Mất ngủ vì chồng ngáy
Vợ chồng anh Đỗ Xuân Th., (43 tuổi, trú quán tại Hà Nam) tới khám vì chứng ngủ ngáy. Anh Th. cho biết mình ngủ ngáy từ khi còn là thanh niên, vài năm nay tình trạng ngủ ngáy càng ngày càng tăng.
Vợ anh bị mất ngủ liên miên. Nhà không có phòng riêng nên dù không nằm cùng giường thì tiếng ngáy của chồng vẫn khiến chị mất ngủ.
Suốt 10 năm qua, vợ anh Th. thường xuyên mất ngủ, không thể chợp mắt. Nhiều lần chị tức đẩy chồng thì anh giật mình dậy im lặng được vài phút sau đó tiếng ngáy lại vang lên. Vợ anh Th. đã tìm các bài thuốc, các mẹo trị ngáy nhưng không ăn thua.
Còn trường hợp của chồng chị Nguyễn Thị Thu (Hà Nội) cũng tương tự. Chị Thu cho biết chồng chị ngủ ngáy và đây là nỗi ám ảnh của chị. Nhiều lần chị muốn ly thân vì tật ngáy ngủ này. Chị muốn ngủ riêng thì chồng không đồng ý.
Mỗi lần chồng ngáy em không ngủ được phải huých mạnh để chồng tỉnh giấc nhưng chỉ vài phút tiếng ngáy lại vang lên. Cảm giác buồn ngủ không ngủ được hoặc ngủ không ngon giấc mỗi sáng thức dậy rất mệt.
Theo PGS Nguyễn Anh Tuấn – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, một người ngủ ngáy trước tiên làm ảnh hưởng đến người xung quanh rất nhiều như con cái, vợ, chồng, hàng xóm,… vì âm thanh tiếng ngáy của bạn có thể đạt đến 120 dB.
Ngủ ngáy được ví như một tiếng xe máy nổ, nhưng tiếng xe máy nổ này lại không hề êm dịu, lúc xuống lúc lên khiến người xung quanh cảm thấy khó chịu và không thể đi vào giấc ngủ.
Ảnh minh hoạ
PGS Tuấn cho biết khi ngủ vùng họng sau khít lại, người ngủ hít thở thì không khí đi vào hẹp hơi làm cho niêm mạc mô xung quanh rung lên tạo ra âm thanh. Người ngủ ngáy không nghe thấy, không biết việc đó dù người xung quanh rất khó chịu.
Ngủ ngáy xảy ra ở tất cả mọi người, nhiều nhất là người béo phì. Các trở ngại lưu thông không khí ở thanh quản và vùng mũi họng đều gây tiếng ngáy. Ở người béo phì có tỷ lệ mắc cao hơn.
Nguyên nhân ngủ ngáy
Thứ nhất, mô họng quá lớn, người béo có tích luỹ mô mỡ ở vùng mũi họng cũng nhiều làm cho hẹp vùng thanh quản và vòm họng gây tiếng ngáy.
Thứ hai, vòm miệng, lưỡi gà bị dài do mô treo phía sau của miệng làm cho lưỡi gà dài hơn làm tắc đường thở gây tiếng ngáy.
Thứ ba, tắc nghẽn đường hô hấp do dị tật mũi, polyp mũi, giảm trương lực cơ vùng hầu họng và lưỡi do mô liên kết bị giãn quá mức, làm lưỡi tụt ra sau che lấp đường thở. Hay gặp ở người say rượu hoặc uống thuốc ngủ.
Thứ tư, sự lão hoá cũng là giãn cơ vùng này nên tuổi càng cao ngáy càng nhiều.
Thứ năm, uống rượu làm ức chế thần kinh trung ương, giãn mô vùng cổ, đường hô hấp dễ đóng lại gây tiếng ngáy.
Thứ sáu, hút thuốc lá làm cho mô hô hấp rung lên, dễ đóng cơ quan hô hấp khi ngủ.
Tác hại của ngủ ngáy, theo PGS Tuấn ngủ ngáy gây ảnh hưởng tới người xung quanh. Nó làm mất ngủ cho người xung quanh và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ chính bạn. Nó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Khi ngủ ngáy có biến chứng ngừng thở khi ngủ thì có thể gây tác hại tình trạng gián đoạn hô hấp do đường thở tắc nghẽn, khiến não ở tình trạng thiếu oxy, mất ngủ, khó ngủ khi trải qua cơn ngừng thở khiến người đó thường kém tập trung hơn, ảnh hưởng tới công việc.
Ngủ ngáy cũng làm gia tăng tình trạng tăng huyết áp, làm giảm khả năng cung cấp oxy máu, làm tăng nguy cơ béo phì, người ngáy ngủ luôn cảm thấy đau đầu.
Người thân của người ngủ ngáy cũng bị ảnh hưởng. Có nhiều người than phiền họ mất ngủ nhiều năm vì người chồng/vợ ngáy quá lớn.
Để hạn chế ngủ ngáy có thể dùng gối thấp, dùng gối cho người ngủ ngáy, nằm nghiêng khi ngủ, người béo phì thì cần giảm cân vì thừa cân béo phì làm tăng ngủ ngáy. Vì vậy, giảm cân là cách quan trọng giảm ngủ ngáy.
Hạn chế uống bia rượu trước khi ngủ. Rượu bia làm giảm trương lực vùng cơ ở cổ nên dễ ngủ ngáy.
Những người bị ngáy ngủ, bạn nên rèn luyện thói quen ngủ điều độ vì càng thiếu ngủ thì càng dễ ngủ ngáy. Không dùng các loại thuốc an thần, thường xuyên vệ sinh phòng ngủ như gas giường, gối để giảm bụi giúp hạn chế ngủ ngáy.
Bạn nên tập thể dục thường xuyên giúp bạn ngủ ngon hơn, giảm được tiếng ngáy khi ngủ.