Người phụ nữ hội tụ đủ các chứng bệnh về tâm lý, suýt tự tử ở tuổi 25
'Bạn có thể tưởng tượng được không khi trước ngày cưới bạn bị mất hết cảm giác, không còn biết mình đang thế nào với sự kiện ai cũng nghĩ là trọng đại nhất của người phụ nữ này', đó là điều Đồng Lê Quỳnh Hương kể, nhưng đó cũng chỉ là một chi tiết nhỏ của người hội tụ đủ các chứng bệnh về tâm lý: đa nhân cách, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm…
Thực ra cũng không chỉ có thế, năm 25 tuổi Hương cũng đã từng suýt tự tử vì sống trong trạng thái không có cảm nhận buồn vui gì từ cuộc sống. Trước đó Hương luôn là người sống vội, lúc nào cũng muốn chứng tỏ bản thân mình. Làm gì cũng muốn là nhất và đạt được mục đích bằng mọi giá hoặc được người khác ghi nhận.
Nhưng sau khi bỏ một công việc ổn định, điều trị tâm lý và chống đỡ với chính bản thân mình một cách tuyệt vọng, một ngày Hương đã nghĩ đến tuổi thơ. Đó là tất cả những gì Hương yêu thích, cô biết trong hình hài của cô gái trưởng thành là một tâm hồn của đứa trẻ lên 8, Hương chỉ yêu thích nhạc xưa, đặc biệt là nhạc Phạm Duy, điên cuồng với những thứ xưa cũ, những thứ nhắc lại về thời thơ ấu của chính mình.
Bởi thế, nên cô đã sáng lập ra 'nhà của thời ấu thơ' cùng người bạn đời là Anh Luân, người đã sát cánh cùng cô những ngày cô vật vã trong sự sống và cái chết, trong trạng thái vô cảm của một người phụ nữ sâu sắc, tinh tế và cả những quá vãng của tuổi ấu thơ… Và dù trước đó Hương đã khỏe mạnh hơn về tinh thần nhưng sau khi 'xây nhà' thì thứ còn lại với cô chỉ là nhiệt huyết, là trẻ con, tình yêu và những điều xưa cũ…
'Xây nhà' vì hoài niệm những ký ức tuổi thơ
Tuy tính cách có phần trẻ con và như Hương tự nhận là 'tâm hồn của đứa trẻ lên 8' nhưng thực ra Hương lại là người cực kì sâu sắc, giỏi giang… Là tuýp phụ nữ hiện đại, mê thời trang đến điên rồ, làm việc cũng điên khùng, trong đầu đầy ắp ý tưởng và những căn bệnh về tâm lý không thể biết trước lúc nào lại 'bùng' lên… nhưng những kí ức của thời xa xưa ngọt ngào trong Hương và người bạn đời của cô vẫn luôn ở đó. Hương dễ xúc động với những vật dụng xưa cũ nơi ấu thơ cô đã từng 'chạm' đến và nếu có gặp lại vẫn khiến trái tim cô xốn xang.
Hương sơn tường vàng để nhớ những ngôi nhà màu đất xưa, lùng khắp Sài Gòn để chọn từng viên gạch bông nữ hoàng sưu tầm bằng đủ cách để décor cho ngôi nhà quay về những năm 60 - 90. Tủ gỗ, ghế gỗ, ghế mây, máy hát đĩa than, loa thùng, đèn măng-xông, bàn máy may… cho đến những món đồ chơi cho trẻ con cổ ơi là cổ là những con búp bê thuở xa xưa, những món quà vặt của thế hệ trước… Trẻ con, người lớn tới đây hãy ngồi xuống bỏ điện thoại, iphone, ipad và chơi những trò dân gian, ngồi trên chiếc ghế mây này… để sống chậm như một thời hạnh phúc đã từng.
Điều trước tiên Hương xây ngôi nhà này để cô và người đàn ông tri kỷ được sống trong những ngày tuổi thơ tươi đẹp ngay cả ở thì hiện tại. Sau nữa vì cả hai đều có chung tình yêu với trẻ con nên họ mở những lớp học mà trẻ con được vui vẻ theo cách khác, là niềm vui từ tâm hồn chứ không phải sự lệ thuộc vào công nghệ, thứ hạnh phúc trong cô đơn, đó là bàn tay ve vuốt của điện tử chứ không phải là cái ôm của mẹ cha…
Lũ trẻ tới vừa học, vừa vui đến mức chẳng muốn về. Hương cũng quên mất mình đã từng trầm cảm, đã mang bệnh mà người ta buộc phải sống chung… Con người hay cáu kỉnh, có chút tính toán thiệt hơn giờ biết nhìn vào những điều tốt đẹp, vào sự thánh thiện, tử tế của chính mình và người khác.
Và nói không ngoa, tình yêu và trẻ con đã cứu rỗi người phụ nữ 'điên khùng' như Hương để niềm vui sống mỗi ngày là thật và không còn phải lo cái trạng thái 'vô cảm' lại xảy đến nữa bởi trong lúc cô điên loạn vì tâm thần thì người đàn ông là chồng cô bây giờ vẫn điềm nhiên ở đó.
'Chấp nhận' là cách mọi người gọi, còn anh ấy vẫn gọi là 'tận hưởng' cô, Luân bảo Hương bình thường mà, hãy để cô ấy sống đúng là cô. Còn lũ trẻ và ngôi nhà này thì nó quá đỗi yên bình mà lại tràn sức sống của sự thành thật nó kéo cô không thể đi ra khỏi trạng thái cảm xúc lúc này đó là tình yêu, niềm vui và sự hạnh phúc.
… và cho trẻ một đêm trăng rằm lộng lẫy
Với mỗi ngày thường như thế thì không có lý gì mà đúng dịp Tết Trung thu trẻ con lại không được hưởng một cái Tết Trung thu truyền thống một cách đúng nghĩa nhất và có những 'đêm trăng rằm lộng lẫy'.
Cách của Hương là cho các em làm bánh phục linh, vẽ lồng đèn giấy, lồng đèn lon… những vật dụng dùng trong đêm trung thu handmade để trẻ hiểu niềm vui giản đơn mà có thể bền lâu như thế nào. Hương cũng lọ mọ đi tìm kiếm những thứ xa xưa để cho trẻ được sống trong không khí tuyệt vời ấy, của những đêm trung thu lộng lẫy của bầu trời tuổi thơ. Trẻ con cũng được chơi những trò chơi dân gian: tạt lon, ô ăn quan, kéo co, coi hát ở rạp hát tự tạo, rước đèn đi khắp xóm…
Một cuộc sống mà nhiều người chọn cách dúi cho đứa trẻ chiếc Ipad để yên thân thì vẫn có một người phụ nữ bé nhỏ bày trò 'chơi trung thu' với lũ trẻ theo cách cũ. Hương nói: 'Mình muốn lũ trẻ hiểu trung thu thực sự là Tết chứ không phải chỉ có xách đèn lồng đi ăn nhà hàng rồi trở về. Trẻ con dễ vui nhưng để vui dài lâu, có dư âm và tạo thành những ký ức tuổi thơ ngọt ngào để nâng đỡ ta lúc khó khăn của tuổi trưởng thành thì phải thực sự cho chúng những ngọt ngào dù có mất công, mất sức hơn', Hương nói.