Virus tấn công cả cơ quan sinh dục?
Theo bác sĩ Hà Ngọc Mạnh – Chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ, Hà Nội, Covid-19 không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ toàn thân mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ tình dục.
BS Mạnh cho biết thời gian gần đây số bệnh nhân suy giảm tình dục sau nhiễm Covid-19 rất nhiều, nhiều người đã tìm tới bác sĩ xin tư vấn cả trực tiếp và online. Đa số họ mắc các trục trặc về quan hệ tình dục.
Ví dụ như trường hợp của một bệnh nhân tại Hà Nội, anh mắc Covid-19 tại TP.HCM khi đi công tác và phải lưu lại tại TP.HCM, đến giữa tháng 10 bệnh nhân mới ra Hà Nội. Dù mắc bệnh từ tháng 8 nhưng bệnh nhân trẻ này cho biết sau khi khỏi bệnh anh thường xuyên rơi vào tình trạng 'trên bảo dưới không nghe'.
Trong thời gian điều trị Covid-19, bệnh nhân này phải thở oxy qua mask, 3 ngày sau đó hồi phục. Khi ra viện bệnh nhân có triệu chứng khó thở sau đó cải thiện nhiều hơn nhưng sức khoẻ tình dục bị ảnh hưởng trầm trọng. Kiểm tra cho bệnh nhân bác sĩ cho biết bệnh nhân này bị rối loạn cương.
Hay một cặp vợ chồng khác gọi điện thoại liên tục cho bác sĩ hỏi hai vợ chồng đều là F0 và từ sau khi điều trị xong Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 2 tại TP.HCM thì họ không còn cảm xúc ân ái, dù hai vợ chồng mới ngoài 30 tuổi.
BS Mạnh cho biết sau khi nhiễm Covid-19 các nghiên cứu chỉ ra rằng người bệnh sẽ bị ảnh hưởng cả về mặt sức khoẻ nói chung và cả sức khoẻ tình dục.
Ảnh minh hoạ.
Có hai lý do khiến chuyện ấy suy giảm:
Thứ nhất, nguyên nhân do cơ chế lây bệnh của virus SARS-CoV-2 với cơ thể của nam giới lây theo tế bào vật chủ có các thụ cảm thể ACE2. Trên màng tế bào nhiều thụ thể này, các tế bào đặc biệt sinh tinh, mô tinh hoàn cũng thụ thể này và virus có thể gây ảnh hưởng tới tế bào này.
Thứ hai, khi mắc bệnh cấp tính thì sức khoẻ toàn thân suy giảm, khả năng hô hấp suy giảm và khả năng tưới máu tới dương vật cũng suy giảm.
Đối với nữ giới, sau khi nhiễm Covid-19 cũng bị tổn thương do các mô ở buồng trứng, tử cung cũng có thụ thể ACE2 nên vẫn bị ảnh hưởng về vấn đề sức khoẻ tình dục.
Virus còn gây tổn thương cả ở mạch máu nhỏ nên sau nhiễm bệnh Covid-19 phải mất 3 – 6 tháng mới hồi phục lại, hoạt động tình dục mới trở lại bình thường nhưng cũng có người cần nhiều thời gian.
Nhiều bệnh nhân sau khi tiếp xúc với môi trường điều trị, họ chứng kiến người bệnh cạnh mình trở nặng hoặc tử vong rất nhiều vì vậy không ít người bị ảnh hưởng bởi tâm lý. Bởi vì có nghiên cứu chỉ ra rằng người nhiễm Covid-19 có thể mắc các bệnh lý tâm thần trong 6 tháng tiếp theo vì vậy cần phải theo dõi điều trị từ sớm khi có các dấu hiệu stress, trầm cảm.
Âm tính xong cần kiêng bao lâu?
Bệnh nhân Covid-19 ho hoặc hắt hơi, họ có thể lây truyền virus cho người khác trong khoảng cách 2 mét trở lại. Virus cũng có thể lây lan nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch niêm mạc, chất thải (phân, nước tiểu) của người bệnh. Tuy nhiên Covid-19 lại không được tìm thấy trong tinh dịch hay dịch âm đạo. Các chủng virus gần như không lây truyền qua đường quan hệ tình dục nhưng F0 vẫn phải kiêng thời gian nhất định.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế khi mắc Covid-19 đã âm tính vẫn cần theo dõi thêm 14 ngày để đảm bảo sức khoẻ và giảm nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, cựu F0 cũng cần đảm bảo tránh nguy cơ lây nhiễm cho vợ, chồng, bạn tình. BS Mạnh cho rằng tốt nhất là khoảng 30 ngày sau nhiễm mới nên quan hệ tình dục trở lại.
Khi quan hệ tình dục trở lại cần kiểm tra lại sức khoẻ toàn thân có đảm bảo quan hệ tình dục trở lại không. Khi khởi động lại có thể gặp hiện tượng xuất tinh sớm, rối loạn cương thì cần bình tĩnh, có các bài tập liên quan Cardio liên tới tim mạch, duy trì hoạt động tình dục tốt hơn. Chế độ dinh dưỡng, vận động phải hợp lý. Khi gặp tình trạng này kéo dài có thể tới các cơ sở chuyên khoa để được tư vấn rõ ràng.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.224.110 ca nhiễm nCoV, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.419 ca nhiễm).