Tự ti vì xuống sắc
Chị Lê Thị K. 24 tuổi, Hà Nội chia sẻ về câu chuyện của mình trên một diễn đàn EVA. Theo chị K. chị cưới chồng được hơn 3 năm và đã sinh bé được 27 tháng. Từ sau khi sinh, chị K. tự ti với cơ thể của mình, nhất là lúc gần chồng.
Khi mang thai chị tăng 28 kg. Sau sinh chị xuống cân nhanh nhưng hậu quả của xuống cân là cả thân hình thay đổi. Da chùng vùng bụng cùng với vết rạn chằng chịt màu thâm, tím. Ngực cũng bị rạn như vết lươn, quần ngực thâm sạm. Đặc biệt, vùng tam giác mật là nỗi ám ảnh của chị K. nhiều nhất vì vết khâu tầng sinh môn để lại vệt sẹo dài. Vì sau sinh chị K. bị nhiễm trùng vết khâu, cơ địa sẹo lồi nên đây là nỗi ám ảnh của chị.
Từ đó, chị K. luôn tự ti vì thân hình của mình. Chị kể bản thân không dám nhìn mình trước gương chứ chưa nói tự tin trước mặt chồng. Mỗi lần gần gũi, chị K. đều bắt chồng tắt đèn tối om.
Dù chồng chị luôn động viên 'tắt đèn nhà ngói như nhà tranh' nhưng bản thân chị vẫn không thể tự tin. Thậm chí, ban ngày mà chồng 'khều khều' đòi là chị cũng từ chối. Mới 24 tuổi, K. thực sự sợ khi những điểm xấu đó sẽ theo mình mãi mãi.
Nhiều chị em cũng vào chia sẻ với K. trong đó có nhiều người từng rơi vào hoàn cảnh của K., trầm cảm vì cơ thể thay đổi sau sinh đẻ.
Ảnh minh hoạ
Còn trường hợp của Thuỳ Linh – 21 tuổi đang sống tại Hà Nội. Linh chia sẻ cô luôn tự tin vì sắc tố da của mình. Hầu hết các điểm nhạy cảm da rất sẫm màu, và cô thấy như thế không đẹp.
Linh đọc trên mạng người ta bảo rằng: con gái chưa gì thì những vùng da đó phải hồng hào. Với bạn trai, cô cũng chỉ nắm tay, ôm hôn. Linh lo sợ không biết nếu một ngày đi quá giới hạn bạn trai sẽ đánh giá cô như thế nào? Linh muốn thử mua các sản phẩm làm hồng 'cô bé' để thử xem có cải thiện được không.
Khi nào nên thẩm mỹ?
Theo bác sĩ Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhiều phụ nữ tự ti vì vùng kín xuống cấp, xập xệ sau sinh. Họ luôn cho rằng, vùng kín quá xấu nên e dè trong việc sinh hoạt vợ chồng. Nhiều chị em quyết định tìm đến bác sĩ để chỉnh sửa những 'khiếm khuyết' này.
Thậm chí, nhiều chị em cảm thấy ám ảnh cơ quan vùng kín của mình, chị em không dám cởi mở với chồng mình. Nhiều vùng cơ thể khiến chị em lo lắng nhất là màu sắc của cơ quan sinh dục, màu sắc vùng ngực.
Với phụ nữ trải qua mang thai, sinh còn thì họ cảm nhận rõ xập xệ của cơ thể như biến đổi màu sắc da ở các vùng khác nhau ngực, nách, cổ, vùng kín. Da bụng thì rạn, chùng xuống. Vì vậy, chị em ám ảnh, tự ti không dám bật đèn khi gần gũi với chồng cũng là điều dễ hiểu. BS Thành cho rằng cánh mày râu cũng nên chia sẻ với chị em.
Tuy nhiên, bác sĩ Thành cho rằng để làm thẩm mỹ và làm đẹp thì có nhiều yếu tố khác nhau. Sau sinh nở các mẹ bình tĩnh. Sau sinh phải 6 tuần cơ thể mới bắt đầu trở về bình thường. Các vết rạn, màu sắc sạm da, màu thâm của cơ quan sinh dục cũng giảm dần do nội tiết nhau thai hết. Còn để hồi phục cơ sàn chậu thì đẻ thường phải mất 6 tháng, đẻ mổ phải mất 1 năm.
Bác sĩ Thành cho rằng chị em nên bình tĩnh chờ đợi sau một thời gian cơ thể sẽ trở về bình thường. Nếu sau 1 năm mà các cơ quan đó không cải thiện, chị em muốn 'tân trang' cũng nên qua 1 năm sau sinh.
Khi thẩm mỹ vùng kín, bác sĩ Thành lưu ý chị em hết sức thận trọng vì cơ quan này cũng có nhiều dây thần kinh. Việc 'sửa sang' có thể làm đẹp mắt nhưng chị em lại mất cảm giác. Khi muốn tân trang, khuyến cáo chị em nên chọn các cơ sở uy tín, do bác sĩ có chuyên môn về sản phụ khoa để thực hiện. Bác sĩ hiểu cấu trúc cơ quan sinh dục, các điểm dây thần kinh cần 'bảo tồn' chứ không phải cái gì cũng cắt cho đẹp nguy cơ cắt luôn cả các điểm dây thần kinh cảm giác.