Tất nhiên, câu trả lời thay đổi đáng kể theo thời gian. Ở thời điểm năm 2006 - 2007 khi Võ Lâm Truyền Kỳ cực thịnh, nó là KHÔNG. eSports quá nhỏ bé, không đáng kể so với làn sóng nhập vai mà VNG không có đối thủ. Cách đây 5 - 7 năm, khi làm sóng eSports online (mà ví dụ là Liên Minh Huyền Thoại hay DotA 2 trỗi dậy), đáp án là có nhưng không cũng chẳng sao bởi VNG vẫn sống khỏe với thế mạnh của mình khi chỉ 2 năm sau đó, họ ra mắt siêu phẩm Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile - game có thời điểm, theo tin đồn, chiếm tới ½ doanh thu toàn thị trường.
Thế nhưng 2020 là một câu chuyện hoàn toàn khác. Cuối cùng đã tới thời điểm tôi dám tự tin khẳng định eSports là sân chơi mà VNG phải thắng nếu muốn tiếp tục duy trì vị trí là NPH game số 1 của mình.
eSports đang khẳng định là dòng game 'kiếm được' nhất trên thế giới, kể cả ở Trung Quốc khi luôn chiếm ít nhất 1 nửa top 10 game có doanh thu cao nhất và luôn có xu hướng tăng. Trong khi dòng game sở trường của VNG, nhập vai có vẻ đang đi vào giai đoạn suy thoái do sự dịch chuyển nền tảng và thói quen game thủ.
Top 10 game luôn có 1 nửa đến từ các game eSports.
Mối quan hệ của VNG với eSports khá kì lạ. Dù ở thời điểm eSports kém hấp dẫn nhất, họ vẫn luôn cố gắng để chinh phục thể loại này hoặc thậm chí, biến những game lớn nhất họ có, phát triển và tận dụng cộng đồng theo hướng eSports.
Bạn sẽ rất ngạc nhiên trước mức độ chuyên nghiệp của những đội tham gia Thiên Hạ Đệ Nhất Bang (giải đấu đồng đội của Võ Lâm Truyền Kỳ PC) cách đây 10 năm. Bạn cũng ngạc nhiên nếu tôi nói với các bạn rằng VNG là NPH game chăm tổ chức giải đấu và hoạt động mang tính chất thi đấu bậc nhất Việt Nam, nếu tính theo số lượng. Bạn khả năng cao cũng sẽ tiếp tục ngạc nhiên nếu biết VNG đã từng có tham vọng xây dựng một nền tảng livestreaming game cách đây rất lâu. Bạn sẽ lại tiếp tục ngạc nhiên khi tôi nói với bạn VNG (đã từng) có một giải đấu MOBA gần giống VCS.
Bạn sẽ không tin khi tôi nói rằng Thiên Hạ Đệ Nhất Bang có mức độ chuyên nghiệp ngang ngửa thậm chí cao hơn đa số các giải đấu eSports hiện tại.
Nhưng đáng tiếc tất cả đều thất bại
Giấc mơ VNG eSports và cơ hội cuối cùng mang tên Tốc Chiến
Mỗi con người chúng ta, ai cũng có giấc mơ, rất nhiều trong số đó không thành hiện thực. Với VNG, đó là eSports. Không khó để chúng ta nhận thấy khát khao eSports của VNG cháy bỏng đến chừng nào. Nếu nhìn vào khía cạnh tài chính, đây có vẻ là một giấc mơ vô lý khi có cộng cả thị trường eSports Việt hiện tại cũng chưa chắc bằng một game lớn của VNG. Nhưng như tôi đã nói, xu thế của thị trường đang dịch chuyển rất nhanh về hướng eSports. Và sẽ càng không có gì lạ nếu bạn biết rằng những người quyền lực nhất VNG, ít nhất trong mảng game, vốn là những cái tên cộm cán của giới eSports thời kỳ đầu tiên.
Sẽ có người cho rằng tôi khó tính khi nói VNG thất bại ở mảng eSports. Nhưng hãy điểm qua trong đầu bạn 10 game eSports nổi bật và 5 giải đấu đáng nhớ nhất Việt Nam. Với tôi, không có cái nào xuất phát từ VNG.
Nguyên nhân vì đâu, chúng ta sẽ bàn trong một dịp khác (tất nhiên, sẽ chỉ có nếu các bạn quan tâm chủ đề này). Trong bài này, chúng ta sẽ chỉ bàn đến biểu hiện và nguyên nhân tại sao Tốc Chiến lại là cơ hội cuối cùng để VNG vươn lên trong cuộc chiến mà họ buộc phải thắng.
Hãy nói về Tốc Chiến. Dù yêu hay ghét chúng ta đều phải thừa nhận đây là game được mong chờ nhất ít nhất trong năm 2020. Là phiên bản mobile của tựa game eSports lớn nhất thế giới, được đầu tư bài bản bởi NPH game lớn nhất thế giới, ra mắt trong thời điểm đối thủ đang tụt dốc, thậm chí có tin sắp bị loại bỏ. Tốc chiến đã hội tụ được Thiên thời, Địa lợi và có chăng, họ chỉ thiếu một yếu tố để thành công: con người - và đó là điều tôi lo lắng nhất.
Tốc Chiến là sản phẩm được mong chờ nhất 2020
VNG luôn làm chúng ta bất ngờ. Với mảng nhập vai, đó là những bất ngờ đầy thán phục về cách họ biến những game không có gì đáng chú ý thành những siêu phẩm. Còn với mảng eSports, hơi khó nghe nhưng phải thẳng thắn, rất nhiều quyết định vô cùng bất hợp khiến cho họ chưa bao giờ thành công trong mảng này.
Họ tổ chức những hệ thống giải đấu rất kỳ lạ, cả về cách tổ chức lẫn thể lệ. Họ đầu tư nhiều vào các hoạt động này nhưng không có chiến lược đủ mạnh khiến không một giải đấu nào của họ để lại ấn tượng đủ lớn, như cái cách mà Garena luôn thành công từ game này qua game khác.
Họ tổ chức những sự kiện cộng đồng, nhưng không phải cách mà cộng đồng eSports vận hành. Và lịch sử đã chứng minh VNG không đúng, ít nhất cho đến thời điểm này. Họ chắc chắn đã nhận được nhiều lời khuyên, nhưng lại chọn theo cách bảo thủ. Những công thức đã đem đến thành công trên thị trường nhập vai, hoặc dòng game H5 - theo tiêu chuẩn nào đó, rõ ràng nó 'không work với nhau' và thật khó để tôi 'ờ mây zing, gút chóp' như cái cách Binz khen xã giao thí sinh, vâng kể cả là xã giao.
Lý do cuối cùng mà bất cứ một người nào thuộc VNG biện hộ cho thất bại của họ là họ chưa tìm được một game eSports đủ lớn thì đây, Tốc Chiến là cơ hội tốt nhất của họ. Đây chắc chắn là sản phẩm lớn nhất mà họ hay bất cứ ai có thể tìm được ở thời điểm này, kể cả khi họ cho PUBG Mobile hay Call of Duty Mobile là game nhỏ, không đủ tầm. Tốc Chiến có mọi thứ, từ chất lượng game, danh tiếng cho đến sự phù hợp với thị hiếu của thị trường.
Tất nhiên, với Tốc Chiến + VNG, định nghĩa về thành công chỉ có 1 duy nhất: đứng đầu thị trường. Nếu xét riêng lẻ game, tôi tin đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi, nếu không muốn nói là dễ dàng bởi về tổng thể, Tốc Chiến vượt trội so với các đối thủ. Kể cả khi Liên Quân cũng lép vế ít nhiều khi đặt cạnh 'người anh em này'.
Nhưng nếu xét về cái cách VNG làm trong vài ngày nay, tôi lại không còn chắc chắn về nhận định của mình. Họ vẫn giữ cách làm đã khiến họ thất bại tại các tựa game trước. Những hoạt động truyền thông chính của họ trước thời điểm ra mắt, rõ ràng không phù hợp và không mang hiệu ứng lớn như cách đáng lẽ nó phải có.
Tôi có quan sát chuyến xe Tốc Chiến của VNG - hoạt động nổi bật nhất tiền ra mắt của tựa game này, tại một vài địa điểm. Số lượng tham gia, theo tôi và một vài anh em làm game khác, là không đủ tầm ở một hoạt động core truyền thông của một sản phẩm tầm trung, chứ chưa nói đến Tốc Chiến. Và ở thời điểm tôi đang ngồi viết những dòng này, các chỉ số social, truyền thông của họ không có gì ấn tượng - như cái cách đáng lẽ nó phải xảy ra. Tôi cũng check qua livestream của vài trăm streamer nổi tiếng ở VNG, Tốc chiến đang vắng bóng.
Chuyến xe Tốc Chiến, rõ ràng không thành công, ít nhất về mặt thu hút trực tiếp tại sự kiện.
Có thể, VNG đang hơi quá tự tin và sức hút tự thân của Tốc Chiến. Đúng, đây là game hot nhưng cái cách VNG làm hiện tại rõ ràng không đủ, hoặc ít nhất chưa đủ để bằng chứ đừng nói vượt qua Liên Quân.
Tất nhiên, còn quá sớm để biết được Tốc Chiến sẽ thành công hay thất bại với chiến lược hiện tại. Nhưng nếu là tôi, tôi sẽ tự tin vào cửa chiến thắng - như lần đầu trải nghiệm game. Và nếu lần này thất bại, sẽ không có cách nào để VNG nhìn nhận thất bại ngoài việc họ - một công ty được khai sinh bởi những game thủ eSports - không có người biết làm eSports.
Chưa bao giờ tôi mong tôi sai như lần này,
Kỳ sau: VNG eSports - Những kiểu sai lầm sẽ giết chết Tốc Chiến.