Vẫn có câu, 'tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát', tức là trong hẹn hò, dù yêu tới đâu thì cũng nên phân định rạch ròi giữa tình cảm và tài chính kinh tế. Khi chưa chính thức sống chung 1 nhà, ăn chung 1 mâm thì nên ví ai người ấy quản sẽ thoải mái cho cả đôi bên. Tất nhiên, đôi khi vẫn phải có sự 'du di' cho hợp hoàn cảnh.
Tuy nhiên, anh chàng trong câu chuyện dưới đây lại áp dụng 'công thức' này một cách quá cứng nhắc tới mức tính toán thiệt hơn với cả cô gái chuẩn bị cùng mình về chung một nhà. Bất bình vì việc này, cô ấy phải lên mạng xã hội than thở.
'27 tuổi từng trải qua đôi ba mối tình, sâu sắc có, vui vẻ có nhưng vì vài lý do nên em với người ta không đi được tới cùng. Cho tới cuối tháng 8 năm ngoái, em gặp và yêu K. thì cả hai cùng xác định chuyện tình cảm là nghiêm túc. Lẽ ra theo lịch bọn em cưới ngay đợt ra Giêng nhưng vì dịch dã quá nên hoãn lại. Sau bố mẹ anh đi xem, quyết định cuối tháng 7 âm này ăn hỏi, đầu tháng 8 cưới.
Ảnh minh họa
Nói thật, trong khoảng thời gian yêu, em cũng nhận thấy K. thuộc diện khá chặt chẽ. Bởi những lần hẹn hò trước, mỗi lần đi ăn đi chơi em toàn được bạn trai trả hết, hầu như chẳng bao giờ phải rút ví thanh toán. Cùng lắm họ để em mời tách cà phê hay cốc trà sữa là cùng. Thế nhưng K. lại khác, được 1, 2 tháng đầu theo đuổi thì anh mời. Đến khi chính thức yêu rồi bọn em toàn cưa đôi, kể cả tiền ăn, đi du lịch, thậm chí đến xem phim cũng vé ai người ấy trả. Anh nói thích sòng phẳng, như thế cho khỏi lăn tăn.
Ban đầu em cũng hơi bị 'hẫng' nhưng sau lại nghĩ đàn ông chặt chẽ vậy cũng không phải xấu vì anh biết quản lý ví tiền của mình. Sau này cưới về, em không lo chồng ra ngoài sĩ diện tiêu tiền cháy túi.
Đợt Tết em đổi xe, biết em thiếu tiền anh chủ động cho vay 7 triệu. Em nói thẳng nhất định sẽ trả lại khi có. Song khoảng thời gian này công việc của em gặp khó khăn. Ảnh hưởng mùa dịch, lương em bị giảm 50% nên chưa gửi trả tiền K. ngay được.
Hôm vừa rồi hai nhà nói chuyện người lớn, tính chuyện ăn hỏi. Không ngờ ngay tối ấy K. hẹn em đi uống nước rồi bảo: 'Trước khi kết hôn, anh muốn nợ nần giữa chúng ta phải được giải quyết, như thế 2 đứa về chung 1 nhà mới được thoải mái'.
Em có chút tự ái nhưng cố dịu giọng bảo vâng, có gì hôm sau chuyển khoản. Vậy mà K. tiếp luôn lời: 'Em nhớ tính cả lãi nhé. Tính chuẩn theo phẩy ngân hàng'.
Tưởng K. tếu táo đùa thôi, em cười trừ ai dè anh nghiêm giọng: 'Anh nói nghiêm túc đó. Đợt em vay anh vàng có hơn 30, 7 triệu là được hơn 2 chỉ vàng. Giờ vàng trên 50. Nếu tính theo giá vàng sẽ thiệt em, anh mới tính nhẹ theo lãi ngân hàng đó. Phải người ngoài sẽ không như vậy đâu'.
Ôi, tới đây thì em choáng váng hẳn các chị ạ. Đúng là đời không như mơ, có chết em cũng không nghĩ tới cái cảnh bạn trai cho vay tính lấy lãi như thế. Đã vậy hai đứa còn chuẩn bị cưới nữa. Nghĩ tới viễn cảnh sau này sống với người tính toán kinh khủng như vậy, em thấy rùng mình nên rút luôn điện thoại, lấy tiền chuẩn bị đám cưới của bản thân ra chuyển trả anh ta luôn 10 triệu bảo: 'Tôi trả anh theo giá vàng, đúng kiểu người dưng như anh nói. Giữa chúng ta coi như hết nợ nần nhé. Từ nay đừng bao giờ tìm tới tôi nữa'.
Ảnh minh họa
Dứt khoát chia tay mặc cho K. van nài giải thích, em bỏ ngoài tai hết. Bởi hành xử của anh đã phản ánh hết bản chất, tính cách thật của anh. Nói thật, phụ nữ mình lấy chồng không màng giàu sang, có thể lấy người nghèo về cùng chung lưng đấu cật vượt khó chứ lấy phải người tính toán, so đo quá khổ cả đời. Vậy nên em quyết định buông tay không nuối tiếc các chị ạ'.
Câu chuyện của cô gái thu hút sự chú ý của khá nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Hầu hết mọi người đều tỏ vẻ ngán ngẩm với lối hành xử quá tính toán của chàng trai này. Biết rằng tiền bạc phân minh nhưng cư xử của anh là khó chấp nhận, tính cả lãi với cô gái mình chọn làm vợ, chắc rằng trên đời này chỉ có anh là một nên quyết định chia tay của cô gái được nhiều người ủng hộ.
Hiện chưa rõ tính xác thực của câu chuyện này tới đâu, tuy nhiên qua đây các bạn trẻ cũng nên rút kinh nghiệm cho bản thân cách cư xử sao cho hợp lòng người, tránh để xảy ra chuyện đáng tiếc như chàng trai trên nhé.