LTS: Nhiều người đàn ông được kì vọng giữ vai trò quan trọng trong gia đình, xã hội. Tuy nhiên, chính sự kì vọng ấy lại trở thành nỗi khổ, áp lực khiến họ gặp những tổn thương về sức khỏe, tinh thần.
VietNamNet giới thiệu chia sẻ của một số đàn ông Việt, những người là nạn nhân của quan niệm đàn ông phải mạnh mẽ, phải là trụ cột gia đình... Loạt bài viết nhằm hướng đến cách nhìn nhận mới, bớt đi gánh nặng và chữa lành những thương tổn mà quan niệm truyền thống đang đặt lên vai họ.
Không dám lấy vợ
Đi qua 35 năm cuộc đời, Bùi Đình Thông (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vẫn trốn tránh chuyện kết hôn. Nói đúng hơn, anh sợ lấy vợ. Nỗi sợ ấy đến từ áp lực phải giàu, phải có đủ tiền để lo cho vợ con sau này.
Anh bộc bạch: “Nghĩ đến chuyện lấy vợ, lập gia đình, tôi lại sợ. Bây giờ, có cô gái nào không muốn kết hôn với một người đàn ông sự nghiệp vững vàng, nhà, xe đầy đủ đâu. Tôi lúc này không khác gì người tay trắng.
Cuộc sống bây giờ đắt đỏ, nếu không lo được cho vợ con thì lập gia đình chỉ làm khổ nhau. Không có sự nghiệp, nuôi thân đã khó. Lấy vợ, sinh con mà kinh tế không vững còn khổ hơn. Nghĩ như vậy, tôi không dám kết hôn dù cũng trải qua nhiều mối tình”.
Áp lực phải giàu có cũng khiến Kiên Hoàng Khanh (40 tuổi, quê Trà Vinh) e dè chuyện lập gia đình. Đặc biệt sau lần dang dở với người mình yêu vì không chuẩn bị đủ tiền làm đám cưới, anh càng thêm sợ chuyện kết hôn.
Là công nhân giày da, mức lương của Khanh chỉ đủ trang trải. Mỗi tháng, phải tằn tiện lắm, anh mới gửi về cho bố mẹ ở quê 1-2 triệu đồng. Tuy nhiên, khi yêu, tình phí khiến Khanh không còn khoản tiết kiệm nào.
Khanh chia sẻ: “Sau 3 năm quen biết, bạn gái tôi đề nghị kết hôn. Tuy nhiên, tôi nhiều lần trì hoãn vì còn nhiều nỗi lo. Ngoài việc không muốn vay mượn để làm đám cưới, tôi sợ sẽ không lo được cho vợ con sau này.
Tôi bây giờ độc thân sống sao cũng được. Nhưng khi cưới vợ về phải lo cho vợ, con. Không dám nói lo cho vợ con sung sướng, bằng bạn bằng bè nhưng cũng không thể để vợ con khổ cực được. Tôi thấy chưa làm được như vậy nên trì hoãn việc cưới xin".
Sự trì hoãn của Khanh khiến người yêu nghi ngờ, tổn thương. Cô không muốn tuổi xuân trôi theo tương lai vô định của Khanh nên quyết định chia tay. Nỗi đau ấy khiến Khanh sợ hãi chuyện yêu thêm lần nữa. Đến bây giờ, anh vẫn không dám nghĩ đến chuyện cưới xin.
Áp lực phải kiếm tiền, nuôi sống gia đình khiến nhiều đàn ông Việt không dám kết hôn. (Ảnh minh họa: Pinterest).
Muốn từ bỏ
Áp lực trở thành trụ cột gia đình cả về kinh tế lẫn tinh thần không chỉ khiến một số đàn ông Việt Nam không dám kết hôn. Nỗi khổ này còn khiến đàn ông Việt chịu nhiều tổn thương tâm lý.
Trường hợp của anh Vũ Quang Tuấn (40 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) là một ví dụ. Áp lực phải tự mua nhà, vực dậy kinh tế gia đình “để bố mẹ ruột tự tin, ngang hàng với bố mẹ vợ” khiến anh căng thẳng đến mức rối loạn lo âu.
Cùng với việc không được người thân thấu hiểu, chia sẻ, Tuấn không thể giải tỏa tâm lý đang bị đè nặng. Anh trở nên cáu gắt, chán ghét cuộc sống. Có lúc anh đã nghĩ đến việc buông bỏ đời mình.
Theo thống kê, có gần ¼ số nam giới được phỏng vấn bởi nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) năm 2019 nói rằng họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó có hơn 80% bị áp lực kinh tế, gần 70% bị áp lực về sự nghiệp.
Một số đàn ông Việt bị áp lực đè nặng, không tìm được lối thoát. (Ảnh minh họa: Pinterest).
Các áp lực trên khiến đàn ông Việt Nam rơi vào trầm cảm, lo âu lan tỏa… TS Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho biết, có một tỉ lệ đáng kể nam giới Việt Nam rơi vào trầm cảm, cảm thấy cuộc sống nặng nề, áp lực, bế tắc.
Nghiên cứu Nam giới và nam tính trong một Việt Nam hội nhập của ISDS được tiến hành năm 2019 cho thấy, trong hơn 2.500 người đàn ông ngẫu nhiên được khảo sát có đến 17.5% cho biết mình trải qua cảm giác “cô đơn lạc lõng”.
Ngoài ra, có đến 19% đàn ông “cảm thấy chán nản thất vọng”, 9.4% “nghĩ cuộc đời mình thất bại”. Đặc biệt, số đàn ông có vấn đề về tâm lý nặng nề nhất rơi vào nhóm nam giới trẻ và sinh sống ở đô thị.
“Trong nghiên cứu của chúng tôi, có đến 3% nam giới tham gia chia sẻ rằng họ có ý định tự sát trong thời gian gần đây. Với nhóm tuổi từ 18 - 29, con số này cao hơn, khoảng 5,43%. Ở nhóm này, nam giới thường cảm thấy cuộc sống vô nghĩa và quá áp lực” TS Khuất Thu Hồng cho biết thêm.
B
Biểu đồ thể hiện cảm xúc của nam giới Việt Nam tại thời điểm khảo sát. (Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS))
Cùng nhận định, PGS.TS, Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life) cho biết, nam giới không dễ chia sẻ những áp lực của mình với người khác. Điều đó khiến vấn đề của họ trở nên trầm trọng hơn.
Ông chia sẻ: “Đặc biệt, trong đại dịch vừa rồi, tôi quan sát, chứng kiến những chuyện rất thương tâm. Có nhiều người đàn ông thất bại sau đại dịch. Dù vậy, họ không thể chia sẻ, không tìm được sự đồng cảm.
Họ giấu trong lòng, cố chịu đựng một mình. Có người vì không thể chịu đựng thêm những áp lực, đau khổ ấy nên đã tìm đến cái chết. Đó là điều rất đáng báo động trong bối cảnh hiện nay”.
Trước bối cảnh đáng báo động, các nhà tâm lý, nghiên cứu xã hội cho rằng cần phải có những giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng và chữa lành những thương tổn của người đàn ông Việt Nam.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Kỳ 3: Nỗi khổ đàn ông Việt: Thay đổi nhận thức, tái kiến tạo văn hóa để giảm bớt gánh nặng