Khi Thành phố Hà Nội có hàng nghìn ca F0 mỗi ngày, PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc BV Đa khoa An Việt cho biết mỗi ngày bà nhận hàng trăm câu hỏi của F0 liên quan tới các vấn đề dùng thuốc, làm sao khi thành F0…. Nhiều người đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi… với tâm trạng lo lắng.
Theo PGS An, khi bạn test nhanh Covid-19 2 lần cách nhau 8 tiếng đều lên 2 vạch thì chứng tỏ bạn đã nhiễm Covid-19.
Ở những người chưa có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ giống cảm cúm trước tiên bạn nên cách ly với các cá nhân khác trong gia đình để không lây bệnh cho người khác.
Sau khi tự cách ly trong phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bạn có thể nhờ người thân mua thuốc. PGS An nhấn mạnh chỉ dùng các thuốc hạ sốt, cảm cúm, viên C sủi, orezol… tuyệt đối không tự mua thuốc Corticoid, thuốc kháng viêm, chống đông.
Xử lý các triệu chứng
Thứ nhất, nếu bạn cảm thấy đau họng bạn có thể sử dụng thuốc cảm cúm thông thường, có thể sau 3 ngày bạn sẽ trở lại bình thường không có dấu hiệu đau họng. Thuốc cảm cúm trong giai đoạn này có vai trò phòng chống Covid-19. Thuốc cảm cúm cũng có tác dụng chữa ho, giảm triệu chứng đau mỏi xương khớp khó chịu của người bệnh.
Thứ hai, triệu chứng sốt, nhiều trường hợp F0 không có triệu chứng, hơi đau mỏi người, ngạt mũi nhưng cũng có người có biểu hiện sốt. Khi chúng ta có xét nghiệm dương tính và sốt thì nên dùng hạ sốt thông thường. Nhiệt độ trên 38,5 độ C thì bạn có thể uống 2 viên Paracetamol/lần (người lớn) hoặc Panadol 500 mg/lần để kiểm soát cơn sốt. Khi hạ sốt xong chúng ta uống nước bù điện giải có thể uống orezol, nước cam, nước chanh, nước lọc, nước vitamin C từ C sủi, sữa, nước gừng ấm để làm họng dịu hơn, chống viêm họng.
PGS Nguyễn Thị Hoài An khám cho bệnh nhân.
Với trẻ em dùng hạ sốt thông thường thì dùng theo liều lượng 10 ml/kg cân nặng. Cho trẻ uống nhiều sữa, thức ăn giàu đạm để tăng sức khoẻ. Cho bé bổ sung thêm nước cam, gừng ấm.
Thứ ba, khi bị ho, bạn có thể sử dụng các loại thuốc ho thảo dược để giảm dấu hiệu ho.
Còn người đã tiêm đủ vắc xin, PGS An khuyến cáo không cần phải dùng thuốc kháng sinh nào. Chỉ khi nào triệu chứng nặng, có tình trạng viêm phổi mới dùng tới kháng sinh.
Ngoài ra, PGS An cũng cho biết đối với người điều trị Covid-19 tại nhà, việc chăm sóc mũi họng như sử dụng nước gừng ấm, ở trong nhà nhiệt độ lạnh thấp với bé dưới 3 tuổi chú ý nâng nhiệt độ phòng ấm lên bằng lò sưởi, điều hoà lên 27 độ C. Nhờ đó việc hít hơi ấm vào giúp giảm nhiễm khuẩn hô hấp dưới.
Việc dùng Corticoid, bác sĩ An cho biết tuyệt đối không tự mua, chỉ khi nào bác sĩ kê thuốc người bệnh mới được mua. Đặc biệt là đối với trẻ em không cho trẻ uống đơn thuốc lung tung.
Dù bạn là F0 không có triệu chứng thì vẫn nên học hít thở, hít sâu thở chậm để thải hết khí cặn trong phổi ra, luyện tập cho sự đàn hồi của phổi, tập thở là tập thể dục cho phổi.
Người có yếu tố nguy cơ
Theo PGS An, những người có bệnh nền như bệnh mãn tính, ung thư, người bị các bệnh tự miễn, tắc nghẽn phổi mãn tính khi nhiễm Covid-19 bạn cần phải liên hệ với cơ sở y tế để được vào bệnh viện theo dõi, cố gắng vào viện sớm nhất.
Khi chưa có điều kiện vào viện, người bệnh vẫn duy trì điều trị thuốc của bệnh nền. Nếu bạn sợ Covid-19 quá mà bỏ thuốc bệnh nền sẽ nguy hiểm có thể trở nặng vì bệnh nền.
BS An đưa ra lời khuyên 'xương máu' cho F0 có bệnh nền đó là vào viện vẫn cần cầm theo gói thuốc mình đang uống. Nhiều người có bệnh nền nghĩ vào viện có thuốc rồi và khi tới bệnh viện chưa chuẩn bị thuốc hoặc không có đơn thuốc bạn đang dùng thì sẽ rất nguy hiểm vì không có thuốc uống. Thực tế này đã được ghi nhận ở rất nhiều bệnh viện dã chiến.
Các cơ sở y tế sẽ theo ngành dọc nên người bệnh báo với trạm y tế phường, xã để họ báo lên các cơ sở y tế trên. Y tế phường là nơi liên lạc cho người bệnh để bệnh nhân có thể vào bệnh viện nào.
Hàng ngày, F0 phải đo Spo2 hai lần, nếu Spo2 dưới 95% thì cần vào viện ngay.
Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm có F0 là bạn có khó thở hay không vì vậy bạn phải mua máy đo độ bão hoà oxy máu. Nếu Spo2 trên 96% thì là mức độ bình thường. Lúc thiếu oxy máu bạn thở hổn hển, co kéo cơ hô hấp để cố gắng hít vào.
Tuy nhiên, không phải 100% thiếu oxy đều khó thở vì cũng có trường hợp Spo2 xuống thấp dưới 94% người bệnh vẫn đi lại bình thường đó là dấu hiệu thiếu oxy thầm lặng. Thiếu oxy thầm lặng sẽ rất nguy hiểm vì nếu thiếu oxy thầm lặng không kịp chuyển tới bệnh viện, bệnh nhân có thể tử vong.