Những chuyện tình của các giai nhân Hà thành luôn mang đến sức hút khó tả. Họ vừa xinh đẹp, xuất thân cao quý và tiếng tăm vang dội. Bởi vậy, ai đó có được trái tim họ cũng thuộc dạng đẹp trai phong lưu có tài năng hơn người.
Trong số Tứ đại mỹ nhân Hà thành xưa, người đẹp Đỗ Thị Bính (Phượng Hàng Đẫy) là một trong những người có cuộc đời may mắn hơn cả.
Giai nhân đất Hà thành và mối tình câm lặng
Đỗ Thị Bính là con gái của nhà tư sản Đỗ Lợi, nhà thầu khoán lớn nhất Hà Nội trước 1930 và kinh doanh vật liệu xây dựng. Bà Đỗ Thị Bính sinh ra trong ngôi nhà số 37 Hàng Đẫy (nay là 67 Nguyễn Thái Học) và là một tiểu thư đúng nghĩa khi rất được cha mẹ cưng chiều, mời thầy đến nhà để dạy học.
Sau này, bà đi học trường Tây, cộng thêm sự dạy dỗ nghiêm khắc của cha mẹ nên bà Bính rất dịu dàng nhu mì, công dung ngôn hạnh đủ cả. Không chỉ vậy, bà còn có nét thanh tao, thanh lịch của người con gái đất Tràng An.
Không chỉ thế, bà còn thông minh và tháo vát trong chuyện lo toan sổ sách gia đình. Bùi Thị Mai - con gái của bà Đỗ Thị Bính chia sẻ trong một bài phỏng vấn:
'Từ năm 12 tuổi, mẹ tôi đã giúp ông ngoại trong công việc làm ăn. Bà được cha giao cho trách nhiệm trông coi vật liệu xây dựng, trông thợ làm việc'.
Sau này khi đến tuổi cập kê, danh tiếng của giai nhân Đỗ Thị Bính càng nổi bật hơn. Bà có vẻ ngoài xinh đẹp, nước da trắng ngần, đôi mắt tròn lúng liếng. Nhiều công tử, đại gia đương thời đã 'mê mệt' và muốn có được trái tim vị tiểu thư giàu có.
Tứ đại mỹ nhân Hà thành. Bà Bính mặc áo dài đen ngồi thấp nhất.
Thời điểm đó, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp là một trong những cái tên say mê bà Bính nhất và cũng để lại chuyện tình nhiều tiếc nuối nhất.
Thời điểm đó, ông Nhược Pháp làm việc ở báo Annam Nouveau và hay mượn cớ đi ngang qua nhà bà Bính để ngắm người đẹp. Bà Bính lại hay tưới cây, tỉa cành và ngắm hoa.
Sự xuất hiện của vị thi sĩ trẻ tuổi bà Bính đều biết. Họ chỉ trao đổi cho nhau ánh mắt rồi lại tạm biệt. Cả hai đều có cảm tình với nhau 'tình trong như đã mặt ngoài còn e' nhưng chưa ai dám lên tiếng.
Chân dung bà Đỗ Thị Bính.
Khi đó, trong thơ của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp luôn thấp thoáng hình bóng của một giai nhân xinh đẹp dịu dàng với đôi môi đỏ. Hình ảnh về người đẹp đó xuất hiện trong các tác phẩm như 'Tay ngà', 'Chùa Hương'… Ai cũng cho rằng, người đẹp Đỗ Thị Bính chính là người cảm hứng cho tất cả những hình ảnh đó.
Mặc dù nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp mê đắm bà Bính nhưng ông lại chẳng dám tiến đến. Ông xuất thân từ gia đình bình thường, gia cảnh nghèo khó. Cô Bính lại lớn lên trong cảnh giàu có vượt trội. Bởi vậy, cả hai đều mang nỗi tương tư nhưng chẳng dứt khoát được với nhau.
Năm 1938, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp qua đời vì bệnh lao khi chỉ mới 24 tuổi. Sự ra đi của ông đã khiến cho mối tình lặng câm dang dở và sự nhớ nhung rất lớn của giai nhân Đỗ Thị Bính.
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp mê đắm bà Bính.
Cuộc hôn nhân trọn vẹn và êm đềm
Sau này, cô Bính được mai mối và gia đình thuyết phục kết hôn với chàng kỹ sư học từ Pháp về tên Bùi Tường Viên. Ông Viên là em trai của luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu.
Không chỉ vậy, ông Viên lúc đó là Hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Đông Dương, nay là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Ông Viên có thân phận cao quý và tài năng hơn người. Không chỉ thế, gia đình cũng hiển hách. 16 tuổi, ông đã sang Pháp du học về ngành Silicat và là kỹ sư hàng đầu Việt Nam thời điểm đó.
Vợ chồng bà Đỗ Thị Bính có cuộc sống bình yên và hòa hợp với nhau. Bà Bính được nuôi dạy chu đáo từ nhỏ nên trở thành người dâu hiền, rể thảo và là người mẹ chuẩn mực cho các con.
Con gái bà kể về mẹ mình sau này rằng đến bữa ăn cùng gia đình chồng, bà Bính đều ăn sau cùng, phục vụ cho bố mẹ và chồng con ăn trước. Bà chẳng bao giờ đi ăn hàng quán mà chỉ trung thành với món bún thang do tự tay mình chế biến. Đến con cái của bà Bính cũng nhiều lần phải bất ngờ với sự đảm đang tháo vát của người mẹ danh tiếng thuở nào.
Vợ chồng bà Bính trong một bức ảnh.
Bà đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và êm ấm suốt mấy chục năm. Dù lấy chồng, bà vẫn có niềm đam mê với tiểu thuyết, sách vở. Thường ngày có thời gian rỗi, bà Đỗ Thị Bính vẫn mang tiểu thuyết ra đọc. Chính vì vậy mà cho dù có tuổi hay già cả, bà vẫn giữ được sự học thức, minh mẫn khiến cho con cháu cũng khâm phục.
Năm 1992, bà Đỗ Thị Bính qua đời ở tuổi 77 ở Hà Nội, kết thúc cuộc đời của vị giai nhân tuyệt sắc nổi danh đất Hà Thành.
Trong số những người thuộc nhóm 'Tứ đại mỹ nhân Hà thành', bà Đỗ Thị Bính có cuộc đời êm đềm hơn cả. Cuộc hôn nhân của bà trọn vẹn hạnh phúc và khiến con cháu đời sau đều phải ngưỡng mộ, lấy đó làm gương.
Tổng hợp