Ngày Tết Nguyên Đán đã cận kề. Không chỉ người Việt đâu mà cả những 'anh Tây', người ngoại quốc đang sinh sống trên mảnh đất này cũng đều háo hức với dịp Tết đến Xuân về này cả.
Một chú rể người CH Séc đã ăn đến 3 cái Tết Việt liên tiếp. Trong mắt cô vợ Hà Nội, anh có những cách chuẩn bị Tết rất riêng mà không nhiều người ngoại quốc có được.
Cuộc hôn nhân chớp nhoáng của nữ tiếp viên hàng không và doanh nhân điển trai
Huyền Trang là tiếp viên hàng không của một hãng hàng không Việt Nam. Cách đây gần 4 năm, Trang quen biết với Ondrej Mrklas - một doanh nhân người CH Séc. Thời điểm đó, Ondrej vừa sang Hà Nội lập nghiệp. Ngay khi vừa đặt chân đến mảnh đất này, một người bạn chung đã giới thiệu hai người cho nhau. Ngay lần gặp đầu tiên, Ondrej đã khiến Huyền Trang giận vì đến trễ.
Trang kể: 'Anh có nói lý do là chưa quen với hệ thống giao thông tại Hà Nội. Bởi vậy, suốt buổi gặp hôm đó mình và anh chẳng ai nói với ai câu nào. Biết lỗi nên cuối buổi gặp mặt đó, anh đã hẹn mình đến nhà dùng bữa tối do chính tay anh chuẩn bị, coi như là lời xin lỗi thật lòng'.
Trang đã có mặt đúng giờ hẹn. Khi tới nơi, Ondrej tự tay nấu món thịt bò, khoai tây kiểu Séc. Tuy bỏ nhiều công sức nhưng món ăn lại chẳng mấy thành công.
'Nó dai và cứng như đá vậy. Vì phép lịch sự nên mình đành nhắm mắt nhắm mũi ăn hết chỗ thức ăn anh ấy nấu', Trang nhớ lại.
Ăn tối xong xuôi, cả hai đi dạo hồ Hoàn Kiếm. Họ tâm sự với nhau đủ chuyện cho đến 5 giờ sáng. Khi ấy, họ đã có cảm tình với nhau rồi. Nụ hôn đầu tiên được trao ngay trong lần hẹn hò riêng như vậy.
Chuyện yêu và cưới đàn ông ngoại quốc chưa bao giờ xuất hiện trong tư tưởng của Huyền Trang. Cô thừa nhận rằng mình đã trải qua vài mối tình nhưng đều chẳng đi đến đâu cả. Chỉ đến khi gặp Ondrej, cô mới cảm thấy mọi giây phút bên anh đều bình yên đến lạ thường.
Sau khi yêu được 4 tháng, Ondrej về nước thăm gia đình. Vừa yêu mà bạn trai đã đi xa, nhiều người không có cái nhìn lạc quan về mối quan hệ ấy. Tuy vậy, Huyền Trang luôn tin tưởng vào anh cùng tình yêu của chính mình.
Hết thời gian nghỉ ngơi, Ondrej sang Việt Nam và quyết định cầu hôn cô bạn gái xinh đẹp. Thời điểm ấy, họ mới yêu nhau được 5 tháng thôi. Lễ đính hôn và đám cưới được tổ chức ngay sau đó.
Bố mẹ Ondrej sang Việt Nam gặp Trang cũng như gia đình cô. Ngay từ lần gặp mặt đầu tiên, bố mẹ chồng đã quý mến cô con dâu xinh đẹp. Sau khi kết hôn ở Việt Nam, họ về Séc tổ chức lễ cưới tại một lâu đài với đông đủ bạn bè, người thân của Ondrej tham dự.
Cặp vợ chồng trẻ tiếp tục chọn Hà Nội là nơi sinh sống, lập nghiệp. Bởi vậy, suốt 3 năm qua, chàng rể Tây của nhà Huyền Trang đều đón Tết Nguyên Đán cùng gia đình vợ.
Sau nhiều lần ăn Tết chung như thế, anh cũng háo hức và mong chờ ngày này chẳng khác gì những người Việt Nam khác.
Chàng Tây mê mẩn và háo hức với Tết Việt Nam
Sinh sống và làm việc tại Việt Nam vài năm, Ondrej hiểu thêm về phong tục nơi quê hương của vợ. Năm nào, anh cũng thích thú và háo hức với không khí Tết cũng tiết trời mưa xuân lất phất.
Trang tâm sự: 'Chồng mình thích Tết lắm. Cứ cuối năm là anh ấy và bố ruột mình lại tất bật đi mua cây đào về trang trí. Anh ấy coi luôn đó là nhiệm vụ của mình và cứ chờ để được đi mua.
Hai bố con sẽ khệ nệ bê đào về, cho vào chum to vì bố mình thích cây hoặc cành thật to. Có lần anh cũng bảo thích Tết vì ngoài đường vắng người, không quá ồn ào, náo nhiệt, anh sẽ dễ ngắm phố phường và cảm nhận nét cổ kính của Hà Nội hơn'.
Ondrej hòa nhập rất nhanh với gia đình vợ trong việc ăn Tết. Ban đầu còn bỡ ngỡ nhưng bây giờ, anh còn yêu cầu vợ mua phong bao lì xì và đổi tiền mới để mừng tuổi cho anh chị em trong nhà.
'Mùng 1 hằng năm họ nội nhà mình tụ tập rất đông ở nhà ông nội. Nhà ông thì lại ở ngay sau lưng nhà mình nên anh sẽ xuất hiện, mừng tuổi cho mọi người. Anh thích nét văn hóa đó và từ khi biết đến thì chưa bao giờ quên. Tết Việt Nam trong anh có lẽ ngoài những chuyện không khí, đồ ăn… thì việc lì xì, mừng tuổi lấy may là điều anh ấn tượng nhất', Huyền Trang nói thêm.
Chồng Huyền Trang biết nấu nướng. Anh cũng thích vào bếp nhưng với những món truyền thống của Việt Nam, anh chưa dám 'thử sức'. Thay vào đó, người đàn ông này lại đi ra đi vào để giúp những công việc lặt vặt. Có lẽ, những công đoạn nho nhỏ ở chuyện chuẩn bị mâm cỗ cũng là cách để anh cảm thấy Tết đã đến thật gần.
Huyền Trang kể: 'Anh không nấu nhưng khi dâng lên thắp hương các cụ thì anh lại xắn tay áo vào giúp mẹ mình bê đồ lên ban thờ. Ngoài ra, anh cũng thích thú một chuyện nữa khi Tết đến là đi thả cá ở hồ nhỏ gần nhà ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Đó đều là các hoạt động rất Việt Nam mà bên châu Âu không thể có được'.
Theo Huyền Trang, dù khác biệt về văn hóa nhưng Ondrej rất tôn trọng nét đặc trưng của quê vợ. Tết đến, cả nhà có thời gian ngồi cạnh nhau trò chuyện, đón khách, cùng bạn bè hàn huyên. Ondrej thích đông người nhưng thường ngày bận rộn, không thể có thời gian nhâm nhi ly rượu, đồ ăn như ngày Tết. Bởi vậy, anh luôn quý trọng thời gian này.
Bé Evelyn là con gái đầu tiên của cặp vợ chồng. Bé mới 3 tuổi và rất thích đi chơi Tết, đi thả cá với mẹ.
Hằng năm, gia đình Huyền Trang sẽ về Séc dự Noel cùng Tết Tây nhà chồng rồi mới bay về Việt Nam đón Tết Nguyên Đán. Đã 3 năm liên tiếp gia đình cô ăn Tết trọn vẹn ở cả hai nơi như vậy. Năm nay, Trang không kịp về Hà Nội vui Tết Âm lịch. Tuy vậy, cô cũng lên kế hoạch để chuẩn bị cho tổ ấm ở bên Séc những hoạt động để mang cả cái Tết Việt Nam đến ngôi nhà của mình bên đó.
'Năm nay thì lỡ mất rồi, rất buồn. Nhưng năm tới, vợ chồng mình có dự định đưa bố mẹ chồng về Việt Nam ăn Tết Âm lịch với cả nhà. Đó sẽ là một dịp rất vui để bố mẹ chồng cũng hiểu cả văn hóa Việt nữa', Huyền Trang hạnh phúc chia sẻ.
Tết là dịp cả nhà đoàn viên, cùng gặp mặt kể cho nhau nghe những thay đổi trong năm. Có lẽ, chàng rể ngoại quốc này cũng cảm nhận được những sự ấm áp trong nét văn hóa đó. Và nếu đã được 'sống' cùng Tết Nguyên Đán thì chuyện một người đàn ông mê mẩn nó cũng chẳng phải điều quá lạ lùng.