Một nghiên cứu công bố hồi tháng 3 đã tìm hiểu về cách đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống tình dục và những thay đổi về ham muốn cũng như hành vi tình dục do phong tỏa, giãn cách xã hội.
Nghiên cứu do Đại học Bournemouth phối hợp với Đại học Roehampton (Vương quốc Anh) dẫn đầu, được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Tình dục.
Nghiên cứu được dẫn đầu bởi Tiến sĩ Liam Wignall, Giảng viên Tâm lý học tại Đại học Bournemouth, và Giáo sư Xã hội học tại Đại học Roehampton, ông Mark McCormack. Cả hai đã cùng nhau khảo sát 565 thanh niên ở Anh vào thời kỳ Anh có các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất.
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống tình dục như thế nào? (Ảnh minh họa)
Kết quả là: Những người tham gia nhìn chung ít thực hiện các hành vi tình dục hơn trong thời gian phong tỏa. Các hành vi tình dục được xét đến bao gồm thủ dâm, xem phim 'nóng', quan hệ tình dục với bạn tình.
Phụ nữ đã giảm đáng kể mức độ ham muốn tình dục trong thời gian phong tỏa, nghiên cứu cho thấy. Tuy nhiên, nam giới có nhiều hoạt động tình dục hơn so với phụ nữ.
[Đọc thêm: WHO vạch ra hai kịch bản COVID-19 ở Châu Á - Thái Bình Dương]
Tiến sĩ Wignall chia sẻ trên website chính thức của Đại học Roehampton:
'Tất cả các biện pháp kể từ tháng 3 năm ngoái đã hạn chế các tương tác xã hội và trên thực tế đã ngăn cản các hoạt động tình dục thông thường.
'Chúng tôi có thể thấy từ dữ liệu của mình rằng hầu hết mọi người dường như đang tuân thủ các quy tắc phong tỏa, với sự sụt giảm đáng kể các hành vi tình dục trên diện rộng.
'Tuy nhiên, có một tác động đến cảm giác hạnh phúc - những phụ nữ muốn quan hệ tình dục bình thường nói điều này có tác động tiêu cực đáng kể đến hạnh phúc của họ'.
Tiến sĩ Wignall nói thêm có những tác động khác đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, vốn đã bị hạn chế trong thời gian phong tỏa. Điều này dẫn đến giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ liên quan đến các vấn đề như bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn.
Mark McCormack, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Roehampton, nhận xét: 'Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy phong tỏa có tác động thực sự đến đời sống tình dục và ham muốn tình dục của thanh niên, đặc biệt là việc họ tham gia vào ít hoạt động tình dục hơn nói chung'.
Giáo sư nói rằng nghiên cứu 'nêu bật những khác biệt quan trọng theo giới tính'.
'Ví dụ như phụ nữ cho biết việc phong tỏa có tác động tiêu cực lớn hơn nhiều đến cảm giác hạnh phúc của họ, điều này cần được chú ý hơn nữa', giáo sư McCormack nói.
'Tác động của các quy định hạn chế lên đời sống tình dục ít khi nhận được sự quan tâm từ các nhà hoạch định chính sách trong năm qua, điều này sẽ cần được giải quyết khi chúng ta thoát khỏi tình trạng phong tỏa và xem xét những hậu quả liên quan đến sức khỏe tình dục'.
Theo một nghiên cứu khác công bố hồi tháng 5, cứ 10 người Anh thì có 4 người không làm 'chuyện ấy' với bạn đời của họ trong hầu hết đại dịch COVID-19 – và hầu hết mọi người đều nói nguyên nhân là làm việc tại nhà.
Trong nghiên cứu, gần 80% những người đã kết hôn cho biết bạn đời của họ không bao giờ 'khởi xướng' quan hệ tình dục. Đọc toàn bộ kết quả nghiên cứu tại đây.
(Nguồn: Website chính thức của Đại học Roehampton)
Quan hệ tình dục có tiềm ẩn nguy cơ nhiễm COVID-19 không?
Bác sĩ William F. Marshall III đến từ Phòng khám Mayo (Mỹ): 'Tất cả các tiếp xúc gần (trong vòng 2 mét) với người nhiễm COVID-19 có thể khiến bạn tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 - cho dù bạn có tham gia hoạt động tình dục với họ hay không.
Virus lây lan qua các giọt bắn đường hô hấp được tiết ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Những giọt bắn này có thể được hít vào, rơi vào miệng hoặc mũi của người gần đó. Tiếp xúc với nước bọt của người bệnh qua việc hôn hoặc các hoạt động tình dục khác có thể khiến bạn tiếp xúc với virus.
Trên da và đồ dùng cá nhân của người nhiễm COVID-19 cũng có thể có các giọt bắn đường hô hấp này. Bạn có thể nhiễm virus khi chạm vào những bề mặt này và sau đó sờ lên miệng, mũi, mắt của mình.
Ngoài ra, SARS-CoV-2 còn có thể lây lan qua tiếp xúc với phân. Bạn có thể nhiễm virus từ các hoạt động tình dục mà khiến bạn tiếp xúc với phân.
Hiện chưa có bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 lây truyền qua tinh dịch hoặc dịch âm đạo, nhưng virus đã được phát hiện trong tinh dịch của những người đã mắc COVID-19 hoặc đang hồi phục từ COVID-19. Cần nghiên cứu thêm để xác định xem liệu SARS-CoV-2 có thể lây truyền qua đường tình dục hay không.'