Mới đây, trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, một người đàn ông đã bị cư dân mạng ném đá khi đặt ra câu hỏi 'Bảo bạn gái mua đồ xa xỉ cho mẹ tôi là quá đáng lắm à?'. Cụ thể, anh chàng này đã yêu cầu người yêu mua cho mẹ của mình một chiếc túi Louis Vuitton để làm quà ra mắt, vì anh nghĩ rằng hành động ấy sẽ khiến mẹ hài lòng về nàng dâu tương lai, và mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu cũng từ đó mà tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, cô gái đã từ chối, khiến anh chàng thất vọng.
Câu chuyện mà người đàn ông này chia sẻ đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của rất nhiều phụ nữ. Và từ trường hợp này, phụ nữ có thể rút ra những điều gì để 'bài học làm dâu' không trở thành ác mộng khiến hôn nhân tan vỡ?
1. Bạn không có nghĩa vụ phải lấy lòng mẹ chồng
Mẹ chồng là người bạn nên biết ơn. Nếu không có người phụ nữ ấy, cũng sẽ không có người đàn ông bạn đang yêu lúc này. Nhưng biết ơn không đồng nghĩa với việc phụ nữ phải làm mọi cách, hy sinh sự thoải mái, hay giấu đi tiếng nói của bản thân chỉ để làm mẹ chồng vui vẻ, hài lòng.
Hơn nữa, mẹ chồng cũng không phải là người bạn chỉ gặp một vài lần rồi có thể tránh mặt cả đời. Ngày nào bạn còn yêu chồng và muốn chung sống với anh ấy, ngày đó mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu còn ảnh hưởng đến hôn nhân của bạn.
Vì thế, tốt hơn hết là hãy sống chân thành, và lễ phép.
Phụ nữ vẫn thường nói với nhau rằng: 'Thời đại này, những thứ xuất phát từ trái tim chưa chắc đã tới được trái tim'. Vậy thì vài món quà đắt tiền, vài lời nịnh nọt thảo mai có nghĩa lý gì khi trong lòng bạn không thực sự muốn tặng, không thực sự muốn nói, đặc biệt là trong mối quan hệ tiềm ẩn đầy mâu thuẫn như nàng dâu - mẹ chồng?
2. Hôn nhân không đồng nghĩa với việc bạn phải có trách nhiệm với bố mẹ chồng hơn là với bố mẹ đẻ của chính mình
Ngày gả con gái đi, có lẽ chẳng người cha, người mẹ nào nói với con rằng: 'Bố mẹ ốm nhớ về chăm đấy nhé!', nhưng lại luôn dặn dò con gái phải phụng dưỡng, chăm sóc bố mẹ chồng thật tốt. Điều này vô tình khiến nhiều người phụ nữ tin rằng đi lấy chồng nghĩa là gia đình nhà chồng luôn phải là ưu tiên thứ nhất.
Đã qua lâu rồi cái thời con dâu muốn về nhà ăn cơm với bố mẹ đẻ phải được sự cho phép của nhà chồng, hay phải lén lút báo hiếu, mua quà tặng mẹ, tặng cha.
Bố mẹ sẽ vì thương và nghĩ cho bạn mà có thể chẳng bao giờ yêu cầu bạn phải thường xuyên về nhà. Thậm chí, ốm đau cũng sẽ giấu đi vì sợ bạn bận rộn với gia đình, với bố mẹ chồng. Nhưng đừng vì bố mẹ không yêu cầu, hay những định kiến xưa cũ mà quên chăm sóc, báo hiếu cha mẹ mình.
Hãy thẳng thắn và mạnh dạn nói với chồng bạn rằng: 'Nếu bố mẹ anh và bố mẹ em cùng ốm, anh chăm bố mẹ anh, em chăm bố mẹ em.'
3. Chồng bạn là người có vai trò rất lớn trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu
Đừng nghĩ rằng chuyện đàn bà, đàn ông làm sao hiểu được. Điều đó có thể đúng trong bất cứ trường hợp nào ngoại trừ mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Bởi đó là hai người phụ nữ quan trọng và có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời của một người đàn ông.
Một bên là mẹ, một bên là vợ cũng là điều khó nghĩ, khó xử. Nhưng đó không phải là lý do có thể chấp nhận được để một người đàn ông đứng ngoài những mâu thuẫn giữa vợ và mẹ.
Một cô gái đi lấy chồng, người chồng là người duy nhất trong gia đình mà cô ấy có thể hoàn toàn tin tưởng, dựa vào. Nếu như trong gia đình, anh ta luôn chỉ nghĩ cho mẹ trước tiên, và để mặc bạn xoay sở với những bất đồng, không lên tiếng bảo vệ, cũng chẳng khuyên nhủ, dạy dỗ. Người đàn ông như vậy chắc chắn không thể là chỗ dựa cho bạn trong cuộc sống đầy sóng gió ngoài kia.
Khi quyết định bước vào hôn nhân, chẳng có người phụ nữ nào mong mình sẽ gặp mâu thuẫn hay bất đồng với mẹ chồng. Dẫu vậy, đây có lẽ là điều không thể tránh khỏi.
Bởi thế, ngoài việc lễ phép đúng phận làm con, phụ nữ cũng đừng quên phải thật cứng rắn và bản lĩnh, để nếu không thể tốt nghiệp bài học làm dâu với số điểm tuyệt đối, bạn cũng sẽ không phải chịu bất cứ sự ấm ức, tủi hờn nào.