Vợ chồng cứ 'đụng nhau' là… đẻ
Chị Nguyễn Thị Hồng (1988) bén duyên với anh Đỗ Công Trường (1984 trú tại thôn Phú Hạ - xã Tân Phú - huyện Quốc Oai - TP. Hà Nội) khi chị đủ 18 tuổi. Tưởng chừng khi 2 vợ chồng lấy nhau sẽ cùng xây dựng cơ nghiệp, cuộc sống bớt khó khăn, khổ cực, ấy thế nhưng cũng từ đây bi kịch về cơm - áo - gạo - tiền bắt đầu đeo bám khi 8 người con sòn sòn ra đời chỉ trong 11 năm.
Chị Hồng kể: 'Em học xong lớp 9 và xin vào làm công nhân may mặc, một thời gian sau thì gặp anh Trường rồi chúng em cưới nhau khi em tròn 18 tuổi.
Lúc 2 vợ chồng mới cưới nhau, cuộc sống khổ cực lắm bởi cả 2 gia đình đều nghèo khó, nhưng rồi chúng em tự bảo nhau sẽ cố gắng sinh con, đẻ cái rồi làm lụng để cuộc sống bớt khổ hơn'.
Chị Nguyễn Thị Hồng - bà mẹ được mệnh danh là 'máy đẻ' tại Hà Nội.
Ấy thế nhưng, niềm hạnh phúc của 2 vợ chồng chưa được lâu thì từ năm 2005 đến năm 2017, chị sinh liền tù tì 8 người con và đặt tên lần lượt là: Đỗ Ngọc Dung, Đỗ Thị Duyên, Đỗ Thị Hằng, Đỗ Thị Ngọc, Đỗ Công An, Đỗ Thị My, Đỗ Thị Hiền và 1 người con áp út đã mất.
Chị kể: 'Khi sinh cháu đầu tên Đỗ Ngọc Dung (năm nay lên lớp 7), 2 vợ chồng tôi vui mừng và hạnh phúc lắm. Khi đó, chúng tôi cũng tính sẽ sinh thêm 1 đứa nữa thôi để có thời gian chăm sóc, lo lắng cho con cũng như xây dựng kinh tế. Thế nhưng, do suy nghĩ lạc hậu nên 2 vợ chồng lại sinh thêm con'.
Chỉ trong vòng 11 năm, chị Hồng đã 8 lần sinh nở.
Mới 22 tuổi nhưng đã có đến 3 người con và cũng từ đây cuộc sống gia đình chị gặp vô vàn khó khăn, trắc trở. Chị kể: 'Tôi rất khổ cực để chăm sóc 3 đứa con, cũng may mắn là có bà nội, bà ngoại và chồng hết mực thương yêu'.
Dù đến năm 2013, vợ chồng chị sinh được người con thứ 5 là con trai đặt tên là Đỗ Công An nhưng bà mẹ được mệnh danh là 'máy đẻ' của địa phương vẫn chưa dừng lại. Đến những năm 2014, chị sinh tiếp cháu Đỗ Thị My. Năm 2015, chị sinh thêm 1 bé gái nhưng đã mất, rồi năm 2017 sinh tiếp bé Đỗ Thị Hiền.
Bé Dung con lớn nhất đang học lớp 7 và bé Hiền con bé nhất mới 17 tháng.
Chị kể: 'Hai vợ chồng cũng có nghe tuyên truyền rất nhiều về biện pháp tránh thai nhưng chồng tôi không chịu dùng bao cao su, chỉ có tôi dùng thuốc tránh thai hàng ngày nhưng tính sai ngày nên có lần cũng có thai và mang bầu. Bản thân tôi đến giờ này cũng sợ đẻ lắm rồi, nhưng không hiểu sao 2 vợ chồng cứ 'đụng nhau' là… đẻ'.
Trước sinh 4 ngày vẫn leo trèo sơn tường chung cư
Gặp phóng viên lúc hơn 18h chiều cũng là thời điểm tất cả gia đình hơn 10 người quây quần chuẩn bị ngồi bên mâm cơm đạm bạc. Riêng anh Trường - chồng chị - luôn lẩn trốn người lạ bởi ngại và xấu hổ.
Chị Hồng cho biết, giờ chỉ biết làm lụng để có tiền trang trải cuộc sống cho 7 đứa con.
Chị kể: 'Có nhiều lần tôi mang bầu nhưng bản thân không biết bởi cơ thể không có biểu hiện nghén gì cả. Thậm chí có lần tôi mang thai đến tháng thứ 5 thứ 6 mới biết bởi con 'máy' nhiều. Có lần cũng muốn dừng lại nhưng rồi lại nghĩ thương con... nên vẫn tiếp tục sinh nở'.
Gương mặt buồn rầu vì thương đàn con thơ, chị kể: 'Có lần tôi mang bầu đứa thứ 4 rơi vào đúng dịp Tết nên bất ngờ trở dạ, bụng đau quằn quại nên chồng tôi trở thành người đỡ đẻ bất đắc dĩ, sau đó dùng xe bò đẩy lên trạm y tế xã để sinh nở. Em đẻ nhiều đến mức mà cán bộ ở trạm y tế cũng phát ngán…'.
Đẻ nhiều đến mức, chị Hồng khiến các nhân viên trạm y tế ngao ngán.
Trong quá trình sinh nở, chị Hồng chỉ có 2 lần sinh tại BV Đa khoa huyện Quốc Oai bởi chị bị mất máu cũng như bị u nang buồng trứng khi sinh cháu thứ 7 nên buộc phải cắt một bên buồng trứng. Thế nhưng, sau đó, chị vẫn tiếp tục sinh con thứ 8.
Nhiều người nhận xét, dù gia cảnh nghèo khó nhưng trộm vía các con của chị đều rất xinh xắn, ngoan ngoãn.
Chia sẻ thêm với phóng viên, chị Hồng buồn rầu nói: 'Giờ tôi cũng sợ đẻ lắm rồi, nhưng chẳng may dính bầu chắc tiếp tục sinh bởi những đứa trẻ không có tội tình gì cả. Hai vợ chồng tôi vẫn 'đụng chạm' nhau bình thường, mỗi lần như thế tôi phải dùng thuốc tránh thai khẩn cấp'.
Giờ đây, để có tiền nuôi 7 người con, chị Hồng - anh Trường phải nai lưng ra làm việc, chị kể: 'Chồng tôi bị đau lưng triền miên có lẽ do đẻ nhiều (cười), còn tôi bản thân sức khỏe vẫn có nên hàng ngày đi làm thợ sơn dưới trung tâm Hà Nội với mức 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên công việc cũng bấp bênh, có ngày làm ngày không bởi việc không đều'.
Được phóng viên mua bánh kẹo, tặng sữa nên các con của chị Hồng rất vui và thích thú.
Gia đình quá vất vả, cuộc sống quá khổ cực nên chị Hồng buộc phải tìm cách kiếm tiền bằng mọi giá: 'Công trình tôi làm không cho bà bầu làm việc. Để tránh bị kiểm tra, tôi mặc áo dày hơn một chút. Hơn nữa khi tôi mang bầu đến tháng cuối cũng rất thon gọn nên không ai phát hiện ra. Thậm chí có những lần tôi mang bầu chỉ còn 4 - 5 ngày nữa sinh mới nghỉ để sinh, sinh xong 12 - 15 ngày lại tiếp tục trở lại làm việc'.
Nhiều người đến xin con nhưng không cho
Mới 30 tuổi nhưng bà mẹ 'máy đẻ' trở nên tiều tụy, thiếu sức sống, khuôn mặt gầy guộc, hốc hác bên đàn con nheo nhóc.
Chị kể: '6 trong 7 đứa đã đi học nên áp lực lo tiền nong đè nặng lên đôi vai của 2 vợ chồng. Chính vì vậy, không còn cách nào, chúng tôi đều phải nai lưng ra làm miễn sao có tiền để nuôi các con. Ấy thế nhưng, nhiều lần các thầy cô thúc đóng tiền mà chưa có nên các cháu cũng rất xấu hổ với bạn bè nên đã nhiều lần nghỉ học ít ngày'.
Một số con của chị Hằng rất ngại gặp người lạ do sợ cha mẹ cho đi làm con nuôi.
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Bống (sinh năm 1959, bà nội của 7 đứa cháu) cho biết: 'Khuyên mãi rồi nhưng có được đâu, từ khi sinh đến đứa thứ 7 đã có nhiều người từ khắp nơi tìm đến để xin nhận con nuôi nhưng gia đình tôi nhất quyết không cho'.
Bà nội của 7 đứa cháu cho biết: 'Nhiều người đến xin bé My làm con nuôi nhưng gia đình không cho'.
Nói thêm về điều này, chị Hồng ngậm ngùi: 'Con mình đẻ ra rồi nuôi lớn, ai nỡ lòng nào lại cho con đi để người khác nuôi, dù nghèo khó khổ cực nhưng chúng tôi nhất quyết không bao giờ cho đi bất cứ đứa con nào'.
'Trước Tết năm 2017 có 2 vợ chồng ở Tuyên Quang cũng tìm đến gia đình để xin nhận con, rồi trước Tết vừa rồi cũng có 2 vợ chồng ở Lạng Sơn cũng về tha thiết nhận con nuôi.
Tất cả họ đều trình bày hoàn cảnh đã lấy nhau hơn 10 năm nhưng không có con nên muốn xin nhận đồng thời cũng sẽ gửi lại một số tiền lớn nếu gia đình đồng ý nhưng chúng tôi đều từ chối', chị Hồng nói thêm.
Căn nhà tồi tàn và cuộc sống nghèo khó, cơ cực của bà mẹ mệnh danh là 'máy đẻ'.
Thời điểm phóng viên có mặt, bé An đang ốm sốt nhiều ngày nay, bà mẹ trẻ chạy vội đến giường khi bé An khóc để dỗ dành và cho vài viên thuốc uống. Với chị cuộc đời dù khổ cực, dù vất vả vì quá nhiều con nhưng luôn dành tình yêu thương luôn chan chứa với tất cả đứa con mình sinh ra…
Trao đổi với phóng viên Báo Gia đình và Xã hội, ông Đỗ Công Sự (Chủ tịch UBND xã Tân Phú) cho biết: 'Gia đình chị Hồng, anh Trường hiện có 7 người con, trong đó có 1 người con đã mất là hộ nghèo tại địa phương.
Dù chính quyền đã vận động 2 vợ chồng sử dụng các biện pháp phòng tránh thai, hạn chế sinh nở rất nhiều lần nhưng vẫn không thuyết phục được. Hiện tại, địa phương cũng đã hỗ trợ các con của 2 vợ chồng trong việc học hành cũng như động viên, thăm hỏi trong dịp lễ Tết'.