Sanae Hanaoka, 31 tuổi, mặc chiếc váy cưới nhiều tầng, thân áo ren, chân váy xòe phồng to, đầu đội khăn voan che mái tóc đen nhánh. Trước khi lễ cưới bắt đầu, cô đứng im trên cầu thang, chờ đợi và nghĩ: 'Mình thực sự đang làm được điều này'.
Hôn lễ của Sanae Hanaoka không phải là một đám cưới bình thường, nơi cô dâu chú rể thề nguyện gắn bó với nhau đến suốt cuộc đời. Thay vào đó, Sanae Hanaoka tổ chức buổi lễ để tuyên bố 'thành thân' với chính mình, trước sự chứng kiến của bạn bè.
'Tôi muốn sống một mình. Tôi muốn dựa vào năng lực của chính bản thân', Hanaoka đứng trên sân khấu, cảm ơn bạn bè đã tới dự buổi lễ đặc biệt này của cô.
Sanae Hanaoka là trường hợp điển hình cho phụ nữ Nhật Bản thời nay không muốn lấy chồng hoặc trì hoãn việc kết hôn. Tỷ lệ phụ nữ đi làm ở Nhật Bản đang cao nhất từ trước tới nay, nhưng chuẩn mực văn hóa chưa theo kịp thực tế này. Những người vợ, người mẹ Nhật Bản vẫn phải đảm đương công việc nhà và chăm sóc con cái hay người thân lớn tuổi, những yếu tố cản trở họ phát triển sự nghiệp.
Phụ nữ Nhật Bản ngày nay sợ lấy chồng với những ràng buộc trong hôn nhân
Chán nản với thực tế khắc nghiệt đối với cảnh làm vợ, làm mẹ, nhiều phụ nữ Nhật Bản ngày nay không muốn lấy chồng, chỉ muốn tập trung vào công việc, phát triển sự nghiệp, thực hiện hoài bão với cuộc sống tự do. Giữa những năm 1990, chỉ một trên 20 phụ nữ Nhật tới 50 tuổi vẫn chưa kết hôn, nhưng vào năm 2015, con số này là một trên 7. Với phụ nữ từ 35 tới 39 tuổi, tỷ lệ này còn cao hơn, gần 25% chưa bao giờ kết hôn, so với 10% của hai thập niên trước.
Vào năm ngoái, số cặp đôi kết hôn ở Nhật đã xuống ở mức thấp nhất kể kể từ sau Thế chiến II. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Nhật chứng kiến tỷ lệ kết hôn giảm, và mức giảm này thậm chí còn nhanh hơn so với tình trạng suy giảm dân số. Số ca sinh tại đất nước này cũng đang giảm mạnh. Vào năm ngoái, số trẻ sơ sinh xuống mức thấp nhất từ năm 1899 tới nay.
Chính quyền ở các địa phương đã tìm mọi cách, khởi động nhiều chiến dịch khuyến khích người dân kết hôn và sinh con. 'Chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy ý định kết hôn của mọi người', đó là quảng cáo về một tour du lịch mai mối và hội thảo dành cho người độc thân do chính quyền Tokyo tài trợ.
Tuy nhiên, ngày nay, càng có nhiều phụ nữ Nhật Bản, những người bị truyền thống trói buộc trong các mối quan hệ, coi việc độc thân là đại diện cho một hình thức giải phóng. 'Khi lấy chồng, họ phải hy sinh nhiều thứ. Họ phải từ bỏ tự do và độc lập', Mari Miura, giáo sư môn khoa học chính trị, đại học Sophia, Tokyo nói.
'Tôi đã nghĩ nếu lấy chồng, tôi sẽ càng phải làm thêm nhiều việc nhà. Tôi yêu công việc của mình và muốn được tự do làm việc', Kyaoko Masuda, 49 tuổi, họa sĩ vẽ truyện tranh giải thích lý do vì sao cô không muốn lấy chồng.
'Đối với nhiều người phụ nữ đi làm, rất khó để tìm thấy một người đàn ông sẵn sàng cùng họ chăm lo công việc gia đình', Kumiko Nemoto, giáo sư ngành xã hội học, Đại học Ngoại ngữ Kyoto, giải thích.
Ngày nay, phụ nữ Nhật Bản không cần lấy chồng để có chỗ dựa về kinh tế. Miki Matsui, 49 tuổi, giám đốc một nhà xuất bản ở Tokyo, cho hay một trong những lý do chính để phụ nữ kết hôn là đảm bảo tài chính ổn định. Tuy nhiên, với công việc hiện tại, cô không cần lo lắng về việc mình sẽ thiếu thốn tiền bạc nên không có lý do gì để cô phải 'tự dồn mình vào góc tường và lấy chồng vì lý do tài chính'.
Đối với một số phụ nữ độc thân, những người bạn đã lấy chồng, cuộc sống vô cùng bận rộn, xoay quanh nhà cửa với con cái cũng là 'tấm gương' khiến họ e ngại. Shigeko Shirota, 48 tuổi, làm quản trị viên một trường mầm non, sống trong căn hộ chung cư tự mua, cho biết nhiều người bạn của mình sau khi lấy chồng chỉ ở nhà chăm con, không được chồng giúp đỡ nhiều.
'Thật không công bằng với phụ nữ khi họ bị mắc kẹt trong nhà với công việc nội trợ. Họ hạnh phúc khi ở bên con, nhưng một số thấy chồng như những đứa trẻ to xác, mãi không chịu lớn. Họ không muốn chăm sóc chồng kiểu đó', cô nói.
Phụ nữ Nhật Bản sợ cảnh phải chăm sóc chồng như những đứa trẻ to xác
Độc thân khiến Shirota thảnh thơi đi du lịch, theo đuổi sở thích cá nhân. Cô đăng ký các lớp học làm đồ trang sức và học nhảy. Vào hè năm ngoái, cô từng đi thi nhảy và đưa mẹ du lịch Trung Quốc. Vài năm trước, cô tận hưởng chuyến du lịch trên du thuyền hạng sang Nữ hoàng Elizabeth. 'Chúng tôi không cần dựa vào đàn ông nữa', Shirota nói.
Anh Masayuki Kado, 39 tuổi, đã trải qua 10 lần tìm cô dâu thông qua dịch vụ mai mối nhưng không được. Anh Kado thậm chí còn học qua lớp đào tạo chú rể nhưng vẫn không tìm được vợ vì 'không ai xung quanh muốn lấy chồng'. Anh Kado chia sẻ: 'Phụ nữ Nhật Bản giờ đây không còn muốn lấy chồng nữa. Nhưng tôi vẫn muốn đi làm về có người đợi ở cửa và nói: Chào anh yêu'.
Việc ngày càng có nhiều phụ nữ lựa chọn sống độc thân đã khiến nhiều ngành nghề mọc ra để phục vụ người độc thân, đặc biệt là phụ nữ. Có những quán karaoke dành riêng cho phụ nữ, nhà hàng thiết kế phục vụ khách hàng độc thân, chung cư nhắm tới phụ nữ muốn mua hoặc thuê nhà riêng, tour du lịch cho phụ nữ độc thân, studio cung cấp dịch vụ chụp ảnh cô dâu độc thân. Chính vì thế phụ nữ độc thân không hề cảm thấy cô đơn hay chạnh lòng khi nhìn những cặp đôi khác hẹn hò, tay trong tay hạnh phúc.
Một khách hàng bước vào khu vực karaoke dành riêng cho phụ nữ trong quán One Kara
Một xu hướng mới đây đã xuất hiện tại xã hội Nhật Bản đó là có rất nhiều phụ nữ độc thân ở Nhật Bản nuôi chó mèo. Họ không muốn lập gia đình mà thường nuôi chó, làm bạn với chó để không cảm thấy cô đơn. Họ thoải mái hơn khi ở bên cạnh chúng hơn là tìm kiếm một người bạn trai.
James Raymon, giáo sư xã hội học, đại học Wisconsin-Madison, Mỹ, người đã viết nhiều báo cáo về tình trạng hôn nhân ở Nhật Bản, cho biết rất ít phụ nữ tuyên bố 'không lấy chồng', nhưng họ tìm cách 'trì hoãn và trì hoãn, đợi tới khi phù hợp nhưng sau đó, chẳng bao giờ tìm được và lâm vào tình trạng độc thân suốt đời'.
Nguồn: Tổng hợp