Ở lại Cairo, Ai Cập, cùng với gia đình hay bắt chuyến bay cuối cùng đến Canada để ở bên tình yêu của tôi. Đó là điều mà tôi cần quyết định nhanh chóng trong lúc này, nhưng sợ rằng hành trình này không khác gì tự sát hoặc tệ hơn chính là mưu sát.
Tôi là một người Canada gốc Ai Cập và yêu một cô gái người Mỹ gốc Ý tên là Francesca Brundisini. Cô ấy mới làm việc tại thành phố Quebec, Canada và sợ rằng nếu như chẳng may bị nhiễm bệnh và bị cách ly thì sẽ rất cô đơn vì không có gia đình và bạn bè bên cạnh.
Khi tin tức về dịch Covid-19 nổ ra trên toàn thế giới, cả hai chúng tôi đều nhận ra rằng cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài trong nhiều tuần.
Tôi đã quyết định tìm một chuyến bay và bỏ lại gia đình phía sau để đi tìm cô ấy. Điều này khiến tôi cảm thấy đau khổ.
Cả bố mẹ tôi đều ở độ tuổi 60 và họ có nguy cơ nhiễm bệnh cao vì các biến chứng sức khỏe khác nhau bao gồm bệnh tiểu đường và các vấn đề về tim. Nếu như bây giờ tôi rời bỏ họ thì có thể sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa.
Bố mẹ đã khuyến khích tôi cố gắng tìm chuyến bay đến Canada sớm nhất vì họ cũng rất quan tâm và lo lắng cho cô ấy. Thế nhưng, mọi người đều biết rằng việc tìm một chiếc vé trong thời khắc này là điều không thể.
Tranh giành một chỗ ngồi
Eihab Boraie chia tay mẹ tại sân bay Cairo.
Khi Ai Cập tuyên bố đóng cửa các sân bay vào ngày 19/3, thì những chiếc vé duy nhất còn lại đã tăng vọt giá từ 700 đô la Mỹ (hơn 16 triệu đồng) lên đến hơn 3000 đô la Mỹ (khoảng 70 triệu đồng).
Tôi quyết định nắm lấy cơ hội và ghi tên mình vào danh sách chờ đợi để tìm được chiếc vé bay đến Toronto với hy vọng tìm được phép màu. Tôi cho rằng đây là cách duy nhất vì chính phủ Canada gửi máy bay chở người Canada về nếu họ bị mắc kẹt.
Thật kinh ngạc, vài giờ trước khi sân bay đóng cửa, tôi đã nhận được một cuộc gọi xác nhận rằng tôi đã có được vé để đến Canada. Tôi vội vã đến văn phòng hàng không Ai Cập ở Korba, Cairo và nhận vé. Khi tôi bước ra liền nhìn thấy một cửa hàng trang sức gần đó. Thật nực cười khi cửa hàng này vẫn mở như biết rằng tôi đang cần mua gì đó vào lúc này.
Trên đường về nhà, tôi thấy quân đội Ai Cập đang triển khai lực lượng để chuẩn bị tiến hành giờ giới nghiêm. Ký ức về lệnh giới nghiêm bắt buộc ở Ai Cập ngày trước bỗng nhiên ùa về, nhưng trong thời điểm này, lệnh giới nghiêm hà khắc chuẩn bị sắp diễn ra lại là một sự an ủi đến kỳ lạ vì sẽ hạn chế người dân nhiễm Covid-19.
Cuộc chia tay nhiều cảm xúc
Tôi đến sân bay và ôm chầm lấy bố mẹ, trong lòng luôn hy vọng đây không phải là lần cuối cùng. Với cảm xúc dâng trào, tôi nghĩ rằng mình sắp bước vào một nơi vô cùng hỗn loạn. Nhưng lạ thay, bên trong trống rỗng đến kinh ngạc.
Eihab Boraie đeo khẩu trang.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, sân bay Cairo vô cùng nhộn nhịp khi ngành du lịch nước này bắt đầu hồi phục sau những biến động chính trị xã hội gần đây. Nhưng bây giờ, sân bay Cairo lại vắng lặng đến không tưởng. Tôi chưa bao giờ thấy sân bay có tình trạng như thế này. Việc kiểm tra an ninh cũng rất suôn sẻ và nhanh gọn vì chẳng có ai xếp hàng cả. Trong sân bay, hầu như các nhân viên đều đeo khẩu trang và có người còn đeo cả găng tay, nhưng không phải tất cả, vẫn còn một số nhân viên xử lý các xe hành lý vẫn không trang bị gì.
Khi tôi đến quầy làm thủ tục thì được thông báo rằng đây là chuyến bay cuối cùng đến Canada. Không có chuyến bay nào khác trong thời điểm đó. Tôi hiểu rằng việc này sẽ giúp ích cho mọi người, tạo được khoảng cách xã hội để không bị nhiễm bệnh.
Quá trình làm thủ tục hoàn tất, tôi một mình bước ra cổng máy bay mà không có một ai xung quanh ngoại trừ một vài nhân viên và hành khách khác. Trên các lối đi rộng lớn, hình ảnh sân bay rộng lớn không một bóng người đã hiện ra trước mắt tôi, cảm giác y như một bộ phim tận thế và chuẩn bị xuất hiện một đám thây ma. Không có nơi nào kiểm tra thân nhiệt, cũng không có ai hỏi tôi về triệu chứng sức khỏe.
Khi ra đến cửa máy bay tôi bắt đầu nhìn thấy dòng người. Hầu hết họ đều đeo khẩu trang, tôi có thể nhìn được sự lo lắng hiện rõ thông qua đôi mắt. Những người không đeo khẩu trang thường là người già, hoặc trẻ hay người thờ ơ với bệnh dịch này.
Quầy check-in đông người nhưng ai cũng lo lắng sợ hãi.
Chuyến bay dài nhất trong cuộc đời
Tưởng chừng có thể yên vị trên máy bay nhưng hóa ra lại gặp phải những tình huống trớ trêu. Việc cất cánh đã bị trì hoãn khi có hai hành khách từ chối ngồi vào ghế gần nhà vệ sinh. Sau khi thất bại trong việc đổi chỗ, họ đã quyết định bỏ vé trên chuyến bay cuối cùng.
Mọi quyết định được đưa ra trong chuyến đi này dường như được phóng to thành vấn đề của sự sống và cái chết. Việc ngồi trên một chiếc máy bay đầy người có thể làm tăng khả năng nhiễm bệnh. Và kịch bản tồi tệ nhất chính là chẳng may bạn ngồi gần ai đó có những triệu chứng bất thường và điều đó xảy ra với chính tôi.
Tôi bị kẹp giữa một bà mẹ 72 tuổi và cô con gái 38 tuổi. Tôi đã đưa cho họ cả hai loại nước rửa tay. Người mẹ đeo khẩu trang nhưng bị sổ mũi và ho. Trong khi con gái ngồi ở lối đi lại không có biện pháp bảo vệ hay phòng ngừa.
Chuyến bay bị trì hoãn do có người muốn đổi chỗ.
Không có một hành khách nào trên máy bay có thể dự đoán được tình hình và dường như họ đã phải tranh giành vé rất nhiều. 'Tôi đã nghĩ có lẽ Canada đóng cửa trước chứ không phải Ai Cập, hóa ra Ai Cập lại có hành động sớm hơn', người mẹ giải thích.
Bà tiếp tục nói về những khó khăn trong việc săn vé, sau đó đề cập đến những nỗ lực để tìm sự giúp đỡ từ lãnh sự quán nhưng vô ích. Nhưng bà nói, con gái đã tìm đến văn phòng hàng không ở Ai Cập để trực tiếp tìm vé.
'Tôi phát hiện rất nhiều người trên chuyến bay đã bị từ chối vì không phải là người Canada. Vì vậy có những ghế trống trên chuyến bay đó, và tôi quyết định nên đến văn phòng để ghi tên vào danh sách chờ đợi. Khi nhận được vé, chúng tôi rất phấn khích, cảm giác như được trúng số', cô con gái chia sẻ.
Trong suốt chuyến bay, tôi cố gắng phớt lờ vì mỗi tiếng ho là một lời nhắc nhở tôi rằng có khả năng mình đang đi cùng kẻ thù vô hình bên cạnh. Tôi hỏi người mẹ bà có cảm thấy không khỏe ở đâu không, nhưng bà liên tục nói rằng mình vẫn ổn.
'Tôi mới bị cảm vài ngày trước và xem xét những triệu chứng khác. Họ nói rằng bệnh này (Covid-19) không bắt đầu bằng sổ mũi mà là ho khan. Nhưng đừng nói với ai nhé, tôi không muốn họ bỏ tôi lại', bà mẹ van nài.
Tôi tự hỏi liệu bà ấy có mạo hiểm với chuyến bay này không vì bà ở lại Ai Cập sẽ an toàn hơn về Canada, nhưng sau đó bà giải thích: 'Tôi không nghĩ Ottawa an toàn hơn Cairo, nhưng tôi chỉ muốn về nhà và ở cùng con cháu'. Toàn bộ những lý do này cho tôi thấy được, tất cả họ đều muốn trở về với người mình yêu thương. Tuy nhiên, nếu là tôi, tôi sẽ không về nếu như có triệu chứng sức khỏe bất thường.
Đáp xuống Toronto
Sân bay Toronto vắng người.
Cuối cùng, tôi đã đến Toronto và thầm nghĩ có thể ở sân bay sẽ chật kín người Canada vì gần đây thủ tướng Justin Trudeau đã thúc giục công dân nước ngoài về nước.
Tuy nhiên, trái lại với những suy nghĩ ấy, sân bay cũng không khác gì Cairo. Khi xuống sân bay, có một số nhân viên an ninh đang phát tờ rơi nhắc nhở mọi người phải tự cách ly trong hai tuần. Tại cửa hải quan, tôi tình cờ được hỏi có triệu chứng gì không, nhưng tôi lại không được kiểm tra nhiệt độ hay bất kỳ điều gì khác.
Có thể họ đã có máy đo nhiệt ẩn đâu đó nhưng là một công dân Canada, tôi lo ngại rằng các biện pháp phòng dịch này chưa đủ. Tuy nhiên, điều đáng nói khi đến Toronto là việc xếp hàng không phải nằm trong chỗ làm thủ tục hải quan mà là quán cafe. Khi tôi đến quầy thu ngân, tôi cảm thấy chán nản vì không ai trong số các nhân viên đeo khẩu trang.
Tôi quá cảnh 7 tiếng trước khi lên chuyến bay tiếp theo. Tôi quyết định khám phá sân bay và phát hiện ra một phòng khám y tế. Tôi hỏi nhân viên tiếp tân về việc muốn kiểm tra sức khỏe xem có dấu hiệu của Covid-19 hay không. Khi nghe tôi hỏi, mắt họ mở to và nói rằng họ không làm được nhưng đã cho tôi một số để gọi nếu tôi bắt đầu xuất hiện những triệu chứng của bệnh.
Khi tôi tiếp tục đi lang thang quanh sân bay, tôi cho rằng sẽ có xe đến đón. Nhưng đến giữa trưa, chỉ có một số người rải rác ở sân bay. 'Tôi đã từng làm việc ở đây trong mùa SARS, nhưng tình hình lúc đó không trống rỗng như thế này', một nhân viên bảo vệ sân bay nói với tôi.
Chuyến bay đến thành phố Quebec trống một nửa số ghế, hành khách có thể tự ngồi một mình một hàng ghế. Khi đến nơi, một lần nữa, tôi phát hiện không có một quy trình kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt. Tôi đã đi từ Cairo đến thành phố Quebec trong một đại dịch toàn cầu mà không hề có việc kiểm tra sức khỏe cơ bản.
Thời điểm này, trên thế giới đã có có hơn ngàn người tử vong vì Covid-19. Khi bạn gái Francesca của tôi đến sân bay, tôi lẻn ra sau lưng và quỳ xuống cầu hôn.
Cô ấy hoàn toàn mất cảnh giác khi 48 tiếng trước đó, cô ấy còn không biết có thể gặp lại tôi hay không huống gì biết đến việc tôi sẽ cầu hôn như thế này. Cô ấy đã hoàn toàn chấp nhận lời cầu hôn ấy. Hai chúng tôi tháo khẩu trang và trao cho nhau một nụ hôn sâu.
Tôi nhẹ nhõm khi cô ấy nhận lời lấy tôi vì điều đó khẳng định rằng mặc dù đầy rủi ro nhưng vô cùng đáng giá. Tôi không thể tưởng tượng được mình sẽ làm gì nếu cô ấy từ chối. Vợ sắp cưới của tôi đã rất thích chiếc nhẫn ấy và đeo ngay vào ngón tay mình. Nhưng cả hai chúng tôi đều biết rằng, nụ hôn hạnh phúc kia có thể khiến cô ấy bị nhiễm bệnh nếu như chẳng may tôi bị bệnh, và tôi không hy vọng điều đó xảy ra.
Khi mọi người nghe về tin đính hôn của chúng tôi, gia đình và bạn bè của cô ấy ở Ý đã gửi nhiều lời chúc mừng. Đối với nhiều người trong số họ, đây là tin tốt đầu tiên mà họ nghe được trong hơn một tháng qua.
Nếu như bạn hỏi tôi học được điều gì từ sau cuộc khủng hoảng này thì đó là thời gian ngắn không thể đoán trước được. Và nếu tôi sẵn sàng mạo hiểm sức khỏe của cô ấy thì tôi sẵn sàng cam kết rằng mình sẽ dành toàn bộ phần đời còn lại cho cuộc sống của chúng tôi.
Hy vọng chúng tôi có thể tận hưởng thời gian hạnh phúc trong hai tuần tới. Khi thế giới bình yên, chúng tôi dự tính sẽ kết hôn trên đảo Giglio ở Ý, nhưng thật khó để hình dung khi nào điều đó mới xảy đến. Cho đến ngày hôm đó, điều chúng tôi nghĩ đến là khả năng bị cách ly và cách để tận hưởng cuộc sống trong khu vực cách ly.
(Nguồn: CNN)