Trong cuộc sống hôn nhân, đôi khi chỉ cần một sự việc cũng đủ sức khiến mâu thuẫn nổ ra. Chuyện sắp xếp công việc trong nhà lúc nào cũng phải được bàn bạc sao cho hợp lý nhất, hợp lòng hai bên.
Sắp Tết rồi, xung quanh việc về quê ăn Tết cũng có hàng loạt câu chuyện khiến người ta phải suy nghĩ, tranh cãi. Một ông chồng đã lên mạng kể về mâu thuẫn gia đình ngay trong ngày ông Công, ông Táo. Câu chuyện như sau:
'Mình là nam, chẳng biết tâm sự chuyện nhà thì có bị ai đánh giá không. Mình buồn lắm vì vợ không thấu hiểu. Giờ mình kể ra chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều nhưng biết làm sao được. Giờ nếu tâm sự với người quen thì chỉ sợ điều tiếng. Cũng may là mọi chuyện giải quyết xong xuôi hết rồi.
Mình là trai nông thôn xuất thân từ một miền quê nghèo. Từ nhỏ mình đã hiểu chỉ có học hành mới thoát khổ nên ra sức học. Cuối cùng, mình cũng đỗ đại học, đi làm trên thành phố. Hồi đó, để cho mình đi học xa, bố mẹ đã phải bán một mảnh đất có tiền lo toan.
Ảnh minh họa.
Nhà mình nghèo nhưng bố mẹ luôn tôn trọng con cái. Từ việc học hành, lựa chọn cá nhân cho đến chuyện lấy vợ, sinh con.
Vợ mình cũng người quê lên thành phố nhưng nhà cô ấy buôn bán nên có điều kiện hơn. Mình làm việc trong một công ty nước ngoài, lương cao lại có góp vốn kinh doanh buôn bán nên thu nhập cũng khá. Mình và cô ấy yêu nhau được 2 năm thì kết hôn.
Khi đó, chuẩn bị kết hôn bố đã gọi mình về quê nói thẳng rằng, muốn ổn định hôn nhân thì cần có cái nhà. Giờ bố mẹ bán đất được mấy trăm triệu, cho con để con thêm vào mua nhà, lo cho cuộc sống. Lúc đó mình muốn khóc luôn. Nhưng vợ mình, cô ấy không hiểu những hi sinh đó và liên tục lẩn tránh chuyện về quê'.
Có lẽ, gặp phải nỗi buồn sâu sắc nên người đàn ông mới nhất quyết lên mạng xã hội để tâm sự chuyện của mình. Đúng là mỗi người mỗi câu chuyện, ai cũng có việc khiến bản thân nhọc lòng, lo toan.
'Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp cúng ông Công, ông Táo nhưng nhà mình đã có chuyện cãi nhau. Như mình nói ở trên, vợ mình không muốn về quê chồng tí nào cả. Cô ấy bảo rằng ăn Tết ở thành phố còn hơn, về quê mình đến cái nhà tắm còn dùng không thoải mái.
Quê mình miền núi, nhà tắm hơi cách nhà một chút nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi vì mình đã gửi tiền về cho bố mẹ xây mới lại rồi. Lí do của vợ khiến mình không đồng ý. Cô ấy gào lên: 'Em muốn ăn Tết ở đâu mà chẳng được. Thời đại nào rồi mà bắt buộc con dâu về quê nội ăn Tết. Ở nhà anh em thấy không có gì thoải mái cả'.
Lúc đó mình hơi cáu nhưng không muốn nặng lời với cô ấy. Mình chỉ thẳng thừng nói lại mấy câu: 'Giờ em không về quê, ok tốt thôi, năm nay hai vợ chồng mình ở lại thành phố ăn Tết. Không về nội, không về ngoại, chỉ ăn Tết ở đây, ông bà nội mong vợ chồng mình cũng như ông bà ngoại mong thôi. Em nghĩ cho kĩ, rồi báo lại anh'.
Ảnh minh họa.
Nói xong, mình bỏ ra ngoài phòng khách. Một lát sau, vợ chạy ra lí nhí xin lỗi vì suy nghĩ nông cạn như vậy. Mình ôn tồn nói tiếp rằng Tết nhất là dịp con cháu sum vầy, quây quần bên ông bà, bố mẹ. Chúng ta đi làm cả năm rồi, Tết về thăm nhà ngoài việc ăn uống còn là dịp người trong nhà hỏi han nhau xem cuộc sống thế nào, gặp mặt con cháu.
Ông bà nội mong con về cũng như ông bà ngoại thôi. Bố mẹ chẳng sống được bao nhiêu năm, vợ nói như thế thì đến mình còn thấy buồn tủi nữa.
Nghe xong xuôi thì vợ mình cúi mặt, xin lỗi rối rít vì ăn nói không suy nghĩ. Bây giờ gia đình mình cũng sắm sửa dần để về quê. 28 về nội đến mùng 2 xuống ngoại, mỗi năm chỉ có một lần nên có lẽ đừng vì điều gì mà gián đoạn nó mất'.
Câu chuyện của người chồng khiến nhiều người phải suy nghĩ. Có hàng loạt những cô vợ chẳng muốn về nhà chồng ăn Tết vì nhiều lí do khác nhau, có người thấy bất tiện, người thấy phiền lòng. Chán nản chuyện phải về quê, họ chán luôn cả Tết.
Tuy vậy, có lẽ chúng ta nên nghĩ thoáng hơn. Nhiều phụ huynh chỉ mong Tết đến cho con cháu về nhà, quây quần bên nhau. Việc về nhà chồng cũng chỉ vài ngày chứ không phải cả tháng hay nửa năm mà phải lo nghĩ nhiều đến sự bất tiện, khó chịu. Hãy cứ nghĩ rằng Tết là dịp gia đình đoàn viên, gặp mặt để về nhà sum họp thật thoải mái nhé.