Cô dâu sượng sùng vì của hồi môn toàn đồ mỹ kí
Sau 7 năm yêu nhau, Xuân và Hùng mới làm đám cưới. Bố mẹ Xuân bàn bạc với nhau chuyện mua vàng cho con. Tuy nhiên, bố Xuân bảo: 'Mình có bao nhiêu thì cho bấ́y nhiêu, không phải cố làm gì rồi sau đám cưới của con lại nai lưng ra trả nợ thì không ra làm sao cả'.
Đừng biến của hồi môn thành một sự giả tạo, gánh nặng. Ảnh: TL
Nghe vậy, mẹ Xuân ậm ừ cho qua và không muốn con gái mình bị người đời chỉ trỏ là nghèo nên bằng mọi giá, bà nhất định sẽ tặng quà cho con trước khi về nhà chồng trước mặt tất cả các khách khứa một món quà giá trị.
Ngày cưới được tổ chức tại nhà hàng, khá nhiều quan khách đã phải trầm trồ, ngạc nhiên trước độ 'chịu chơi' của họ nhà gái khi hết anh chị em, rồi cô bác đua nhau lên sân khấu tặng dây chuyền, lắc tay, nhẫn bằng vàng cho Xuân. Đặc biệt, mẹ cô dâu còn tặng con gái một dây chuyền vàng to bằng ngón tay khiến mọi người xuýt xoa, ngưỡng mộ.
Đám cưới xong xuôi, sau khi kiểm đồ nữ trang quà tặng, chồng Xuân đã sốc nặng khi biết quà hồi môn của vợ đa phần là đồ mỹ ký. Còn Xuân thì sượng mặt với nhà chồng, mấy ngày sau khi cưới chỉ ru rú trong phòng vì xấu hổ.
Ở một câu chuyện khác, không đủ điều kiện lo cho con gái, vợ chồng bà Lan lại chọn cách đi mượn vàng để đeo cho con nhân ngày cưới, làm đẹp mặt gia đình và để con gái được dịp ngẩng cao đầu hãnh diện với nhà chồng.
Ở quê bà Lan có tục lệ khi con cái dựng vợ gả chồng phải cho con của hồi môn, ít nhất cũng phải có vài chỉ vàng. Nhà có ít cho ít, có nhiều cho nhiều, nhưng không bao giờ được phép cho con gái đi lấy chồng mà không cho quà hồi môn. Tục lệ này khiến gia đình bà Lan lo lắng.
Tính bà Lan lại đồng bóng, thích khoe khoang. Dù kinh tế gia đình chỉ bậc trung nhưng ai gặp bà lần đầu cũng ngỡ thuộc phu nhân nhà quyền quý. Bởi vậy, ngày cưới con, bà càng muốn thể hiện mình. Không đủ tiền để mua vàng trao cho con gái trong ngày cưới, bà nghĩ ngay tới người em gái làm ở tiệm vàng rồi tỉ tê mượn nữ trang đeo cho con.
Vì đồ đi mượn nên bà Lan không hạn chế, vung tay mượn bừa. Cũng chính vì dây chuyền, vòng tay, nhẫn, lắc quá nhiều nên khi bà Lan trao cho cô gái, nhà trai 'há hốc mồm' bởi sự hào phóng của nhà gái. Và ai cũng khấp khởi mừng vì chàng rể được sa 'chĩnh gạo'.
Tuy nhiên, ngay sáng hôm sau, cô dâu bất ngờ bị mẹ đẻ gọi điện thoại đòi lại số nữ trang đã 'tặng' để mang trả cho tiệm vàng. Và khi con rể bà Lan biết được sự thật, anh ta coi khinh nhà gái ra mặt. Có những hôm nhà vợ có giỗ, con rể cũng chả buồn về ăn cỗ.
'Mượn' của hồi môn là cách bán 'danh' rẻ rúng
Khi hay tin đứa con gái lớn báo tin lấy chồng, vợ chồng bà Lương Thị Loan mừng ra mặt nhưng cũng đượm buồn vì lo không có quà hồi môn cho con, sợ gia đình thông gia giàu có sẽ khinh con gái mình.
Thương con, cũng không muốn làm bẽ mặt con với nhà chồng, ông bà đã cầm cố sổ đỏ rồi đi vay nặng lãi để lo liệu đám cưới, mua quà hồi môn cho cô con gái.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, cho con của hồi môn ngày cưới không có một quy định cụ thể là cha mẹ phải trao cho con gái bao nhiêu và người con cũng không bắt buộc, đòi hỏi cha mẹ phải cho mình bao nhiêu.
Nhưng những chuyện như tặng của hồi môn bằng đồ 'giả', mượn của hồi môn cho con cái… đó là tầm nhìn thiển cận, sĩ diện hão. Có thể đó là một cách để các gia đình này đi 'mua danh'. Nhưng cách làm này sẽ vô tình bán đi cái 'danh' của mình một cách rẻ rúng theo kiểu 'mua danh ba vạn, bán danh ba đồng'.
Đôi khi chính những việc làm này khi để lộ ra lại làm gánh nặng cho con cái, nảy sinh mâu thuẫn vì cảm giác bị lừa dối. Hậu quả là những tranh cãi giữa gia đình hai thông gia, của chàng rể, mẹ vợ về số vàng giả đã cho và bị đòi lại... Điều đó vô tình làm mất đi niềm vui trọn vẹn của đám cưới và mất đi cả ý nghĩa của hôn lễ.
Bản chất của đám cưới là ngày vui, ngày hạnh phúc của một đôi trai gái chứ đừng chạy theo sự khoe mẽ. Những món quà mang tình cảm quan trọng hơn nhiều so với giá trị của nó. Hãy để của hồi môn như một kỷ niệm hay là vốn liếng để vợ chồng mới cưới làm ăn, đừng biến nó thành một sự giả tạo, gánh nặng.