Em chào bác sĩ ạ!
Cách đây hơn 1 năm mắt em vẫn còn rất tốt. Vậy mà bây giờ không hiểu sao mắt bên phải của em bị mờ mà mắt bên trái vẫn rất tốt. Em có đọc ở một số bài báo nói rằng thiếu máu có thể dẫn đến mờ một bên mắt (nhưng thông tin này e không dám xác thực).
Vậy bác sĩ tư vấn giúp em, em phải làm sao đây ạ? Chế độ ăn uống, phương pháp thể dục mắt và nên dùng thuốc gì để điều trị? Em hoàn toàn không muốn đeo kính. Em xin cám ơn bác sĩ nhiều ạ.
(thanhhang.2602@gmail.com)
Bác sĩ Tiin trả lời:
Mắt là cơ quan đảm nhiệm chức năng 'nhìn' của con người. 'Nhìn' chuẩn là hình ảnh rõ nét, đúng bản chất. Mắt gồm có nhãn cầu và thần kinh thị giác. Các cấu trúc phụ của mắt gồm cơ ngoài nhãn cầu, lông mày, mí mắt, lớp kết mạc, bộ lệ. Nhãn cầu được cấu tạo rất phức tạp, gồm có các lớp áo của nhãn cầu, thấu kính, các phòng của nhãn cầu. Thần kinh thị giác (bộ phận của đường dẫn truyền thị giác). Tất cả các thành phần này đều ảnh hưởng tới sự 'nhìn', còn gọi là thị lực của mắt.
Khi nhìn không chuẩn (nhìn mờ, hình ảnh không rõ nét, không chân thực, không nhìn được…) là bệnh lý của mắt. Mắt có thể bị bệnh một mắt hoặc cả hai bên.
Khi bạn 'nhìn thấy không rõ' có thể gặp trong các trường hợp sau:
Nguyên nhân hay gặp nhất là do tật khúc xạ của mắt (cận thị, viễn thị, loạn thị). Khi có khúc xạ giác mạc, do thủy tinh thể, do trục nhãn cầu không bình thường, bệnh lý giác mạc... có thể gây tật khúc xạ. Biểu hiện là nhìn không rõ, hay mỏi mắt, hay phải “nheo” mắt.
Nguyên nhân khác gây mờ mắt còn do rối loạn điều tiết (lão thị) hay gặp ở người lớn tuổi hoặc do bệnh lý ở mắt như bệnh ở phần trước nhãn cầu (bệnh sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể), bệnh ở sau nhãn cầu (bệnh lý dịch kính, bệnh của võng mạc và thần kinh thị giác).
Tôi mô tả kỹ như vậy để bạn thấy chỉ là 'nhìn không rõ nét, nhìn mờ' nhưng chẩn đoán, tìm nguyên nhân không phải đơn giản. Mắt là cơ quan phức tạp, tinh vi, phải được bác sỹ chuyên khoa mắt khám, chẩn đoán và điều trị bệnh lý.
Vì vậy bạn đừng 'tự tìm hiểu' làm gì, bạn cần đi khám chuyên khoa mắt ngay. Bất cứ là bệnh gì cũng phải điều trị theo chỉ định của bác sỹ chứ không phải là 'thích hay không thích nhé'. Bệnh lý tật khúc xạ bắt buộc phải có kính hỗ trợ để ổn định thị lực, giúp mắt bên lành không bị mỏi vì phải tăng điều tiết.
Các phương pháp khác như luyện tập, dinh dưỡng (ăn nhiều rau xanh, rau quả có mầu xanh sẫm, mầu đỏ…), chế độ làm việc hợp lý, đủ ánh sáng, bảo vệ mắt chống ánh nắng mặt trời, bụi, gió… cũng giúp bảo vệ mắt, để cho mắt 'khỏe' rất nhiều. Khi có bất kỳ bệnh lý gì ở mắt cũng phải đi khám, điều trị ngay nhé.
Mọi thắc mắc về sức khỏe giới tính, bạn vui lòng gửi câu hỏi đến hòm thư
bandoc@tiin.vn. Câu hỏi của bạn sẽ được bác sỹ
Hoàng Thúy Hải giải đáp vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần. (Nhớ là gửi thư bằng tiếng Việt có dấu bạn nhé!)