Anh Nguyễn Đức G. (29 tuổi, trú tại TP.HCM) tìm tới bác sĩ than thở về hình thể bất thường của mình. Anh G. kể từ ngày học lớp 7 ngực của anh phát triển nhanh. Lúc đó, mọi người tưởng do dậy thì anh tăng cân sau sẽ ổn nhưng không phải, ngực cứ to dần lên theo thời gian.
Ngực to khiến anh tự ti. Nhiều lần đi chơi bạn bè còn trêu đùa anh 'về nhà mặc yếm vào'. Ngực to như chị em đã sinh nở, khiến cả khi gần gũi với bạn gái, anh G. cũng không dám cởi áo vì xấu hổ.
Hay trường hợp khác của Bùi Hữu L. (22 tuổi, trú tại Đồng Nai) cũng bị phì đại tuyến vú. Sau khi dậy thì, ngực của anh L. cũng phát triển như phụ nữ. Ngực to khiến anh L. xấu hổ đến nỗi không bao giờ dám cởi trần trước bạn nam cùng phòng. Bạn bè vui miệng còn trêu đùa nói ngực của L. là silicon khiến cậu cảm thấy mặc cảm.
Hình ảnh phì đại tuyến vú ở nam giới.
Theo TS BS Vũ Trí Thanh – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2, phì đại tuyến vú hay còn gọi là nữ hoá tuyến vú là sự phì đại của mô tuyến vú ở nam giới. Nữ hoá tuyến vú thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng sống và tâm lý của nam giới. Rất ít nam giới cởi mở về vấn đề này với bác sĩ và gia đình. Nhiều bệnh nhân trầm cảm, bất an về hình ảnh cơ thể của mình. Nữ hoá tuyến vú ở nam thanh niên trong độ tuổi trưởng thành khiến họ vô cùng xấu hổ, tự ti.
TS Thanh cho rằng nữ hoá tuyến vú rất dễ nhầm lẫn với một số tình trạng khác như giả nữ hoá tuyến vú, béo phì, hoặc ung thư vú. Chính điều đó việc điều trị bệnh hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào việc chẩn đoán chính xác và tìm đúng nguyên nhân gây ra bệnh.
Theo thống kê, ở nhóm tuổi dậy thì tần suất nữ hoá tuyến vú nằm trong khoảng từ 4 đến 69%, trong đó 90% tự khỏi sau 1 đến 3 năm. Giai đoạn này phì đại tuyến vú ở nam là sinh lý bình thường. Nam giới có thể phì đại thoáng qua, phì đại ở cả hai vú, mềm, không thay đổi và phân bố đối xứng, có thể bị đau khi sờ nắn. Trường hợp này từ 6 tháng tới 2 năm có thể thay đổi.
Trường hợp phì đại tuyến vú bệnh lý là do sự giảm sản xuất hoặc giảm hoạt động của nội tiết tố nam testosterone, sự gia tăng sản xuất hay tăng hoạt động của estrogen do dùng thuốc hoặc do các nguyên nhân khác.
Tình trạng giảm sản xuất hay giảm hoạt động của testosterone gồm các nguyên nhân như hội chứng Klinefelter, không có tinh hoàn bẩm sinh, chấn thương tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, viêm tinh hoàn do virus, suy thận, cường giáp, suy dinh dưỡng, hội chứng giảm nhạy cảm với Androgen, hội chứng thiếu men 5 alpha reductase.
Dấu hiệu lâm sàng là người bệnh cảm thấy núm vú to ra, sờ có cảm giác chính giữa có thể có nhân to, chắc, rắn. Nam giới thương to cả hai bên, ngực trở nên nhão hoặc chảy xệ, nhất là hai đầu vú.
Khi khám bác sĩ sẽ siêu âm, chụp nhĩ ảnh, xét nghiệm định lượng nồng độ hormone trong máu để chẩn đoán bệnh.
Việc điều trị nữ hoá tuyến vú, TS Thanh cho biết nếu ở tuổi dậy thì, trẻ em thì đó là phì đại sinh lý không cần điều trị. Còn trường hợp do bệnh lý bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa tuỳ từng trường hợp. Các loại thuốc thường được chỉ định là thuốc nội tiết tố nam sử dụng dưới dạng uống, kem bôi và tiêm bắp, thường phải dùng kéo dài trên 3 tháng, hiệu quả thấp, chủ yếu là làm giảm đau.
Các thuốc kháng estrogen như Tamoxifen cũng được sử dụng. Phẫu thuật là phương pháp điều trị có hiệu quả, nhất là khi ngực quá to và gây đau, bất tiện cho anh em.
Đặc biệt, phẫu thuật được chỉ định những bệnh nhân điều trị nội khoa không đáp ứng, ngực to, phì đại kéo dài, gây đau.
TS Thanh cho rằng việc nâng cao nhận thức về nữ hoá tuyến vú sẽ giúp cải thiện trong chẩn đoán giúp cho nam giới hiểu rằng tình trạng có thể điều trị được, họ không nên cố gắng chịu đựng rồi tự ti về hình thể của mình.