Một mực xin giảm án cho người chém mình trọng thương
Trao đổi với phóng viên, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, có thể nói mỗi vụ án lại có mỗi nội dung, tình tiết, động cơ gây án, hoàn cảnh xảy ra, thái độ tâm lý của những người trong cuộc… khác nhau. Nhưng nhìn lại tất cả các vụ án ông tham gia với tư cách luật sư, đều có những điểm chung khiến chúng ta không thể không băn khoăn, day dứt.
'Đa số những vụ án này đều xuất phát từ nguyên nhân mâu thuẫn tình cảm, ghen tuông; người gây án và nạn nhân hầu hết đều là những người có tuổi đời còn rất trẻ, có những vụ án mà cả hai chỉ mới ở độ tuổi 20-30, thậm chí có những người thuộc nhóm đối tượng chưa thành niên.
Trong những vụ án này, thủ đoạn, hành động của người phạm tội cũng rất manh động, tàn nhẫn; họ thẳng tay gây án mà không suy nghĩ đến hậu quả phải gánh chịu', luật sư Phạm Thanh Bình bày tỏ sự ái ngại.
Có thể kể đến trường hợp bị cáo Đào Viết B ở Lạng Sơn. Trong quá trình làm việc chung cùng cơ quan, Đào Viết B và chị L.A nảy sinh tình cảm bất chính mặc dù cả 2 người đều đã có gia đình riêng.
Khi chị M (vợ anh B) phát hiện và yêu cầu anh chấm dứt mối quan hệ với chị L.A, anh B đã kiếm cớ gây gổ với chị M, đánh đập, chửi bới vì cho rằng vợ không có công việc ổn định mà chỉ ở nhà nuôi con, ăn bám chồng nên không có quyền lên tiếng.
Luật sư Phạm Thanh Bình lần giở hồ sơ những vụ án giết người vì ghen tuông, tình ái mà ông từng tham gia bào chữa.
Trong một lần cãi vã, B đã lấy dao nhọn trong bếp chém vào đầu và đâm vào bụng chị M nhiều nhát. Do được cấp cứu kịp thời nên chị M không chết, nhưng thương tích cơ thể tới 65%. B bị khởi tố về tội giết người (chưa đạt).
'Như trở về từ cõi chết, chị M cảm thấy rất may mắn bởi được hàng xóm can ngăn và đưa đi cấp cứu kịp thời. Khi được hỏi chị suy nghĩ như thế nào đối với hành vi của anh B, chị M vẫn rất khoan dung khi cho rằng bản chất của chồng không phải là người như thế. Nguyên nhân một phần là do chị thất nghiệp, ở nhà nuôi con, gánh nặng kinh tế do một mình B giải quyết nên mới dẫn đến những hành vi cực đoan trên.
Dù được vợ xin giảm án, HĐXX đã cân nhắc các tình tiết của vụ án, tuyên phạt B 9 năm tù về tội Giết người (chưa đạt), nhưng bản án lương tâm đối với B còn khủng khiếp hơn rất nhiều lần khi các con biết bố mình từng muốn cầm dao giết mẹ chúng.
Một vụ án khác cũng khiến vị luật sư dày dạn kinh nghiệm bị ám ảnh bởi quan niệm 'không yêu thì đạp đổ', tìm mọi cách để hạ nhục, bôi xấu rồi giết chết người từng là vợ mình. Đó là trường hợp Nguyễn Văn T và chị Y, họ kết hôn với nhau năm 2007, đến 2019 thì ly hôn.
Sau khi ly hôn, do vẫn bực bội về những mâu thuẫn trong quá trình sống chung, T nảy sinh ý định lập một tài khoản facebook giả mạo chị Y nhằm mục đích đăng bài, hình ảnh không đúng sự thật gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm chị Y.
T tìm một số hình ảnh người phụ nữ khiêu dâm có đặc điểm giống chị Y trên mạng internet rồi đăng facebook 'Ngô Thị Y' kèm một số bài viết với nội dung thể hiện chị Y là gái bán dâm, nhận đi khách qua đêm, trong đó có số điện thoại mà chị Y đang sử dụng.
Chị Y phát hiện nên đã đến trình báo tại cơ quan chức năng. Bị điều tra, T đã đến nhà chị Y đòi chị phải rút đơn tố cáo, chị Y không nghe, T liền dùng gậy đánh liên tiếp vào đầu, vào người vợ cũ làm chị Y tử vong. Kết quả là Nguyễn Văn T đã bị tòa tuyên phạt 20 năm tù.
Tuổi đời rất trẻ nhưng hành vi hết sức độc ác, tàn nhẫn
Điểm lại hàng loạt những vụ án cuồng ghen xảy ra trong những năm gần đây, luật sư Phạm Thanh Bình nhận định, tình trạng tội phạm do ghen tuông ngày càng gia tăng; tính chất, hậu quả của những vụ án này cũng ngày càng nghiêm trọng.
Điển hình nhất là những vụ án trong thời gian gần đây như giết người tình rồi chở xác đến công an đầu thú; chém lìa 2 tay vợ vì ghen tuông hay vụ đâm chết tình địch, bắt cóc bạn gái …. Trong những vụ án này, đặc điểm chung là người phạm tội có tuổi đời còn rất trẻ nhưng hành vi phạm tội lại hết sức độc ác, tàn nhẫn. Họ sẵn sàng tước đoạt tính mạng của người từng yêu, từng đầu ấp tay gối với mình mà không màng đến hậu quả phải gánh chịu.
Theo Luật sư Bình, có nhiều nguyên nhân gây nên những vụ án mạng ghen tuông gần đây với mức độ ác độc, man rợ hơn. Đầu tiên nhất là do hiện tượng tiêu cực xã hội gia tăng, đạo đức xã hội biến động, diễn biến theo chiều hướng xấu đang là môi trường tác động vào nhận thức, lối sống của con người.
Mạng xã hội ngày càng phổ biến với nhiều loại thông tin, trong đó các hành vi bạo lực tràn lan đã tác động đến nhận thức và nhân cách của con người; nếu người dùng không biết chọn lọc thì sẽ dễ dàng bị tiêm nhiễm và ảnh hưởng bởi các nội dung bạo lực, dẫn đến việc thực hiện hành vi bạo lực một cách dễ dàng, không quan tâm đến hậu quả cũng như sự trừng phạt của pháp luật.
Nguyên nhân tiếp theo là những trò chơi điện tử bạo lực với những cảnh bắn súng, chém giết; trên những kênh phim nước ngoài phát trên truyền hình hằng ngày cũng đầy rẫy hành động bạo lực, rồi trên một số tờ báo cũng coi chủ đề tội phạm, bạo lực như một hình thức câu view...
Những hiện tượng đó khiến con người ta cảm thấy tội phạm dường như đã được 'bình thường hóa' và tâm lý đó đã làm cho khoảng cách giữa hành động bạo lực trong phim và hành động phạm tội ngoài đời thực trở nên gần nhau hơn, dễ làm, dễ bắt chước hơn.
'Mặc dù những vụ án giết người do ghen tuông thường là hệ quả của mâu thuẫn tích tụ từ trước nhưng cũng thường bột phát nên rất khó phát hiện để ngăn chặn. Tuy nhiên, để đấu tranh có hiệu quả, hạn chế loại tội phạm này, chúng tôi cho rằng cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức và tuyên truyền pháp luật cho mọi đối tượng, đồng thời đề cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong việc phát hiện, xử lý, hóa giải các mâu thuẫn từ cơ sở.
Ngoài ra, bên cạnh việc đưa ra xét xử nghiêm minh người phạm tội thông qua việc tổ chức các phiên tòa công khai để tuyên truyền, giáo dục và răn đe… Có làm được đồng bộ các giải pháp này mới có thể từng bước giảm thiểu được các vụ án giết người vì ghen tuông như đã xảy ra những năm gần đây', Luật sư Phạm Thanh Bình kiến giải.