'Chúa ruồi' là tuyệt tác ra mắt năm 1954 của nhà văn William Golding, kể về nhóm thiếu niên gặp tai nạn máy bay và mắc kẹt trên hòn đảo không người. Trong lúc xoay xở để tìm cách sinh tồn, lũ trẻ đã chia thành nhóm nhỏ với cách thức lãnh đạo khác nhau, bước vào một cuộc chiến sinh tử tàn khốc. Câu chuyện đưa người đọc đến nhiều cung bậc cảm xúc cao trào và những suy ngẫm về đạo đức.
Thế nhưng, không nhiều người biết rằng từng có câu chuyện 'Chúa ruồi' ngoài đời thực, hơn nữa còn chứa đựng nhiều hi vọng tươi sáng hơn. Vụ việc xảy ra vào năm 1966 tại Tonga - một quần đảo độc lập ở phía nam Thái Bình Dương.
Ảnh từ phim 'Chúa ruồi' dựa trên nguyên tác của văn hào William Golding (Nguồn: Columbia Pictures)
Mùa đông năm đó, thuyền trưởng người Úc tên Peter Warner đang trên đường trở về nhà thì phát hiện điều kỳ lạ giữa đại dương. Có những cột khói bốc lên nghi ngút giữa mảng xanh ngút tầm mắt của hòn đảo. Nhưng, chuyện đó vẫn chưa là gì so với cảnh tượng tiếp theo mà Peter chứng kiến: 6 cậu bé trần truồng nhảy ùm xuống nước, gào thét tìm kiếm sự giúp đỡ của ông!
'Cháu tên là Stephen' - một cậu bé lên tiếng sau khi tiếp cận được thuyền trưởng Peter. 'Bọn cháu có khoảng 6 người và nghĩ rằng đã mắc kẹt trên đảo khoảng 15 tháng rồi'.
Thuyền trưởng nghe kể 6 cậu bé đã mượn thuyền từ một ông lão ngư dân mà tất cả bọn chúng... đều ghét! Kế đó, Stephen, Sione, Kolo, David, Luke và Mano liền dong buồm ra khơi, khởi hành từ thủ đô Nuku'alofa của Tonga vào năm 1965. Nhưng chỉ được vài ngày, nhóm thiếu niên đã gặp bão biển. Con tàu bé nhỏ nghiêng ngả rồi chìm xuống làn nước...
Thuyền trưởng Peter (thứ 3 từ trái sang) và các thủy thủ đã phát hiện ra lũ trẻ thất lạc (Ảnh: Fairfax Media Archives/Getty Images)
Thuyền trưởng Peter không thể tin những điều vừa nghe thấy, ông đã gọi radio về đất liền để xác minh thực hư. Đúng 12 phút sau, tổng đài viên nhắn lại: 'Ông đã tìm ra bọn trẻ rồi! Gia đình chúng đã tuyệt vọng và nghĩ rằng các con đã chết, còn tổ chức tang lễ. Nếu đây đúng thật là bọn trẻ bị thất lạc thì phép màu đã xảy ra'.
Không cần suy nghĩ gì thêm, thuyền trưởng vội chở nhóm thiếu niên trở về quê nhà an toàn. Câu chuyện này lập tức xuất hiện trên báo The Age của Úc, thu hút nhiều sự quan tâm của độc giả lúc bấy giờ.
Ví dụ như, mọi người đều muốn biết đám trẻ đã sinh tồn như thế nào trên đảo hoang trong hơn 1 năm? Theo lời kể, các học sinh đã đánh liều đi biển mà không có bản đồ hay la bàn. Sau 8 ngày bị trận cuồng phong 'đánh úp', buồm đã bị xé nát và bánh lái gãy vụn. Thức ăn, nước uống cũng cạn kiệt nhanh chóng.
Đến ngày thứ 8, đám trẻ may mắn nhận ra hòn đảo Ata quen thuộc và bơi về phía đó, không thể ngờ đây sẽ là mái nhà của mình trong 15 tháng tới. Bọn chúng phân công nhiệm vụ cho nhau: người trồng trọt, người làm bếp và còn có việc canh gác.
Đảo Ata
Mỗi buổi sáng và chiều tối, các cậu bé từ 13-16 tuổi đều ngồi lại với nhau để cầu nguyện và ca hát. Ngoài ra, những khi cãi nhau, nhóm thiếu niên cũng biết cách chừa lại khoảng không riêng tư và để thời gian chữa lành mọi mâu thuẫn.
Thuyền trưởng Peter kể lại: 'Khi chúng tôi đến đảo Ata, lũ trẻ đã thiết lập một cộng đồng sơ khai với khu vườn; máng nước làm từ thân cây để chứa nước mưa; một sân đánh cầu lông tự chế; một cái lò lửa cháy liên tục... Tất cả đều được làm bằng những bàn tay thô ráp với một con dao cũ, cộng thêm sự kiên cường hiếm thấy'.
Đám trẻ cũng trải qua quãng thời gian vô cùng khó khăn: mùa hè khô nóng và rất ít mưa, khiến cả nhóm bị mất nước nghiêm trọng. Tất cả thuyền bè tự chế đều bị sóng đánh tan tành khi cố gắng trở về đất liền. Đáng nói nhất là Stephen bị gãy chân do ngã từ vách đá.
Dù vậy, lũ trẻ vẫn giữ tinh thần lạc quan, dũng cảm và chăm sóc lẫn nhau. 5 đứa trẻ còn lại đã chế ra dụng cụ cố định cẳng chân cho Stephen từ cành cây. Khi trở về nhà, các nhân viên y tế vô cùng kinh ngạc khi thấy chân của cậu bé đã bình phục một cách hoàn hảo.
(Ảnh minh họa)
Ban đầu, các cậu bé sống sót nhờ ăn cá, uống nước dừa, thỉnh thoảng đặt bẫy chim và tìm trứng hải âu. Sau đó, chúng phát hiện miệng núi lửa cũ trên hòn đảo, nhờ đó thực đơn được bổ sung khoai môn, chuối và gà.
Cuộc phiêu lưu vẫn chưa kết thúc khi bọn trẻ cập vào đất liền ngày 11/9/1966. Bởi vì lão ngư dân Taniela Uhila đòi kiện chúng với hành vi 'mượn thuyền' rồi làm tan nát luôn 'cần câu cơm' của lão.
Dù vậy, may mắn lại mỉm cười một lần nữa khi thuyền trưởng Peter đứng ra trả 150 bảng cho con thuyền cũ, cứu lũ trẻ thoát khỏi vòng lao lý. Về sau, thuyền trưởng còn tuyển 6 đứa trẻ làm thủy thủ của mình, cho chúng cơ hội được mở rộng tầm mắt ở nhiều vùng biển trên thế giới.
(Theo Unilad, Guardian)