Tại sao có những cặp vợ chồng đã từng yêu nhau bằng trời, bằng biển rồi lại để yêu thương ấy thành nước chảy, mây trôi? Vì tình yêu của ngày ấy không đủ lớn hay bao dung của ngày hôm nay không đủ nhiều? Thế mà họ cứ dễ dàng nói ra 2 chữ 'tha thứ' sao mà nhẹ nhàng thế, trong khi lòng người đã cuộn sóng từ lâu.
Vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng cà phê Trung Nguyên đã kết thúc nhưng những dư âm của nó để lại cứ dằng dặc lòng người. Người ta nghĩ nhiều hơn về những tranh chấp miệt mài của ông Vũ bà Thảo, người ta thấy xót xa sau mỗi gương mặt chẳng hề vui vẻ dù mình đã dành phần thắng.
Tôi không muốn so sánh quá nhiều về chuyện của vợ chồng cà phê Trung Nguyên bởi sự so sánh nào cũng sẽ là khập khiễng khi ta không sống trong hoàn cảnh của họ. Nhưng tôi nhớ đến câu chuyện của vợ chồng ông chủ Tân Hiệp Phát.
Vợ chồng ông chủ Tân Hiệp Phát.
Bà Phạm Thị Nụ và ông Trần Quý Thanh cưới nhau năm 1979, khi đất nước còn đang rơi vào chiến tranh biên giới Tây Nam. Ngày mang bầu ở những tháng sắp sinh bà Nụ vẫn phải chạy lên núi Bà Đen, Tây Ninh để buôn đường. Có những ngày mệt quá, yếu sức bà ngã cả xuống mương vậy mà không nói với chồng 1 tiếng, bởi chỉ cần ông Thanh biết, bà sẽ không được đi bán hàng nữa.
Cho đến khi những đứa con lần lượt được sinh ra, công việc của ông Thanh càng trở nên bận bịu, cả 3 đứa con do 1 tay bà Nụ chăm bẵm, dạy dỗ. Không những không trách móc gì chồng mà bà Nụ còn quan tâm đến sức khỏe của ông từng tí. Từ là lượt những chiếc áo hàng ngày cho ông đi làm đến bón từng thìa cháo lúc ông say xỉn. Bà bảo, uống nhiều mà không ăn là hại gan, hại dạ dày. Rồi hết ngày này qua tháng khác, bà Nụ lo mọi việc hậu cần cho chồng, không bao giờ than vãn 1 lời.
Đằng sau mọi sự thành công hay thất bại của ông chủ Tân Hiệp Phát luôn có bóng hình người vợ, người đồng cam cộng khổ, sẵn sàng hi sinh để chồng 'vươn ra biển lớn'. Chính con gái của ông Thanh bà Nụ đã mở đầu cuốn tự truyện của mình bằng 1 câu: 'Đã có lần tôi từng nghẹn ngào bảo má: 'Li dị ba đi. Má định sống khổ như thế cả đời à?''. Thử hỏi có gia đình nào 'bất hạnh' đến mức con xui cha mẹ bỏ nhau hay do người cha ấy đã có tội quá lớn rồi?
Đúng như lời cô con gái ấy - nhân chứng sống chứng kiến mẹ cô đã vất vả khổ sở thế nào, chỉ cần 1 từ 'buông' để người phụ nữ có thể 'sống cuộc đời hạnh phúc của riêng mình' nhưng bà Nụ lại không chọn cách ấy. Bà vẫn tiếp tục kiên định với lựa chọn của năm ấy, vẫn tin tưởng người chồng ấy và tìm cách thay đổi suy nghĩ của các con về cha chúng.
Nói vậy không có nghĩa bà Nụ chấp nhận cam chịu khuất bóng sau chồng. Bà vẫn có 'quyền lực mềm', thứ quyền lực tối cao mà không dễ gì vợ các doanh nhân có được. Là hậu phương vững chắc, là cánh tay đắc lực của chồng, là linh hồn của nhà máy, cái quyền lớn nhất và giá trị nhất mà bà Nụ có được là chỗ đứng bất diệt trong lòng ông Thanh.
Gia đình hạnh phúc của ông chủ Dr Thanh.
Tôi lại nhớ đến câu hỏi của ông Vũ tại phiên tòa cuối cùng ngày hôm qua: 'Một người phụ nữ hiện đại là có thể ngỗ ngược những điều phải đạo sao?'. Và để minh chứng cho câu nói ấy, người đàn ông quyền lực nhất Trung Nguyên cũng không ngại 'vạch áo cho người xem lưng': '5,6 năm, Qua đã nhún nhường rồi. Trước đây Qua từng khuyên vợ của mình: thôi hãy lui về đi, ở nhà nuôi dạy con cái, sắp đặt lại nhà cửa, còn với bản thân cô thì học yoga, học thiền đi để lấy lại vóc dáng ngày xưa, mình có năng khiếu thì đi học thêm hội hoạ hay âm nhạc để phong phú tâm hồn. Còn tiền thì mình quá nhiều rồi, nếu còn thời gian thì thành lập 1 cái doanh nghiệp nào đó để kinh doanh'. Thế chẳng phải là cuộc sống đáng mơ ước của nhiều người phụ nữ sao?
Tôi đồng ý với quan điểm của người phụ nữ hiện đại, độc lập, tự chủ trong mọi phương diện. Thế nhưng đừng lấy cái hiện đại đó ra mà đánh đồng với những thứ vượt quá sức mình, với những thứ không hề phù hợp với gia đình mình. Người phụ nữ hiện đại chỉ đáng được nhận 2 chữ đó khi họ thành công trên thương trường, đảm đang ở hậu trường và không bao giờ biến mối quan hệ vợ chồng thành chiến trường.
Đàn ông phái mạnh, đàn bà phái yếu đã trở thành quy luật muôn đời. Đừng nhầm lẫn giữa bình đẳng giới và trật tự vợ chồng. Không quá máy móc hay cổ hủ ở phạm vi vợ phải ra vợ, chồng phải ra chồng thế nhưng, đã là đàn ông thì nên ôm chí lớn, còn bao dung hãy phần phụ nữ lo. Nếu phụ nữ ngay từ đầu đã tạo dựng 1 tổ ấm vững chắc thì không lo gì người đàn ông của mình thay đổi.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Bấy lâu phụ nữ chúng ta cứ nghĩ điều đáng sợ nhất là chồng ngoại tình nhưng sự thật không phải thế. Hơn cả kẻ thứ 3 xuất hiện đó là trạng thái chết trong trong 1 cuộc hôn nhân: chết cảm xúc, chết tiếng nói, chết yêu thương và chính vợ chồng cũng nhìn nhau chẳng khác nào vật không tồn tại. Chồng ngoại tình thì các chị còn có mục tiêu mà nhắm đến còn vợ chồng đã vô cảm với nhau thì cách nào cứu được, có khác gì bát nước hắt đi. Thế nhưng một ông chồng tham việc, 1 ông chồng vì nuôi chí lớn mà trót bỏ bê vợ con còn dễ cứu vãn hơn một gã chồng đã phải lòng đàn bà khác.
Một người phụ nữ bình thường thì chỉ biết bếp núc, con cái đơn thuần còn người vợ khôn ngoan sẽ biết âm thầm đứng sau chồng mà không mất đi uy lực của mình. Phụ nữ thông minh sẽ hiểu được lúc nào cần thể hiện cái tôi và lúc nào thích hợp để ẩn nó vào bên trong, lúc nào cần tiến lên đủ tỏa sáng và lúc nào lui về dưới bóng chồng. Biết vừa và đủ cuộc sống sẽ sung túc, tình yêu tràn đầy mà lòng lúc nào cũng được thanh thản, an yên.
Vậy nên, trước khi để cuộc hôn nhân của mình rơi xuống vực thẳm, trước khi phải đi chữa bệnh thì hãy học cách phòng bệnh, tiêm thuốc bổ cho cuộc hôn nhân của bạn. Hạnh phúc lớn nhất của người đàn ông là tìm được người phụ nữ biết sẻ chia, cảm thông và hiểu họ cần gì, nhưng hạnh phúc lớn nhất của người vợ chính là việc chồng có thể nhận ra và trân trọng những giá trị của mình.
Tôi xin kết lại bằng 1 câu nói của nhà biên kịch người Mỹ, Woody Allen: 'Đàn ông phải học cách yêu thương người phụ nữ đã lôi cuốn họ. Còn phụ nữ phải học cách lôi cuốn người đàn ông mà họ yêu thương'. Còn vận mệnh tình yêu của bạn thế nào đều nằm trong tay bạn, do chính bạn định đoạt.