Điểm mạnh nhất của LMHT so với các tựa game cùng thể loại đó là nó nhẹ, dễ hiểu, không có nhiều cơ chế quá phức tạp và mọi người đều có thể chơi trò chơi này. Để làm được điều này thì Riot Games buộc làm cho client và bản thân LMHT đơn giản tới mức tối giản. Thậm chí việc game thủ chỉ có 1 vài vị tướng để lựa chọn cũng để đơn giản hóa quá trình học hỏi, số lượng tướng cần tìm hiểu càng ít thì thời gian để làm điều đó cũng ít theo tương ứng.
Điều này khiến cho LMHT nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu, từ Á sang Âu, từ nông thôn tới thành thị đều có thể bắt gặp game thủ chơi tựa game này. Lý do đơn giản là nó miễn phí, ai cũng có thể cài được và chơi được nên mọi người dễ dàng đón nhận. Điều này cũng dẫn tới sự nổi tiếng nhanh chóng của LMHT và chuyện nó trở thành trò chơi trực tuyến được nhiều người chơi nhất chỉ là sớm hay muộn.
Các sự kiện Esports của LMHT trước đây đều cực kì thu hút khán giả
Tuy nhiên sự tối giản đó dẫn tới chuyện client của LMHT quá thiếu tính năng, thậm chí còn gặp lỗi rất nhiều từ danh sách bạn, chế tạo Hextech... Ngay cả chuyện tới thời điểm hiện tại trò chơi này vẫn chưa có voice chat đã làm cho khả năng giao tiếp giữa các người chơi là cực kì hạn chế rồi. Tính năng là một chuyện, tiềm năng phát triển của các sự kiện ingame của LMHT cũng bị bó hẹp bởi sự tối giản mà client đang có.
Thử nhìn sang DOTA2 mà xem, Battle Pass hay trước đây là Compendium đã tồn tại từ năm 2013 rồi và nó mang tới một giao diện khác biệt thực sự so với bình thường. Để làm được điều này thì DOTA2 phải có một 'client' đủ khỏe để tải và chạy sản phẩm lớn như vậy một cách mượt nhất có thể. Chính điều này khiến cho những sự kiện từ đơn giản như ra tướng mới, cho tới hoành tráng hơn như ra mắt Battle Pass TI thì đều xuất hiện ở trong game.
Battle Pass của DOTA2 có quá nhiều thứ để game thủ khám phá
Trong khi đó LMHT lại không thể đưa những sản phẩm phức tạp đó vào client game được mà chỉ có những nhiệm vụ đơn giản như thế này
Trong khi đó những gì mà 'sự kiện LMHT' đang làm là gì? Mua vé sự kiện và làm nhiệm vụ một cách đơn điệu và... chấm hết, những thứ như chế độ chơi đặc biệt chỉ là Riot đưa trở lại game để làm thỏa mãn cộng đồng. Nếu người ta không kêu ca quá nhiều thì dám cá là Riot cũng bỏ luôn mấy game mode này.
Cũng phải dành lời khen cho mini game Liên Kết Hoa Linh của event lần này, nỗ lực tạo ra một game 'Dating Simulator' trong nền tảng client đơn sơ như hiện tại thật đáng khâm phục.
Ít nhất thì minigame Liên Kết Hoa Linh cũng cho thấy bước tiến mới trong việc thiết kế sự kiện của Riot
Với việc LMHT có rất nhiều người chơi và quan tâm trên toàn cầu, trò chơi này luôn nhận được sự chú ý rất lớn từ phía cộng đồng. Chuyện những sự kiện Esports của LMHT chặt cứng người xem (rất tiếc điều này không còn ở thời điểm này), hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu khán giả theo dõi qua các kênh streaming cũng là điều hết sức bình thường.
Tuy nhiên đi kèm với đó là sự toxic và nhiều hệ lụy xấu đã và đang tồn tại trong LMHT. Dễ thấy nhất chính là sự toxic của các người chơi, bạn có thể thấy những đoạn thoại chửi bới nhau thậm tệ trong gần như là mọi game đấu LMHT. Khi mà bậc rank không chỉ thể hiện trình độ mà còn là niềm tự hào của bạn, người khác nhìn vào đó để đánh giá thì những dịch vụ như cày thuê, 'cứu hộ rank', gian lận, mua bán tài khoản cũng từ đó mà xuất hiện.
Cày thuê hay ở nước ngoài gọi là Elo boosting xuất hiện như một nhu cầu tất yếu của những game thủ 'không làm mà muốn có rank'
Bản thân phía nhà phát hành cũng nghiêm cấm điều này, tuy nhiên chúng vẫn tồn tại, phát triển tinh vi hơn nữa bởi đó là nhu cầu của một bộ phận game thủ mà 'có cung thì ắt có cầu', đơn giản như vậy thôi.
Riot Games hiểu những điều này và họ vẫn đang nghiên cứu giải pháp để giải quyết những vấn đề trên, tuy nhiên thực tế đã chứng minh là họ chỉ đang tìm cách chữa cháy và xoa dịu cộng đồng mà thôi. Riêng vấn đề sửa lỗi thì chuyện bản trước vừa sửa được bug ở tướng này, bản sau lại xuất hiện ở chỗ khác không còn quá lạ nữa. Riot Games đang cuốn vào vòng luẩn quẩn do chính họ tạo ra và những gì họ có thể làm hiện tại thì chỉ là 'sai đâu sửa đấy' mà thôi.
Riot Games có lẽ quá quen với cảnh 'sai đâu sửa đấy' trong những năm qua rồi