Nghệ sĩ Mạc Can: 'Tết ở đâu đó xa lắm, tôi không biết'
Mạc Can nổi tiếng là một nghệ sĩ đa tài khi có thể đảm nhiệm tốt nhiều vai trò như diễn hài, đóng phim, làm ảo thuật, viết văn,… Tưởng như những tài năng ấy có thể bảo đảm cho ông một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc về sau nhưng đến khi đã ở cái dốc bên kia của cuộc đời, người nghệ sĩ ấy vẫn đơn độc, đau những nỗi đau của riêng mình.
Sống cuộc đời nghệ sĩ lang bạt, gia tài lớn nhất của Mạc Can không phải là nhà, xe hay danh tiếng. Thứ quý báu nhất với ông chính là tình cảm của khán giả, là những tác phẩm, vai diễn bản mà thân đã dồn hết cảm xúc, tâm huyết vào.
Vừa rồi, nghệ sĩ Mạc Can phải nằm việc vì tai nạn. Hiện tại, sức khỏe của nghệ sĩ như thế nào?
Đến giờ tôi cũng đã hơi khỏe khỏe rồi. Nhưng mà thỉnh thoảng vẫn đau nên tôi còn uống thuốc hoài.
Gần đây nghệ sĩ Mạc Can có nhiều show hay đã chuẩn bị cho ra đời một tác phẩm nào chưa?
Mọi thứ vẫn đều đều như trước kia. Vừa rồi tôi có đi quay bộ phim Gạo nếp gạo tẻ, sau đó, tôi sẽ tiếp tục tham gia Chuyện xưa tích cũ của đài Vĩnh Long. Trước đó, tôi có tham gia một chương trình với nhiều nghệ sĩ khác như Hồng Vân, Minh Nhí,… cũng nói về chuyện làm phim cổ tích, nhiều người vẫn còn thích loại phim này lắm.
Còn về văn chương thì Nhà Xuất bản Trẻ đang chuẩn bị tái bản hai cuốn sách của tôi, chắc không lâu nữa đâu. Chữ nghĩa của tôi cũng ngô nghê lắm nhưng hình như độc giả lại thích. Họ thích cái cách viết thật thà, 'không được văn học' của tôi.
Số tiền kiếm được từ việc làm nghệ thuật có đủ để nghệ sĩ Mạc Can trang trải đời sống?
Với tôi thì dư sức. Tôi đâu có xài gì đâu. Tôi tự nấu ăn, thỉnh thoảng mua vài thứ. Sống vậy đâu có tốn kém gì, chỉ tốn tiền nhà thôi. Tôi cũng có để dành chút để sau này xuống 'gặp ông bà'. (Cười)
Những câu chuyện của nghệ sĩ Mạc Can luôn mang những tầng nghĩa sâu xa. Phải chăng cuộc đời nghệ sĩ đã trải qua nhiều thăng trầm?
Cuộc đời tôi thăng thì ít mà trầm thì nhiều. Nhưng tôi nghĩ đó không phải là điều kém may mắn. Cái trầm giúp tôi rút kinh nghiệm và học hỏi nhiều hơn. Hơn nữa, tôi cũng có thể đem những nốt trầm cuộc đời vào tác phẩm của mình. Những thứ không may xảy ra đối với tôi nhiều vô số kể và tôi cũng cảm ơn trời phật đã cho tôi kém may mắn như vậy.
Câu chuyện có thật đáng nhớ nhất mà nghệ sĩ Mạc Can đưa vào tác phẩm của mình là gì?
Tôi sẽ kể về câu chuyện gần đây nhất. Tôi 74 tuổi rồi, mà tuổi này thì chuyện tình cảm nam nữ cũng đã nguôi, tôi không còn biết yêu ai nữa hết trơn. Nhưng cách đây chừng 2 năm, bỗng nhiên tôi bị say nắng. Lúc ấy, tôi nhìn thấy một người phụ nữ đang cười, một nụ cười rất lạ và lúc ấy tôi biết mình bị 'say'. Lúc đầu tôi thấy nhớ nhớ, vì nụ cười cô ấy lạ mà, lúc sau lại thấy thương thương, hai, ba ngày sau thì đã yêu luôn rồi. Nhưng mà tôi không háo sắc hay gì đâu.
Cuộc đời của cô này thật sự rất bi đát. Cô không giấu bi kịch của mình. Cô ấy dễ thương, thật thà, cô sẵn sàng kể hết những đau đớn đã qua cho tôi nghe. Nhiều câu chuyện của cô ấy khiến trái tim tôi không thể chịu đựng được. Con người với nhau mà sao có người lại khổ đến vậy.
Sau đó tôi đã viết một truyện ngắn có tên Cạn tình, bây giờ tôi vẫn đang tìm hiểu để viết thêm. Khó khăn nhất với tôi là làm sao để khéo léo chọn những chi tiết đau lòng cho truyện nhưng không làm tổn thương cô ấy. Những chi tiết đó có thể người khác thấy bình thường nhưng con tim tôi lại thổn thức. Tôi muốn mọi người có thể khóc vì câu chuyện của cổ. Tôi không nói với cổ rằng tôi viết truyện hay gì hết, nhưng khi cổ tình cờ đọc được Cạn tình, cổ mới nói: 'Chú viết thật quá'.
Mối quan hệ giữa nghệ sĩ Mạc Can và người ấy hiện tại như thế nào?
Bây giờ khi tôi nghe thấy bản nhạc nào hay coi một bộ phim gì cảm xúc là tôi cảm thấy như có bóng dáng người đó. Người ta không phải yêu nhau bằng cái đầu đâu, khi yêu nhau là yêu bằng trái tim. Mỗi lần tôi nhớ đến cô ấy là trái tim tôi khó chịu, nó muốn nhảy ra ngoài, thấy thương thương, nhớ nhớ sao đó. Nhưng mà tôi già rồi, tôi chỉ dùng cảm xúc làm tư liệu để viết tiểu thuyết. Tôi cũng thật thà nghĩ chắc là không được đâu, cổ mới có bốn mươi mấy tuổi mà tôi tới 74 tuổi rồi.
Đâu là niềm vui lớn nhất của nghệ sĩ Mạc Can trong thời điểm hiện tại?
Hứng thú nhất là đóng phim, lúc đó tôi có thể được sống trong nhiều nhân vật. Cái vui nhất của người diễn viên là khán giả chỉ nhớ tên nhân vật mình đóng chứ không nhớ tên mình. Như hồi tôi xuống dưới miền Tây, người ta toàn gọi tôi là bác Ba Phi. Quý là quý ở đó chứ không phải cát-sê nhiều cát-sê ít.
Đã bao giờ nghệ sĩ Mạc Can quá nhập tâm vào một vai diễn và rất lâu mới thoát ra được?
Sau mỗi vai diễn, tôi vẫn là tôi. Nhưng mà tôi sẽ theo dõi nhân vật của mình và nghĩ rằng: 'Sao giây phút đó mình không diễn khác hơn'. Cái quý của người diễn viên là lúc nào cũng thấy tiếc, tiếc vì mình đã không làm tốt hơn, hay hơn.
Nếu một ngày vì lý do sức khỏe, nghệ sĩ Mạc Can không còn đủ sức để đứng trên sân khấu nữa, lúc ấy cảm xúc của nghệ sĩ sẽ ra sao?
Tôi sẽ nhớ không khí đó lắm, nhớ cái cách khán giả nhìn mình rồi khóc, cười. Đến nay tôi vẫn tâm đắc nhất câu nói của nghệ sĩ Kim Cương: 'Có ba tấc ván trên sân khấu mà đi suốt đời không hết'. Nghe câu đó là tôi muốn khóc.
Nghệ sĩ nhắc nhiều về khán giả, đó có phải là động lực lớn nhất của nghệ sĩ Mạc Can để tiếp tục đóng phim, viết sách?
Phải nói thật là có, lớn lắm. Khán giả người ta thương tôi, mến tôi và thậm chí có phần kính trọng. Có khi tôi ra quán ngồi ăn phở, cặm cụi ngồi ăn đến lúc ăn xong đã có người trả tiền rồi. Tôi mới hỏi chủ quán rằng mai người khách đó có tới đây ăn nữa không, tôi muốn trả cái ơn đó. Nói như vậy để thấy khán giả họ thương mình. Đi ngoài đường thấy bóng lưng họ cũng biết tôi là Mạc Can rồi hỏi thăm sức khỏe. Điều đó tôi quý trọng vô cùng.
Được biết nghệ sĩ Mạc Can có một người con gái đang sống tại Mỹ, gần đây cô ấy có thường về thăm hay hỏi han?
Khó nói quá. Lâu rồi chưa nghe nó nói gì tới tôi nữa. Ở bên đó cũng khó, nó cũng không có thì giờ. Lâu lâu cũng nhớ nó nhưng biết nói gì bây giờ. Nó ở tận bên Mỹ, thỉnh thoảng có gửi nhắn tin về hỏi 'Ba khỏe không'. Tôi cũng trả lời lại 'Hơi khỏe'. Miễn nó còn nhớ đến tôi là được rồi. Vậy thôi!
Con tôi cũng từng muốn đón tôi sang Mỹ lại, kêu tôi qua lãnh tiền hưu, nhưng tánh tôi kỳ lắm, tôi ngượng chuyện đó. Tự tôi kiếm tiền nuôi tôi chứ tôi không muốn nhờ cậy ai. Tiền đó không phải của mình. Tiền do mình tạo ra mới đáng quý. Đói đói một chút cũng không chết được. Tôi không thích tiền. Hơn nữa ở bên đó buồn lắm, buồn đến mức tôi thấy con ruồi bay qua còn muốn kêu nó lại nói chuyện.
Có con nhưng phải sống một mình, đã bao giờ nghệ sĩ Mạc Can thấy chạnh lòng?
Đôi khi cũng buồn, khó chịu vì không ai bên cạnh nhưng sống vậy khỏe hơn. Không phải tôi sợ trách nhiệm, cũng không phải tôi ích kỉ, nhưng mà tôi thích độc thân. Những người trẻ bây giờ cũng vậy, nhiều người sống độc thân lắm. Nhưng phụ nữ thì nên có một đứa con, không phải sợ không ai nuôi khi về già mà là sợ buồn. Còn đàn ông thì sao cũng được.
Không có ai bên cạnh để giãi bày, nghệ sĩ Mạc Can đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, sự cô đơn như thế nào?
Buồn quá thì tôi chơi với chữ, viết báo, hút thuốc. Nhưng mà tôi quen với cô đơn rồi, cái gì quen lâu thì trở nên thân thuộc. Hôm tôi bệnh, mọi người đến đây thăm tôi đông lắm, cả người quen và không quen nhưng một lát ai cũng về hết. Cũng buồn đó, nhưng thôi kệ.
Có một mình, tôi cũng hay mở đài cho nó rủ rỉ bên tai như mẹ ru con vậy đó, vậy mới ngủ được. Hễ nó tắt là tôi thức.
Liệu đó có phải là biểu hiện của việc 'thèm người'?
Đó là chuyện thầm kín trong tâm tư của tôi. Có vẻ như mọi người thấy tôi lập dị, không muốn gặp ai nhưng thật ra trong thâm tâm tôi cũng muốn có bạn. Tôi cũng là con người mà, tôi rất muốn có người bên cạnh nói chuyện này kia. Mà không có thì tôi đành mở đài.
Luôn hài hước, lạc quan, đó có phải là cách mà nghệ sĩ Mạc Can che đi sự cô đơn của mình?
Tôi từ nhỏ đã vậy rồi, tôi không nói chuyện nghiêm túc được. Nói một hồi tôi cũng đùa cái này cái kia cho vui, bởi vậy tôi mới đóng hề. Nhiều khi tôi nghiêm túc mà người ta nhìn tôi người ta cũng cười.
Nghệ sĩ Mạc Can đã sắm sửa hay chuẩn bị gì cho Tết năm nay?
Tôi không sắm sửa gì cả, tôi không thích Tết. Người khác, chẳng hạn như con nít thì nó thích. Còn ở tuổi này, Tết đến lại thấy mình 'gần đất xa trời'. Tôi được quyền không thích Tết chứ? Chắc chả ai trách gì tôi đâu.
Mà lạ, Tết đến là ngoài đường ngoài xá vắng hoe, trừ mấy chỗ vui chơi thôi. Chỗ tôi sống mọi người đều im lặng, không ai nói đến ai, tôi thích điều đó.
Tết những năm trước, nghệ sĩ Mạc Can đã làm gì?
Tôi ngồi đây, tại phòng này. Tết ở đâu đó xa lắm, tôi không biết. Tết người ta không bán đồ ăn thì tôi chịu khó ra ngoài mua thịt đóng hộp về hâm nóng rồi ăn với cơm. Tôi cũng không thích qua nhà bạn bè hay ai khác.
Còn Tết năm nay của nghệ sĩ Mạc Can thì sao?
Năm nay ai gọi tôi đi diễn thì tôi đi, không ai mời thì ở nhà thôi. Vẫn như mọi năm thôi.
Lý do nào khiến nghệ sĩ Mạc Can không thích Tết?
Tôi không thích Tết chắc có lẽ vì tôi thấy Tết nhiều quá rồi. Với người khác có thể không nhiều nhưng đối với tôi như vậy là nhiều. Hồi nhỏ tôi cũng không thích Tết. Mấy đứa nhỏ chạy tới chạy lui đòi lì xì này nọ, tôi ngồi im re. Hình như tôi không thích thứ gì nhộn nhịp hay sao đó. Ví dụ tôi đi diễn thì tôi sống nhờ đám đông, nhờ khán giả nhưng tôi thấy tội nghiệp tôi quá. Khi diễn xong về nhà một mình tôi lại thấy thích hơn. Tôi không thích chỗ đông người.
Hơn 70 năm cuộc đời, đâu là cái Tết đáng nhớ nhất, ý nghĩa nhất với nghệ sĩ Mạc Can?
Nó lại liên quan đến cuốn sách Tấm ván phóng dao. Đoàn hát của tôi thời đó thường diễn tiết mục phóng dao. Ngày bình thường sẽ diễn một suất, nhưng Tết đến phải diễn ba, bốn suất. Anh tôi đứng phóng dao, nhỏ thứ tư trong nhà đứng chịu trận còn tôi thì làm hề. Màn phóng dao nào cũng phải có hề hết, tại nó quá căng thẳng.
Càng diễn nhiều thì người chủ càng có tiền nhiều, nhưng người đứng chịu phóng dao rất tội và trái tim tôi lại cực kỳ khó chịu. Đồng loại, con người với nhau mà tại sao lại để một người thiếu nữ đứng đó chịu cảnh dao phóng tới tấp. Tôi nhạy cảm lắm, cho nên thấy mấy cảnh đó, tôi chịu không nổi, dù khán giả ở dưới có cười vui thế nào. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến tôi không thích Tết.
Xin cảm ơn nghệ sĩ Mạc Can về những chia sẻ trên!