Hôn nhân sắp đặt là điều khiến cho nhiều phụ nữ tự lập, có suy nghĩ hiện đại cảm thấy khó chịu. Khi bị ép vào tình thế đó, có nhiều người nghĩ ngay đến chuyện phản đối hoặc bỏ trốn. Thế nhưng có một người phụ nữ lại có cách đối mặt rất khác biệt.
Cuộc hôn nhân sắp đặt có cái kết quá đặc biệt
Tạ Băng Oanh là một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc. Bà sinh ra trong một gia đình giàu có tại Hồ Nam (Trung Quốc). Dù con gái đến tuổi đi học nhưng mẹ bà - vốn là một người truyền thống không đồng ý cho đi. Người mẹ cho rằng con gái tốt nhất vẫn là kiếm được chồng ổn, việc học là lãng phí.
Tạ Băng Oanh đã phải thuyết phục mẹ bằng cách tuyệt thực 3 ngày để được đến trường.
Sau này, bà còn xin gia nhập quân đội, trở thành một nữ quân nhân. Trong thời gian ở quân đội, bà đã dùng ngòi bút để kể về những câu chuyện ở đây. Để nhật ký của mình không bị thất lạc, bà đã gửi cho tổng biên tập một tờ báo để nhờ giữ hộ. Sau đó, cuốn nhật ký được xuất bản khiến cho tên tuổi của Tạ Băng Oanh trở nên nổi tiếng.
Khi bà được 5 tuổi thì đã được gia đình hứa hôn cho anh chàng tên là Tiêu Minh - 10 tuổi. Tiêu Minh xuất thân trong gia đình giàu có, rất môn đăng hộ đối với nhà họ Tạ. Từ khi có hôn ước, năm nào ông cũng đến nhà 'cha mẹ vợ tương lai' để chúc Tết. Tuy nhiên cả hai vẫn chưa một lần gặp mặt nhau.
Sau này, bà giải ngũ quay về Hồ Nam. Ngay sau khi Tạ Băng Oanh về nhà, người mẹ kiên quyết bắt bà kết hôn với Tiêu Minh. Thế nhưng, Tạ Băng Oanh đã có người trong lòng rồi. Bà gặp người ấy khi đang ở trong quân đội. Bởi thế, Tạ Băng Oanh mạnh dạn trình bày điều này với mẹ gây nên một cuộc cãi vã lớn giữa hai mẹ con.
Trong thời gian này, một người anh của bà qua đời ở Nam Kinh. Mẹ Tạ Băng Oanh suy sụp càng muốn con gái kết hôn nhanh chóng.
Đương nhiên Băng Oanh không đồng ý, dùng nhiều lý do để cự tuyệt chuyện kết hôn. Nhưng mẹ bà càng cố chấp, thậm chí lấy cả cái chết ra để ép buộc con gái. Mẹ Băng Oanh dùng một ổ khóa lớn, khóa con gái trong nhà để đề phòng chạy trốn.
Lúc này, người cha đã đến để khuyên nhủ bà: 'Con à, ai mà chẳng lấy chồng. Hãy nghĩ cho người mẹ đáng thương của con, con hãy hi sinh đi'.
Tạ Băng Oanh vẫn kiên quyết: 'Có giết con thì con cũng không theo'.
Người cha tiếp tục khuyên: 'Trước mắt con cứ tiếp tục hôn lễ đi đã, sau đó con có thể tự do theo tình yêu của con'.
Đến lúc này, Tạ Băng Oanh nghĩ ngợi thông suốt và đồng ý hôn sự. Ngay đêm tân hôn, Tạ Băng Oanh định bỏ trốn khi nhà đông người, nhốn nháo. Tuy nhiên, bà nghĩ đến thể diện cho nhà chồng cũng như cha mẹ mình nên cố gắng đợi Tiêu Minh đến.
Tạ Băng Oanh khi còn trẻ.
Khi Tiêu Minh vừa bước vào buồng tân hôn, bà tự tay cởi khăn trùm đầu màu đỏ rồi bắt đầu thuyết phục: 'Thời đại bây giờ, tình yêu và hôn nhân đều tự do. Anh và tôi kết hôn khi không có tình cảm, sẽ chẳng hạnh phúc đâu. Dưa hái sớm không ngọt, anh và tôi có thể là bạn nhưng là vợ chồng không ổn'.
Suốt 3 ngày 3 đêm như thế, Tạ Băng Oanh thuyết phục Tiêu Minh. Cuối cùng, Tiêu Minh cũng nhận ra Tạ Băng Oanh không muốn làm vợ mình. Bản thân ông cũng không xứng với người phụ nữ tài sắc vẹn toàn đó. Bởi thế, Tạ Minh đã gật đầu: 'Băng Oanh, em đi đi'.
Sau đó, ông giả vờ ngủ rồi để Tạ Băng Oanh trốn khỏi nhà. Khi trốn thoát, bà đã chạy đến Vũ Hán để gặp người tình của mình. Khi ở trong quân ngũ, người đàn ông đó có biệt danh là Phù Hiệu. Chẳng bao lâu sau, bà về chung một nhà cùng Phù Hiệu.
Cái kết buồn của hôn nhân xuất phát từ tình yêu
Đúng là yêu nhau thì dễ, sống được với nhau mới khó. Thực tế tình yêu lãng mạn đến đâu thì sau hôn nhân cũng khó tránh được những hiện thực. Băng Oanh và chồng kết hôn nhưng không có kinh tế ổn định nên chẳng hạnh phúc.
Bà sinh con, ngay cả tiền viện phí cũng phải vay mượn từ bạn bè. Cuộc sống của cả hai lúc này quá cực khổ, Băng Oanh vì thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng mà gầy như que củi, không có sữa cho con bú, sữa bột cũng chẳng có tiền mua. Đứa con gái khóc cả ngày. Cả hai đã quá mức khó khăn rồi.
Sau đó, chồng bà chạy ra ngoài đi làm nhưng lại bị bắt vì vi phạm pháp luật.
Sau khi Phù Hiệu vào tù, cuộc sống hai mẹ con càng khó khăn hơn. Khi đưa con gái vào trại giam thăm chồng, Băng Oanh sốc khi thấy chồng mình tiều tụy, gầy gò ốm yếu.
Phù Hiệu không muốn kéo theo vợ và con khổ sở nên có khuyên Tạ Băng Oanh hãy nghĩ đến tương lai cho riêng mình. Dù bà có chọn thế nào, ông cũng ủng hộ vô điều kiện.
Thế nhưng Tạ Băng Oanh đã kiên quyết đáp: 'Em sẽ mang con về nhà anh và chờ đợi anh cả đời'.
Sau đó, bà ôm con gái đến nhà của Phù Hiệu sống cùng mẹ chồng. Tuy nhiên, điều kiện của gia đình này cũng quá mức khó khăn. Không còn cách nào khác, bà để con gái cho mẹ chồng chăm sóc rồi lên Thượng Hải tìm việc.
Lên đó một thời gian, bà bắt đầu chuyên tâm viết lách và kiếm tiền. Suốt những tháng ngày đó, bà cũng rất nhớ con gái nhưng điều kiện không cho phép để quay về. Thời gian cứ thế trôi qua.
Phù Hiệu quay về nhà nhưng lại chỉ thấy con mà không thấy vợ. Ông tiếp tục nuôi con, chờ đợi vợ cho đến khi con gái 13 tuổi mà vẫn không thấy Tạ Băng Oanh quay về. Sau này, Phù Hiệu nghe ngóng rồi phát hiện ra vợ mình đã cưới người khác.
Không còn cách nào, ông cũng tìm một người phụ nữ khác để kết hôn, ổn định lại cuộc sống của mình.
Sau này, Tạ Băng Oanh có quay về nhà và liên tục yêu cầu con gái theo mình. Tuy nhiên cô bé không đồng ý. Hai mẹ con chỉ có duy nhất một tấm hình chụp chung làm kỷ niệm rồi mãi mãi không gặp lại nhau.
Tạ Băng Oanh khi về già.
Cuộc hôn nhân kéo dài 51 năm
Người chồng thứ 3 của Tạ Băng Oanh chính là người đã cùng đồng hành với bà trong tháng ngày khốn khó ở Thượng Hải. Khi vật lộn với cuộc sống, người đàn ông đó xuất hiện, giúp đỡ bà rất nhiều khiến cho Băng Oanh rung động mà quên đi lời thề sẽ 'chờ cả đời' trước đó. Chồng ba của bà có tên Giả Y Châm - một giáo sư đại học.
Tính cách của hai người rất khác nhau. Tạ Băng Oanh sôi nổi nhiệt tình, Giả Y Châm lại rất từ tốn, nói và làm đều rất tỉ mỉ. Khi có khách đến nhà thì Giả Y Châm thường phụ trách nấu nướng còn Băng Oanh lại tiếp khách.
Trong cuộc hôn nhân này, Tạ Băng Oanh đã sinh được 3 người con. Sau này, cả gia đình đều chuyển sang Mỹ định cư.
Tổ ấm hạnh phúc của Tạ Băng Oanh.
Khi đang ở Mỹ, Tạ Băng Oanh nhận được tin con gái đầu tiên của mình và Phù Hiệu đã qua đời. Bà đau khổ nhưng không thể làm được gì hơn nữa.
Cuộc hôn nhân thứ 3, Tạ Băng Oanh và chồng sống với nhau suốt 51 năm. Giả Y Châm chăm sóc vợ như chăm một em bé, từ nấu nướng, giặt giũ ông đều giành lấy để làm.
Có một lần cãi nhau, Băng Oanh bỏ sang nhà một người bạn. Ngay sau đó chồng bà đã sang tìm rồi hỏi người bạn đó: 'Băng Oanh của tôi có ở nhà cậu không?'. Người bạn đáp: 'Tại sao Băng Oanh của cậu lại ở nhà tôi?'.
Nhưng sự thật thì Tạ Băng Oanh đang trốn trong tủ quần áo, muốn làm chồng lo lắng nên mới như thế. Người bạn khi biết chuyện thì kêu trời: 'Đã 80 tuổi mà hai người còn như vậy'.
Năm 1988, Giả Y Châm qua đời sau một cơn xuất huyết não. Tạ Băng Oanh ngất xỉu tại chỗ vì sốc. Sau khi chồng mất, bà vẫn luôn sắp xếp đồ đạc như khi ông còn sống.
Năm 2000, bà qua đời ở tuổi 94 và trăn trối với con cái ước nguyện được quay về quê hương: 'Nếu mẹ qua đời ở Mỹ, mẹ sẽ được hỏa táng rồi tro cốt được rải dưới cầu Cổng Vàng, hãy để Thái Bình Dương đưa mẹ quay về với quê hương'.
Rời Trung Quốc từ năm 1947, Tạ Băng Oanh đã không về quê nhà suốt 53 năm. Đến cuối cùng, bà vẫn trông ngóng, mong mỏi được quay lại cố hương.
Nguồn: Kknews, Cunman