Những cuộc hôn nhân khác quốc tịch luôn mang đến các câu chuyện thú vị. Đơn giản bởi ban đầu họ đến từ những nền văn hóa khác nhau, lớn lên trong môi trường khác nhau và đương nhiên nền tảng gia đình cũng khác nhau nữa.
Chuyện hòa nhập với tất cả để có cuộc sống hạnh phúc sau hôn nhân đâu phải dễ dàng gì. Tuy nhiên, tình yêu mà, chỉ cần hai bên cùng có lòng thì chẳng có gì là không thể cả.
Chuyện tình chàng trai Việt và nàng Palestine
Trịnh Xuân Thọ 27 tuổi, hiện đang sống ở Sydney. Vợ anh là Sara Jubran, 25 tuổi đến từ Palestine. Hai vợ chồng gặp nhau khi đang học và làm ở trường Đại học.
Thọ kể: 'Lúc đó gặp mới thấy vợ mình rất là đẹp, tính tình lại cool nữa. Sau một thời gian làm bạn thì mình thích vì cô ấy tốt tính, có lòng nhân ái và thích quan tâm đến tất cả mọi người. Bà xã mình hay làm tình nguyện lắm nên mình khá hâm mộ cô ấy'.
Từ những điều đáng yêu đó, Thọ mới dần dần tìm hiểu thêm về Sara rồi cả hai nảy sinh tình yêu. Họ dần dần xác định nghiêm túc với mối quan hệ nên đã quyết định nói chuyện, ra mắt với hai bên gia đình.
'Khoảng 2 năm trước thì bọn mình ra mắt cả hai bên. Lúc đó cũng có vài vấn đề lăn tăn nhưng hai đứa chứng minh được tình cảm của mình. Từ vấn đề khác biệt truyền thống, ngôn ngữ cũng dần dần hòa hoãn hơn. Bởi vậy, gia đình đã đồng ý cho tụi mình đính hôn vào tháng 4/2019 và kết hôn vào tháng 1/2020', Xuân Thọ kể tiếp.
Xuân Thọ và vợ trong hôn lễ.
Thời điểm ấy, Xuân Thọ muốn kết hôn với cô gái người Palestine vốn có văn hóa khác biệt với Việt Nam rất nhiều. Điều đó khiến bố mẹ anh không khỏi lăn tăn.
'Đương nhiên có những định kiến của ba mẹ chứ. Ví dụ như Sara không phải người Việt, văn hóa ngôn ngữ đều bất đồng. Mình lại là con trai một nữa. Tuy nhiên, mọi chuyện dần dần ổn thỏa hết cả.
Gia đình vợ thì hài lòng vì mình có việc làm, tài chính ổn định. Cái chính là mình thật lòng yêu thương bà xã. Bây giờ nhà vợ cũng coi mình như con cái trong nhà', Thọ tâm sự.
Lấy một cô vợ người Palestine đương nhiên cũng có nhiều vấn đề. Ngoài chuyện văn hóa hay ngôn ngữ thì ẩm thực cũng là điều đáng nhắc tới. Ở Việt Nam có nhiều món ăn mà đất nước của Sara hay Australia đều không có.
Thọ kể tiếp: 'Lúc Sara về Việt Nam và đi ăn cùng gia đình mình. Hôm đó mọi người có gọi món ếch. Mình có mời cô ấy ăn thử.
Sara đáp luôn rằng không đời nào ăn dù thế nào đi chăng nữa. Lúc sau mẹ mình không biết nên có bảo cô ấy ăn đi. Mình mới trêu rằng mẹ bảo thì phải ăn không là mẹ giận. Đấy là mình đùa thôi chứ mẹ mình dễ lắm. Nhưng Sara nghe vậy nên ăn luôn với mẹ. Ăn xong lại khen ngon mặc dù vẫn sợ món ếch đấy chứ.
Ngoài ra cô ấy cũng thích ăn củ hành tím ngâm mà Tết người ta hay làm. Cả nhà chỉ có mình và ba ăn được nên ba thấy con dâu hợp tính lại rất vui. Hôm sau mẹ mình mua thêm mấy kg về ngâm cho bà xã ăn và đem theo luôn sang Sydney nữa'.
Bố mẹ Thọ vẫn đang ở Biên Hòa, bởi vậy giao tiếp với con dâu đều do Thọ làm thông dịch hết cả. Sara cũng cố gắng học tiếng Việt để giao tiếp nhiều hơn với bố mẹ và gia đình chồng.
Hôn lễ đầy màu sắc văn hóa hai nước
Đám cưới của Thọ và Sara được tổ chức tại Đồng Nai theo lễ truyền thống của Việt Nam là chính. Cô dâu cũng mặc áo dài như một nàng dâu Việt thứ thiệt.
'Mình làm lễ gia tiên và tiệc nhà hàng có pha lẫn cả nghi thức của Palestine nữa. Vợ mặc trang phục truyền thống của cả hai nước. Bà xã thích áo dài và cũng là người tìm tòi, yêu cầu thiết kế chiếc áo dài mà cô ấy mặc hôm làm lễ gia tiên', Thọ chia sẻ.
Hình ảnh cô dâu Sara trong trang phục cưới của Palestine và Việt Nam.
Đó là một đám cưới rất vui vẻ của Thọ và Sara khi hội tụ đông đảo các anh em, bạn bè từ khắp nơi trên thế giới về dự đám cưới.
Thọ nhớ lại: 'Hôm đó cha mẹ, anh chị và cháu trai, cháu gái, bạn bè của bà xã có khoảng 25 người từ Australia, Jordan và Dubai về tham dự đám cưới. Họ rất thích sự trang trọng của hôn lễ và sự tiếp đón của gia đình. Mọi người cảm thấy người Việt rất hiếu khách bởi sau đám cưới, họ đã ở lại 2 tuần để đi du lịch Sài Gòn, Củ Chi và miền Tây'.
Dàn bê tráp của cả nhà trai và nhà gái đều rất đặc biệt.
Hiện tại, Thọ và Sara đã quay về Sydney sinh sống. Bố mẹ vợ anh cũng chuyển qua Australia định cư từ lâu. Cuộc sống của hai vợ chồng rất hạnh phúc.
'Nói chung điều khó khăn nhất có lẽ là khác biệt về văn hóa mà nhiều khi mình không để ý tới. Có những lúc mình hành động theo suy nghĩ của người Việt nhưng vô tình không biết nó lại chẳng phù hợp với người Palestine và ngược lại. Những lúc vậy cả hai không biết mình làm gì sai khiến người kia không vui. Bọn mình đã phải nói chuyện nhiều để hiểu và tôn trọng nhau hơn', Thọ chia sẻ.
Trong cuộc hôn nhân của hai vợ chồng, nguyên tắc lớn là sự tôn trọng dành cho nhau. Bất cứ vấn đề gì xảy đến cũng không được làm gì ảnh hưởng đến điều ấy.
Thọ tâm sự: 'Khác biệt về văn hóa là điều không thể tránh khỏi. Cả hai lúc nào cũng phải thoải mái chia sẻ về mọi thứ và giao tiếp thường xuyên về mọi vấn đề. Hai vợ chồng cũng biết tha thứ để cho nhau có cơ hội xây dựng cuộc sống hôn nhân bền vững hơn'.
Vậy mới nói, chẳng có khoảng cách nào là không lấp đầy được. Hãy cùng chúc cho cuộc hôn nhân này sẽ thật bền vững, hạnh phúc nhé!