Đầu tháng 8, Hà Nội hanh hao vàng vọt và thấm hơi lạnh lưa thưa của những cơn mưa đột ngột. Trong phòng bệnh lớn ở tầng 5, toà nhà khoa Phẫu thuật tạo hình của Viện Bỏng Quốc gia (quận Hà Đông, Hà Nội), tôi quay lại đây là lần thứ mấy cũng không nhớ nữa. Mỗi lần đến viện nằm, ai cũng giật mình sợ hãi khi trông thấy tôi, bởi gương mặt và toàn thân bị biến dạng hoàn toàn, không còn hình hài của một người bình thường nữa.
Người ta cũng bị bỏng, nhưng đến rồi lại đi, chẳng mấy ai quay lại hết lượt này lượt khác như tôi. Và có lẽ, tôi còn gắn bó với nơi đầy mùi cồn y tế này một thời gian dài nữa...
Khuôn mặt này không còn là của người bình thường nữa, đến người lớn cũng rùng mình quay đi, lũ trẻ thấy tôi khóc thét cũng chẳng có gì lạ.
Những bệnh nhân ở tầng 5 Khoa Phẫu thuật tạo hình (Viện Bỏng Quốc gia) đều đã quen với việc tôi xuất hiện đều đặn ở đây.
Tôi chính là Nguyễn Thuỳ Dung (22 tuổi), người vợ xấu số bị chồng tưới xăng đốt vào đúng mùng 2 Tết Nguyên đán 2016 ở Quốc Oai (Hà Nội) khiến dư luận xôn xao phẫn nộ thời gian dài. Chắc nhiều người vẫn chưa quên tôi, vì không chỉ chính tôi mà dư luận cũng rất sốc khi nhìn thấy hình ảnh tôi bị huỷ hoại dung nhan do xăng cháy. Sau 6 tháng điều trị và 5 lần phẫu thuật kể từ sau ngày định mệnh ấy, hiện tại tôi vẫn đang phải chịu đựng những di chứng nặng nề cả tinh thần lẫn thể xác. Người chồng nhẫn tâm khiến tôi ra nông nỗi này mới bị bắt tạm giam, nhưng với tôi, giờ nó không quan trọng nữa. Tôi có nhiều việc khác đáng lo nghĩ hơn là dằn vặt về người đàn ông bạc bẽo đó, tôi đang cần thêm động lực để sống tiếp, đấu tranh với những vết sẹo còn lại chi chít khắp mình.
‘Giết vợ, đánh vợ xong thì xin lỗi.... Anh biết anh sai… Cho anh cơ hội... Đời người có cái mặt và 2 tay thì mất hết, sẹo đầy người, báo tử 2, 3 lần. May mà ko chết... còn cái gì nữa mà hối hận. Làm người chả biết có kiếp sau không, nhưng sống thế nào cho đời lâu dài tươi đẹp. Sao mà sống ác với nhau thế! Mong rằng các anh đừng ai giống chồng em nữa, đau nhiều lắm'…. |
Mẹ tôi tên Duyên, bà thường thẫn thờ khi cho mọi người xem những vết sẹo tràn lan trên cơ thể con gái.
6 tháng trôi qua rồi mà những tổn thương trên cơ thể tôi vẫn chưa lành hẳn, vết mổ này còn chưa cắt chỉ khâu.
Tôi cảm nhận được sự xót xa không cầm được nước mắt của mọi người, khi họ thấy vết tích trận thiêu sống kinh hoàng do người chồng tàn ác gây ra cho tôi.
Biết bao nước mắt tủi nhục, sợ hãi, tuyệt vọng và đau đớn đã tuôn rơi từ đôi mắt không còn nguyên vẹn nét trong sáng như trước. Từ một người mẹ trẻ xinh đẹp, chỉ trong khoảnh khắc tôi đã bị ngọn lửa nuốt chửng toàn thân, bỏng nặng khắp mặt, cổ, ngực, bụng, chân… Nụ cười rạng rỡ của tôi không còn nữa, thay vào đó là chuỗi ngày dài đau đớn, cô đơn, mất mát. Hôn mê 17 ngày mới tỉnh, biết mình sống là một phép màu, song điều đau đớn nhất, ám ảnh nhất với tôi là 2 đứa con gái bé bỏng đều không dám lại gần mình nữa. Đứa lớn 4 tuổi còn nhận ra giọng mẹ, nhưng đứa út thì khóc thét lên khi thấy khuôn mặt dị dạng kinh khủng của tôi. Còn nỗi đau nào nghẹn ngào hơn bằng tình mẫu tử bị chia ly như thế?
‘Đã 3 tháng nay em không được gặp lại con. 2 cháu gửi ông bà nội vì giờ bà ngoại túc trực chăm sóc em. Em không thể làm được việc gì cả, 2 tay chỉ còn duy nhất 2 ngón cử động được. Gọi điện, nhìn ảnh cũ của các con trong máy mà em rơi nước mắt, con gái lớn còn bảo mẹ ăn nhiều vào cho khoẻ, mau trở lại như ngày xưa'…
Gia cảnh nhà tôi ở xóm Mã Lại, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (Hà Nội) chẳng ai lạ gì. Bố mất năm tôi mới 9 tuổi, để lại 4 mẹ con vất vả rau cháo nuôi nhau qua ngày. Tôi còn 2 người anh trai đã trưởng thành và có gia đình riêng, nhưng cũng chẳng giàu có gì, lúc em gái gặp nạn, cả nhà đã huy động hết mọi thứ có thể để cứu tôi, và giờ lại dồn tất cả để chữa trị, khôi phục lại hình dáng cho tôi như ban đầu, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng trở nên bí bách hơn. Lúc mới gặp nạn, tôi nghĩ quẩn nhiều lắm, chỉ muốn kết thúc tất cả để không liên luỵ thêm đến người thân bạn bè, mình cũng không phải chịu tra tấn thể xác với trăm nghìn cơn đau kéo dài.
Hiện tại mọi sinh hoạt của tôi đều phải nhờ cậy mẹ ruột chăm sóc, hầu hết đều không thể tự làm như trước.
2 bàn tay giờ chỉ còn ngón giữa và ngón áp út bên phải cử động được.
Sau khi báo chí đưa tin được dư luận biết đến, rất nhiều nhà hảo tâm đã không ngần ngại quyên góp ủng hộ mẹ con tôi, vừa để trang trải sinh hoạt phí, vừa hỗ trợ phẫu thuật phục hồi cơ thể. Ngoài ra, PGS. TS Vũ Quang Vinh - Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình và TS. Nguyễn Minh Tâm – Chủ nhiệm Khoa tại Viện Bỏng Quốc gia đã nhận lời phẫu thuật trực tiếp 2 tay và khuôn mặt cho tôi, nên hiện tại, tinh thần tôi đã cải thiện tích cực hơn trước rất nhiều.
‘Giờ em không còn nghĩ ngợi lung tung đau buồn nữa. Mặc dù chỉ ngồi một chỗ không làm được gì, cũng buồn chán, nhưng có rất nhiều người nhắn tin gọi điện hỏi thăm, chỉ còn 2 ngón tay nên em cũng không trả lời mọi người hết được, em biết ơn sự quan tâm của mọi người lắm'. Tôi cố gắng tâm sự với mọi người, dù miệng tôi bị biến dạng nên phát âm khá khó khăn.
Bây giờ tôi đã đối diện được với sự thật, không còn suy sụp nữa, tôi vẫn ước ao mình có thể lấy lại gương mặt như xưa.
Rất nhiều bạn bè, người thân, và cả người xa lạ cũng quan tâm, chia sẻ nỗi đau nên tôi đã tự tin, hoà nhập hơn.
Nhìn ngắm con gái cố gắng nở nụ cười méo mó, mẹ tôi chỉ im lặng thở dài. Chính mẹ phải tận mắt chứng kiến con gái bị con rể tạt xăng đốt mà không thể cứu kịp, trở nên tàn tật xấu xí, tóc mẹ ngày càng bạc hơn với những đêm dài thức trắng, đau chung nỗi đau với đứa con gái bất hạnh. Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ đã tiến triển tốt hơn khi lá thư cầu cứu đến Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến được hồi đáp, các bác sĩ cũng nói rằng tôi có hi vọng lấy lại ngoại hình bình thường như cũ, nên cả nhà tôi đều lạc quan lên nhiều.
Nhất là tôi đã nói chuyện nhiều hơn, cười nhiều hơn với mọi người, không còn sợ sệt nghĩ quẩn, tránh mặt người lạ nữa. Đợi phẫu thuật lại tay chân mặt mũi, tôi dự định sẽ mở hàng quán nho nhỏ để ở nhà kiếm tiền sinh nhai. Ngày nào nhìn qua cửa sổ tôi cũng nuôi dưỡng niềm tin rằng mình sẽ tìm lại được gương mặt trẻ trung xinh đẹp như trước, những vết sẹo chằng chịt đỏ lòm như quái vật sẽ biến mất…
Chỉ ngại một điều, ngồi nói chuyện với ai tôi cũng phải gãi khắp người liên tục, vì những chỗ sẹo bỏng gần đây lên cơn ngứa suốt ngày, cứ bong từng mảng da con con như rắc phấn, chỗ nào có vẩy đều cậy hết sạch. Thậm chí, có lúc quá ngứa và nóng người, mẹ phải ngồi cạnh xoa từ đầu đến chân cho con gái đỡ khó chịu. Nhìn tôi ai cũng xót xa ngập đầy trong mắt, và tôi có thể cảm nhận được sự ái ngại của mọi người, vì toàn thân giờ chẳng còn chỗ nào nguyên vẹn, chỗ thì bỏng, chỗ thì bị cắt da để đắp lên vùng hoại tử.
Làn da mịn màng, trắng trẻo khi xưa đã bị thay thế bằng những mảng sẹo lồi lõm như rễ cây, màu nâu đỏ loang lổ. Mái tóc vốn dài mượt dịu dàng khoảng nửa năm trước đây, giờ bị cắt nham nhở, khô cứng. Nhưng bây giờ, tôi đã can đảm soi mình trong gương, dù diện mạo không khác gì chiếc mặt nạ bị hỏng, tôi cũng không muốn trốn tránh thêm nữa.
Các vết bỏng đã lành lại, song rất ngứa và khó chịu, phải xoa gãi liên tục.
Lúc bị chồng tạt xăng đốt, tôi đưa tay lên đỡ nên 2 bàn tay bị co rút biến dạng nặng nề, nhiều chỗ sẹo lõm có kẽ rất ngứa mà không làm gì được.
Khắp người chỗ nào cũng ngứa nên lắm lúc mẹ phải ngồi xoa giúp con gái.
Tôi quay lại nằm viện để thực hiện ca mổ tay phải lần đầu tiên vào tuần đầu tháng 8 này, vì tay phải tình trạng bỏng nhẹ hơn tay trái, bàn tay trái bị co rút biến dạng hoàn toàn không cử động ngón được nữa, song mấy lần hội chẩn các bác sĩ tại Khoa Phẫu thuật tạo hình Viện Bỏng Quốc gia đều nói rằng, tôi bị ‘mồm voi mũi bé' nên chưa thể mổ ngay, sợ gây mê xong không thở được, nguy hiểm, phải hoãn đi hoãn lại.
Đến sáng ngày 5/8 tôi mới vào phòng phẫu thuật, với tâm trạng vừa lo lắng vừa sợ hãi, nhưng tôi tự nhủ mình phải mạnh mẽ, cố gắng vì chính mình và vì những người luôn ở bên cạnh tôi suốt thời gian qua.
Ca phẫu thuật hồi phục tay phải của tôi đã thành công vào đúng 12h trưa ngày 5/8.
Mẹ vẫn luôn túc trực bên cạnh tôi, cùng với cô giáo cũ và người thân bạn bè khác, cầu nguyện mọi thứ suôn sẻ.
Dù rất sợ và lo lắng nhưng tôi sẽ dũng cảm tiếp tục phẫu thuật tay trái và toàn bộ khuôn mặt, để tìm lại dáng vẻ trước đây bị xăng thiêu huỷ.
Miệng của tôi ngày càng bị kéo nhỏ lại, lệch hẳn sang 1 bên, không ăn uống được bình thường, chỉ có thể mút nước và cơm có canh, thức ăn cắt nhỏ. Mũi biến dạng hoàn toàn, tịt hẳn 1 bên, còn 1 bên thì như cái lỗ nhỏ xíu, hô hấp khó khăn. Mắt phải gần đây bị kéo tụt xuống, ngủ không nhắm được, các cơ mặt cũng cứng lại, nhưng tôi vẫn vui vẻ và cười nhiều khi gặp gỡ mọi người.
Chiếc mũi bình thường giờ tịt hẳn 1 bên do di chứng bỏng mặt, còn miệng thì bị kéo lệch sang trái, nhỏ hơn trước, bác sĩ gọi là ‘mồm voi mũi bé'.
Tôi đã cởi mở, lạc quan hơn, trò chuyện với mọi người nhiều hơn khi được động viên thăm hỏi.
Sau đại nạn nửa năm trước, giờ tôi có thêm nhiều bạn bè từ khắp mọi miền đất nước qua facebook, mọi người biết tình cảnh nên tìm tôi, thường xuyên trò chuyện hỏi thăm, động viên tinh thần, nên mỗi ngày trôi qua cũng đỡ buồn tẻ hơn. Tôi cảm thấy mình may mắn vì gặp đại nạn vẫn gặp được cả trăm nghìn người tốt với mình. Nhiều người đến chạm vào những vết sẹo trên tay tôi, xoa cho tôi đỡ ngứa, làm tôi run rẩy xúc động trước tấm lòng của mọi người dành cho mình. Một cô gái chịu nhiều tổn thương uất ức như tôi, mấy lần từ cửa tử trở về, hi vọng cuộc đời sẽ đền đáp cho lòng tin của tôi xứng đáng. Tôi mới 22 tuổi mà thôi, còn cả tương lai, 2 đứa con, và bao nhiêu khát vọng của người phụ nữ vẫn dang dở...
Tôi vẫnn nuôi trong mình nghị lực sống ngày càng mạnh mẽ, không còn bi quan tuyệt vọng nữa.
Và điều đầu tiên tôi muốn làm sau khi phục hồi ngoại hình là được ôm ấp 2 đứa con yêu dấu vào lòng.
Trước hôm đi bệnh viện khám để mổ, cô bạn thân đã mua tặng tôi 2 chiếc quần dài để che đi những vết sẹo lồi lõm chằng chịt như ruộng bậc thang. Tôi không còn nép mình trong bóng tối với nỗi ám ảnh kinh hoàng về ngày bị chồng thiêu sống nữa. Tôi cũng đã quăng bớt gánh nặng trong lòng về người đàn ông tệ bạc ấy, không vương vấn gì, quyết tâm làm lại cuộc đời bằng việc đầu tiên là ly hôn đơn phương. Tôi đã được tiếp thêm nghị lực từ cộng đồng, bạn bè, người thân, có thêm niềm tin để chữa lành cơ thể, nuôi ước mơ một ngày nào đó các con sẽ lại chạy ùa vào lòng mình, được ôm ấp, cưng nựng chúng như trước…
(Ghi theo lời kể của nhân vật)