hiệu quả.
Mục tiêu chính của thu phí vỉa hè, lòng đường không phải là nhằm tăng thu ngân sách. Mà thông qua việc thu phí này để chỉnh trang lại đường phố, giải quyết một phần nhu cầu có thực của người dân kết hợp với quản lý trật tự đô thị, chấm dứt nạn bảo kê, lợi ích nhóm.
Do vậy, bên cạnh việc thu phí, cần phải có những công cụ, giải pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần hiểu đúng, đầy đủ về bản chất sử dụng vỉa hè để đảm bảo việc kinh doanh, sinh hoạt đúng với chức năng, quy hoạch của thành phố, góp phần đem lại hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại.