Câu hỏi: Chào bác sĩ! Bác sĩ cho em hỏi một vấn đề về bệnh quai bị. Em bị mắc quai bị khoảng năm 22 tuổi và bị viêm một bên tinh hoàn. Bác sĩ cho em hỏi là em có khả năng vô sinh không ạ?
Ảnh minh họa: Internet.
Bác sĩ Tiin trả lời:
Chào em, cám ơn em đã chia sẻ với chúng tôi vấn đề tế nhị. Chắc giờ có người yêu nên cũng thấy lo, không biết mình có bị vô sinh không đúng không?
Quai bị là bệnh truyền nhiễm, do virus Pramyxovirus gây ra, bệnh hay gặp vào mùa đông xuân. Đường lây chủ yếu do tiếp xúc với nước bọt có chứa virus của người bệnh qua ho, hắt hơi, nói chuyện…
'Địa chỉ' gây bệnh ban đầu là các tuyến nước bọt mang tai, khiến cho các tuyến này sưng, nóng, đỏ, đau. Bệnh có thể gây biến chứng ở nhiều cơ quan khác như phổi, não, cơ quan sinh dục (tinh hoàn, buồng trứng). Nam giới khi bị bệnh quai bị hay gặp biến chứng viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn (tinh hoàn có thể sưng, đau, đỏ…), teo tinh hoàn, có thể là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Bệnh quai bị có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuổi càng lớn, biến chứng càng cao.
Bạn bị mắc bệnh quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn nhưng chắc chưa bị teo tinh hoàn (khám lâm sàng thấy tinh hoàn bị bệnh nhỏ hơn bên bình thường). Biến chứng gây vô sinh có thể gặp ở 50% bệnh nhân bị viêm tinh hoàn.
Muốn biết chất lượng và số lượng của tinh trùng (yếu tố ảnh hưởng đến chức năng sinh sản ở nam giới), bạn cần đến cơ sở chuyên khoa để xét nghiệm tinh dịch đồ mới đánh giá được khả năng của mình. Đây là kỹ thuật khá đơn giản, dễ thực hiện, các cơ sở y tế có chuyên khoa nam học, khoa thận tiết niệu hoặc khoa hỗ trợ sinh sản đều thực hiện được.
Cấu tạo cơ quan sinh dục của nam giới có hai tinh hoàn (cơ sở sản xuất ra tinh trùng) hoạt động tương đối độc lập. Một bên bị hỏng, bên kia hoạt động bình thường sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Vì thế, bạn có thể yên tâm về khả năng sinh sản của mình.
Bạn cần chú ý tìm hiểu các yếu tố 'hỗ trợ' để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tinh hoàn nhé.
Đầu tiên là các biện pháp an toàn cho tinh hoàn, không để mắc các bệnh viêm nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường quan hệ tình dục; có biện pháp bảo vệ hạn chế sang chấn, tổn thương tinh hoàn khi hoạt động thể thao...; tìm hiểu các kiến thức về sức khỏe sinh sản (kể cả thủ dâm).
Khi bị bất cứ vấn đề gì 'trục trặc' đến tinh hoàn cần đi khám và điều trị ở bác sĩ chuyên khoa nam học, tránh nghe 'mách bảo, rỉ tai..' mà lợi bất cập hại, bệnh sẽ tiến triển xấu nhé.
Giữ vệ sinh hàng ngày (kể cả mùa đông bạn có thể không tắm nhưng vẫn phải vệ sinh cơ quan sinh dục 1 lần/ngày). Mặc quần rộng rãi (sử dụng quần sịp, quần dài hợp vệ sinh, thoáng mát, thấm mồ hôi, thay giặt hàng ngày, phơi chỗ nhiều nắng…). Không nên ngồi lâu (sử dụng máy tính, ngồi ghế lái xe…) để không ảnh hưởng lưu thông máu cho cơ quan sinh dục.
Bạn đừng quá lo lắng nhé, cần thiết có thể làm xét nghiệm tinh dịch đồ để biết chính xác, giải tỏa tâm lý, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Mọi thắc mắc về sức khỏe giới tính, bạn vui lòng gửi câu hỏi trực tiếp TẠI ĐÂY hoặc gửi đến hòm thư bandoc@tiin.vn. Câu hỏi của bạn sẽ được bác sĩ Tiin Hoàng Thúy Hải giải đáp vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần. (Nhớ là gửi thư bằng tiếng Việt có dấu bạn nhé!).