Sẹo chồng sẹo, ác mộng vẫn quay về
Kể từ ngày định mệnh 24/3/2018, sau 'trận mưa' axit bất ngờ dội từ đầu xuống chỉ vì cơn ghen tuông của chồng trỗi dậy, Đặng Thị Thanh Huyền (SN 1985, ở Gia Lâm, Hà Nội) từng chết lâm sàng 5 ngày. Suốt 1 tháng chị hôn mê sâu, bệnh viện đôi lần nói chuyện với gia đình về việc 'lo hậu sự' nhưng nữ giáo viên này đã vượt qua cửa tử với hơn 30 lần phẫu thuật.
Sau biến cố kinh hoàng hơn 4 năm trước, cuộc sống của cô đã dần ổn định trở lại, cô bắt đầu mỗi ngày mới với những buổi dạy tiếng Anh online do tự cô chiêu sinh.
'4 năm sau sự cố, 3 năm điều trị tại bệnh viện, mặc dù về hình thức diện mạo không thể còn được như ban đầu, nhưng để lấy lại 60-70% như hiện tại cũng là cả quá trình gian nan.
Hành trình ấy có máu và nước mắt của mình, cùng sự nỗ lực tận tâm của cả ekip các y bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia, trong đó có PGS-TS Vũ Quang Vinh (Khoa tạo hình thẩm mỹ), người điều trị và phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ trực tiếp hơn 30 ca lớn nhỏ cho mình. Không chỉ có vậy, các y bác sĩ khác khoa phục hồi chức năng, khoa hồi sức cấp cứu, tích cực, khoa bỏng người lớn… cũng đều đã tận tâm điều trị tích cực để cứu giúp mình trong suốt hơn 3 năm mình nằm điều trị trực tiếp tại viện…', Huyền nhẹ nhàng bắt đầu câu chuyện với phóng viên như thế sau khi vừa kết thúc buổi dạy.
Mặc dù các vết thương đã lành da, nhưng di chứng của bỏng nói chung và bỏng axit nói riêng là vô cùng nặng nề và tàn khốc. Nó không những hủy hoại dung mạo của nạn nhân, mà nó còn đeo bám và hành hạ nạn nhân bị bỏng suốt quãng đời còn lại về tinh thần, sức khỏe và tài chính.
Bần thần, có chút e ngại, nhưng rồi cô dứt khoát gỡ mái tóc giả trên đầu ra, đập vào mắt tôi là toàn bộ lớp da sọ trên đầu cô với chi chít hàng chục vết sẹo trồng lên nhau, nhăn nhúm, tóc không mọc nổi.
Toàn bộ phần đầu, cổ Huyền biến dạng sau can axit từ người chồng ghen tuông dội lên. (Ảnh nhân vật cung cấp)
'Trở về từ cõi chết mừng lắm, nhưng thời gian đầu từ viện về nhà mình rất tự ti, không muốn tiếp xúc với ai. Bởi mình cũng giống như bao bệnh nhân bị bỏng axit khác, sức khỏe bị suy giảm, luôn bị ảnh hưởng khi thời tiết thay đổi: đau nhức mỏi và ngứa rát vết sẹo. Thậm chí dù đã phẫu thuật rồi nhưng sẹo vẫn phát triển làm co rút các cơ, buộc phải tái phẫu thuật để khắc phục chức năng vận động.
Bản thân mình cũng vậy, vì bị bỏng lộ xương hàm, xương sọ nên phải đục để ghép da… Đến giờ mỗi lần thay đổi thời tiết là sẽ bị hành hạ bởi những trận đau đầu. Các vết sẹo lớn nhỏ thì vừa ngứa vừa nhức bất kể mọi lúc mọi nơi, nhất là khi trời nóng và lạnh. Đau đớn, mệt mỏi, khó chịu vô cùng', Huyền trùng giọng.
Cô nhớ lại cái ngày kinh hoàng ấy. Khi cô đang nói chuyện với bố thì Thông - chồng cô bất ngờ từ trên tầng đi xuống lấy canaxit đã chuẩn bị từ trước đổ thẳng vào người cô chỉ vì anh ta nghi ngờ cô có bồ trong thời gian anh đi công tác vắng nhà. Lúc ấy cô hứng trọn ca axit vì không đề phòng, nhưng không dám giãy giụa vì sợ con gái đứng cạnh sẽ bị dính axit.
Khoảnh khắc kinh hoàng ấy, lúc axit dội vào người, mắt cô nhắm nghiền, thét lên cầu cứu mọi người rồi bất tỉnh. Khi tỉnh lại sau một tháng hôn mê, cô thấy toàn thân băng kín, rỉ nước và máu.
Khoảng 3 tháng sau, khi cơ thể phục hồi hơn, Huyền mới nhận ra cô đang sống trong tình trạng không thể cử động được bất cứ bộ phận nào, không thể hé miệng để nói, để ăn; cũng không thể gập cổ, quay cổ; không thể gập cổ tay, gập đầu gối, những ngón tay ngón chân bị dính như chân vịt...
'Lúc ấy, em suy sụp lắm, nghĩ mình sống không bằng chết', Huyền nhớ lại. Thế nhưng con gái, bố mẹ là động lực khiến nữ giáo viên này không thể buông xuôi.
Không gục ngã
Mặc dù luôn tự nhủ 'quá khứ đã qua, cơn ác mộng nào cũng đến lúc phải tỉnh', mình phải chấp nhận đối diện với hiện tại để tiếp tục sống thật ý nghĩa và có ích cho gia đình và xã hội, nhưng đôi khi cơn ác mộng ấy vẫn hiện về trong giấc ngủ của Huyền.
'Nó làm mình cũng phải nhức nhối theo khi phải nghĩ lại ngày định mệnh đó… thật sự những lúc như thế, mình lại lặng lẽ khóc thầm, sợ con nằm cạnh sẽ biết.
Rồi nhanh chóng mình phải trấn tĩnh bình tâm để sáng mai tiếp tục lạc quan, không để tinh thần ảnh hưởng đến công việc. Bố mẹ đã quá vất vả với mình, mình không muốn để ông bà tuổi đã cao lại thêm lo lắng; còn con gái đang ở giai đoạn phát triển tâm lý nhạy cảm.
Mình tự nhủ luôn phải mạnh mẽ để người thân yên tâm', Huyền trải lòng.
Trải qua 5 ngày chết lâm sàng, 1 tháng hôn mê sâu, hơn 30 lần phẫu thuật và 3 năm điều trị tại bệnh viện, Huyền đã dần trở lại cuộc sống bình thường với vẻ xinh đẹp vốn có.
Những ngày gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ án nguyên nhân cũng xuất phát do ghen tuông, nhiều nạn nhân đã không thể sống tiếp chỉ vì những cơn cuồng ghen do bạn tình ra tay.
Đọc và chứng kiến những câu chuyện, những vụ án thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây, Huyền thấy lạnh người. Cô tự hỏi: Họ đã nghĩ gì khi làm như vậy với đối phương - người mà họ từng nói lời yêu thương, người từng có ơn giúp đỡ họ?...
'Hầu hết khi cơ sự xảy ra, những người gây ra tội ác đều ngụy biện rằng vì quá yêu nên ghen… Nhưng mình nghĩ, thực ra đó không phải là yêu mà là sự ích kỷ cá nhân, sự băng hoại trong suy nghĩ vì muốn chiếm hữu và coi đối phương là vật sở hữu riêng của họ. Để từ đó, họ tự cho mình cái quyền được phép làm tổn hại đối phương khi bị từ chối. Nó giống như quan niệm 'không ăn được thì đạp đổ', bất chấp hậu quả ra sao.
Mình cũng từng là nạn nhân trong những trường hợp như vậy nên mình thực sự rất bất bình. Phải lên án những hành động đê hèn nhằm thỏa mãn cái ích kỷ cá nhân mà làm tổn hại đến người khác. Những con người và những hành động như thế đáng lên án và phải bị loại trừ khỏi cộng đồng xã hội. Có như vậy cuộc sống mới được yên ổn và thanh bình được', Huyền trải lòng.
Cô cũng nhắn nhủ tới những bạn gái đang yêu và chuẩn bị bước vào bước ngoặt của cuộc đời hãy thật bình tĩnh, tỉnh táo cân nhắc, tìm hiểu kỹ đối tượng trước khi cùng nhau xây dựng gia đình.
'Hãy thận trọng khi quyết định một mối quan hệ yêu đương, nên tham khảo ý kiến của bố mẹ và những người thân cận bên mình để họ cho mình những lời khuyên chính xác; bởi khi yêu rồi thì người trong cuộc sẽ không bao giờ đủ tỉnh táo để phân biệt nên hay không nên', Huyền nhắn nhủ.
Huyền đội tóc giả và 'cà' hết sẹo ở vùng cổ khi dạy học online.
Hành trình trở lại cuộc sống của Huyền còn có sự chia sẻ rất lớn từ cộng đồng để cùng cô chiến đấu, giành giật sự sống, tìm lại chính mình trong suốt 3 năm. Nhờ những tấm chân tình ấy, chôn chặt những nỗi đau trong lòng, Huyền đã vượt qua.
Cô thành lập nhóm 'Cộng đồng nạn nhân bỏng' hồi tháng 5/2019. Hiện nhóm đã có hơn 2.000 thành viên, là các nạn nhân của bạo lực, các y bác sĩ và những người quan tâm đến việc điều trị, khắc phục di chứng sẹo sau bỏng. Nhóm được lập với mục đích là phổ biến kiến thức về cách điều trị, khắc phục tình trạng bỏng; đồng thời chia sẻ những tấm gương nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, vươn lên tái hoà nhập cuộc sống.
'Trong nhóm, ngoài những y bác sĩ là những số phận không may mắn của những nạn nhân bỏng. Mỗi người có một câu chuyện về hoàn cảnh riêng. Ở đó, có rất nhiều trường hợp đáng noi gương, họ thực sự truyền cảm hứng cho sự hành trình vượt lên chính mình.
Số phận 'éo le' nhưng rất nghị lực gần đây nhất là trường hợp bạn Kim Ngân. Bạn bị chồng cũ đổ xăng đốt, bị bỏng đến 80-90% diện tích cơ thể nhưng đã chiến thắng bệnh tật. Ngân hiện đang kinh doanh thực phẩm chức năng và mỹ phẩm để kiếm tiền nuôi 2 con trai. Cái kết ngọt ngào đến với Kim Ngân khi mới đây bạn đã tìm được chỗ dựa mới là 1 bạn nam kém 1 tuổi cũng là nạn nhân bỏng', giọng Huyền vui hơn khi nhắc đến những việc làm có ích.
Chia tay, câu nói của Huyền đọng lại 'cuộc sống là của mình, không ai có quyền tước đoạt nó' thể hiện sức sống của người phụ nữ kiên cường dù có những thời điểm tưởng không thể vượt qua.