Tôi là gái quê, lấy chồng ở thành phố và làm dâu được 5 năm thì bố mẹ chồng rơi vào cảnh phá sản. Tiếp theo là hàng loạt biến cố liên tiếp sau đó xảy ra, khiến bố mẹ chồng phải bán ngôi biệt thự nhiều đời, mua lại một căn nhà tập thể cũ.
Từ đây cuộc sống của mẹ con tôi từ màu hồng, không phải lo nghĩ gì… phải tụ hết về căn hộ tập thể chật hẹp này. Bố mẹ chồng thì rơi vào trầm cảm, một tay tôi vừa chăm sóc hai con, đỡ đần bố mẹ chồng lẩn thẩn, rồi còn đi làm thêm kiếm tiền... nên rất vất vả.
Tôi phải cảm ơn chồng rất nhiều vì anh luôn giúp tôi bình tĩnh trở lại. Ảnh minh họa.
Đúng lúc đó thì chồng tôi đang du học thạc sĩ ở trời Tây đã quyết định trở về để vực lại kinh tế gia đình, gánh vác đỡ vợ việc chăm sóc bố mẹ, con cái. Việc chồng trở về làm bố mẹ sốc vì quá sức chịu đựng, bởi ông bà đã mất bao nhiêu tiền cho anh đi du học, giờ chỉ vì ông bà mà con trai phải bỏ về chăm sóc bố mẹ và lập nghiệp ở Việt Nam.
Chồng tôi khi ấy đã nói rằng có chị gái lấy chồng ở nước ngoài rồi, anh là con trai phải về giúp bố mẹ, giúp vợ con anh. Nghe anh nói tôi cũng thấy bớt tủi cực, nhưng anh trở về làm tắt ngúm ước mơ được ra nước ngoài của mẹ con tôi, khiến tôi bức xúc, mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia...
Căn hộ tập thể không có phòng riêng nên mọi người đi qua lại thì hay đụng mặt nhau. Chồng tôi làm việc cũng không có chỗ yên tĩnh, vợ chồng cũng không có chút không gian riêng nào... khiến tôi nhiều lúc bí bức cũng càu nhàu, quát tháo...
Sau những lúc ấy, tôi phải cảm ơn chồng rất nhiều vì anh luôn là người giúp tôi bình tĩnh trở lại, biến căn hộ chật hẹp trở nên rất ấm cúng, mọi người ở chung nên gắn bó với nhau hơn.
Về học vấn tôi thua anh rất nhiều, nhưng việc anh hay hỏi tôi về cách đối nhân xử thế trong công việc khiến tôi rất vui, hai vợ chồng vì thế hay nói chuyện tình cảm với nhau hơn. Sau này tôi mới biết anh hỏi là một chuyện, nhưng là bí kíp chồng dùng để vợ chồng tôi chia sẻ, trò chuyện, lắng nghe nhau nói... và yêu thương nhau hơn, vững bước trên hành trình hôn nhân hơn.
Tôi rất phục chồng vì từ một 'công tử bột' đã không nề hà làm thuê nhiều việc khác nhau, như đi dạy thêm, phiên dịch mùa vụ, có đợt anh giấu tôi đi chạy Grab... Khi tôi phát hiện được, anh bảo làm thế đã giúp anh học hỏi được rất nhiều, nhất là học cách cư xử với mọi người xung quanh rất nhanh, lại có tiền giúp vợ con.
Nhờ chồng tôi chăm chỉ, bản thân tôi nhẫn nhịn, thu vén, nên bây giờ gia đình tôi không còn phải lo lắng về bữa cơm hàng ngày, hay những khoản chi tiêu đột xuất khi bố mẹ chồng đau ốm. Anh đã nắm chắc tay tôi trên hành trình hôn nhân rất khó khăn, tuy không đến nỗi quá cực khổ, hay phải ra đường kiếm ăn từng bữa nhưng đã luôn duy trì cuộc sống cơ bản nhất để bố mẹ chồng không quá lo lắng, con cái vẫn được đi học, vợ chồng lại yêu thương nhau hơn.
Giờ thì cả nhà đã vui vẻ trở lại, con tôi được học hành chu đáo. Ảnh minh họa.
Giờ thì bố mẹ chồng tôi đã an vui với con cháu, thi thoảng còn về quê chơi. Cả nhà đã vui vẻ trở lại. Vậy đó bạn à, khi con người rơi vào tình cảnh éo le thì tự bản thân sẽ rút ra được bài học và những cơ hội để trưởng thành hơn. Vợ chồng tôi đã đi qua giai đoạn đầy biến động, nhưng gia đình hòa thuận nên mọi việc đều thành công. Nhưng trên hết là nhờ có 5 bí kíp để sống chung với nhau bình an trước mọi biến động, xin bật mí với các bạn như sau:
1. Chấp nhận sự khác biệt
Hai vợ chồng sinh ra ở hai môi trường khác nhau, giáo dục khác nhau… và có những người bạn và người thầy cũng khác… nên cách tư duy và nhìn nhận sự việc, cách đối nhân xử thế cũng rất khác nhau - khiến đối phương không hài lòng. Nhưng đã yêu thương nhau thì hãy chấp nhận điều đó, yêu luôn cả những điểm chưa hoàn hảo ở 'nửa kia'.
2. Không đòi hỏi bạn đời thay đổi: Những thói quen ăn uống, sở thích, lịch sinh hoạt… có thể tự thay đổi. Nhưng quan điểm sống và hệ giá trị cốt lõi thì vĩnh viễn không thể nào thay đổi được. Vì thế đừng ép buộc hay đòi hỏi đối phương phải thay đổi, mà bạn hãy thay đổi trước, và thế giới xung quanh cùng 'nửa kia' sẽ thay đổi theo bạn.
3. Yêu thương vô điều kiện: Hãy yêu thương nhau vô điều kiện và không đưa ra bất cứ một mong cầu hay đòi hỏi nào. Hãy cảm thông và bao dung với nhau, cùng nhau nhìn về một hướng đó là hạnh phúc, chứ đừng quay vào nhìn nhau để soi mói khuyết điểm của người kia. Hãy yêu và dành sự quan tâm cho bạn đời theo cái cách mà họ muốn và cần chứ không phải theo cách mà bạn muốn.
4. Tôn trọng, lắng nghe: Bản lĩnh của một người là biết lắng nghe. Cho dù bạn có không hiểu hay không đồng tình với những lý lẽ của bạn đời thì cũng đừng vội phản ứng ngay, hãy để cho họ được giãi bày hết. Hãy lắng nghe bằng thái độ tôn trọng, tuyệt đối không được hạ bệ hay xúc phạm đối phương. Có thể với bạn quan điểm đó là sai, phản khoa học… nhưng với sự hiểu biết và góc nhìn của đối phương nó lại là đúng. Khi yêu nhau thật lòng thì sự đúng sai không quan trọng bằng hạnh phúc.
Khi yêu nhau thì sự đúng sai không quan trọng bằng hạnh phúc.
5. Hãy biết điểm dừng: Cuộc sống hôn nhân sẽ thật tẻ nhạt nếu chúng ta không bao giờ nói gì với nhau, không bao giờ tranh luận gì, mỗi người theo đuổi những mối bận tâm riêng của mình.
Những cuộc tranh cãi sẽ là thứ gia vị tuyệt vời của hôn nhân nếu cả hai biết điểm dừng đúng lúc. Đừng để những cuộc tranh cãi nảy lửa dẫn đến bạo lực thậm chí là xa nhau. Tranh luận là đưa ra những lý lẽ để thuyết phục đối phương, theo một chiều hướng tích cực và lành mạnh. Nhưng tranh luận cũng phải có nghệ thuật 'thiện chiến' chứ không 'tuyên chiến', không đi quá giới hạn làm tổn thương đối phương. Và dù 'căng' mấy cũng cần đạt được mục đích là giải quyết vấn đề, giúp hai người hiểu nhau hơn, chứ không phải dẫn tới 'chiến tranh lạnh'.
Nhiều khi nếu vợ dùng vũ khí lợi hại nhất là sự dịu dàng và nước mắt thì ông chồng nào cũng không thể chối từ. Trong hôn nhân thế nào cũng xảy ra những va chạm về mặt ngôn từ. Hãy tĩnh tâm lắng nghe nhau một cách kiên nhẫn, phản hồi một cách tôn trọng thì có thể tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.