Tuy mới chỉ ra mắt phiên bản closed beta nhưng đứa con cưng của Riot đã nhanh chóng gây sốt trên toàn thế giới. Sở hữu một lối chơi khá dễ hiểu thân thiện với người chơi mới, cấu hình nhẹ có thể chơi trên cả những dòng máy có cấu hình yếu và một chiến dịch marketing hiệu quả, Valorant đã thu hút được không chỉ người chơi phổ thông mà cả các game thủ chuyên nghiệp, đặc biệt là tại khu vực Bắc Mỹ.
Rất nhiều tổ chức danh tiếng như T1, Sentinels,100Thieves... đã thông báo về việc xây dựng team Valorant cho riêng mình với sự góp mặt của các cựu pro player CS:GO. Cũng đã có nhiều showmatch với số tiền thưởng khủng và thu hút được lượng view rất cao, qua đó cho thấy tiềm năng của tựa game này.
Một trận showmatch Valorant với sự góp mặt của các thành viên G2 Esports, Astralis và Origen
Trong thời gian vừa qua đã có hàng loạt các game thủ CS:GO chuyên nghiệp, chủ yếu ở khu vực Bắc Mỹ, đã chuyển sang thi đấu Valorant với những cái tên nổi tiếng trong cộng đồng CS NA như Swag, TenZ, Zellsis, Laski hay mới đây nhất là Freakazoid, một player đã thi đấu CS chuyên nghiệp trong hơn 10 năm và từng góp mặt trong những đội tuyển chuyên nghiệp như Cloud9, Echo Fox, eUnited,...
Không chỉ có các player, nhiều đội tuyển tier dưới cũng đã phải disband trong thời gian gần đây vì lý do tương tự. Vào hôm qua Bad News Bears, đội tuyển từng đứng ở vị trí 33 thế giới, đã chính thức thông báo disband sau khi 2 thành viên là crashies và dapr quyết định chuyển sang thi đấu Valorant chuyên nghiệp. Trước đó 2 thành viên của Swole Patrol là food và Zellsis cũng đã thông báo về việc chuyển sang thi đấu tại Valorant, khiến đội tuyển này chỉ còn 2 thành viên và đứng trước nguy cơ disband.
Trong Twitlonger thông báo của mình, Zellsis đã thừa nhận rằng 'các tổ chức không còn quan tâm tới các team tier dưới nữa, thậm chí một lời hứa hẹn hỗ trợ cũng không.' Yay, một player từng thi đấu cho những đội tuyển như Lazarus, Swole Patrol hay Orgless cũng đã có một Twitlonger với những chia sẻ rất thực lòng.
'Đúng là có những tổ chức muốn tìm một team để tài trợ, nhưng họ không hứng thú với bất kỳ cái tên nào không nằm trong top 10-20 team cả. Họ muốn một team ổn định và đã có thành tích nhất định. Mặt khác, thật khó để có thể trở nên giỏi hơn khi đối thủ của bạn có sự hỗ trợ của coach, analyst, những nhà tâm lý học, cơ sở vật chất (chỗ ở, máy móc, điều kiện sinh hoạt,...), được bootcamp và quan trọng nhất là được trả tiền lương. Bạn không nhất thiết phải có những yếu tố trên để thành công, tuy nhiên chắc chắn chúng sẽ giúp player tránh được những áp lực không cần thiết và tập trung vào việc cải thiện khả năng của mình.
Một điều nữa là tại sao bạn lại bỏ tiền đầu tư vào những team CS tier dưới khi xuất hiện những tựa game mới như Valorant? Các tổ chức sẽ có nhiều cơ hội kiếm lời hơn khi nền pro scene của Valorant vẫn còn rất non trẻ và nhiều tiềm năng. Đây chính là thời cơ vàng để đầu tư và các tổ chức chẳng việc gì phải đầu tư vào một team trong top 20-30 cả.'
Qua các chia sẻ trên chúng ta có thể phần nào hình dung về tình hình hiện tại của các team tier dưới và cũng hoàn toàn dễ hiểu khi các player tier dưới đi tìm kiếm sự nghiệp mới cho mình ở một tựa game mới.
Những sự ra đi này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không tốt tới nền CS trong ngắn hạn, tuy nhiên về lâu dài thì chúng sẽ là những cơ hội vàng để các tài năng trẻ chứng minh khả năng của mình và được thi đấu ở cấp độ chuyên nghiệp.
Hơn thế nữa, sự cạnh tranh chưa bao giờ là một điều xấu và sự xuất hiện của những tựa game như Valorant sẽ khiến CS:GO phải phát triển hơn nữa và mang tới những tính năng mới mẻ, thu hút nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.